Tại cuộc tọa đàm “Chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam” do Bộ Công thương tổ chức chiều nay (27.4), đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô cho rằng, chính sách nội địa hóa ngành công nghiệp này sẽ thất bại nếu không có thêm những điều chỉnh nhất định.
>> Giá ô tô có thể giảm 15 - 20%
>> Toyota VN vẫn sản xuất ô tô nhưng mập mờ kế hoạch phát triển
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô cho rằng, chính sách nội địa
hóa ngành công nghiệp ô tô VN sẽ thất bại nếu không có thêm những điều
chỉnh nhất định
|
Theo ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương, Chính phủ đã đưa ra một số định hướng chính sách ưu đãi thuế, phí cho những doanh nghiệp có quy mô 100 ngàn xe/năm trở lên, do đó, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang rất cần các đối tác chiến lược có tầm vóc, quy mô, năng lực tài chính đủ mạnh để đầu tư vào ngành này.
“Tuy nhiên, cũng phải có những chính sách cụ thể cho ngành công nghiệp hỗ trợ, từng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như thế nào mới đủ sức thu hút nhà đầu tư”, ông Tuấn Anh nói.
Về thời điểm từ 1.1.2018, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN vào VN chỉ còn 0%, theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty CP Ô tô Trường Hải, giá xe tại thị trường VN sẽ rẻ hơn nhưng rẻ bao nhiêu sẽ không căn cứ theo giá xe nhập về mà phải tính trên giá thành sản xuất. "Chúng tôi cũng có chiến lược, phải giảm giá thành 15 - 20% ở tất cả các khâu”, ông Dương nói.
Cũng theo ông Trần Bá Dương, hiện nay Việt Nam vẫn được hy vọng là điểm đến của các nhà đầu tư chưa có cơ sở sản xuất ở ASEAN. “Khả năng thu hút đầu tư sản xuất tại VN xuất khẩu sang ASEAN vẫn khả thi. Các hãng xe vẫn đánh giá cao tiềm năng 90 triệu dân của Việt Nam nhưng chỉ e ngại thị trường chưa đủ lớn. Do đó, muốn thu hút phải có chính sách ưu đãi”, ông Dương nói.
Ông Dương cũng cho rằng, còn 3 năm nữa mới đến thời điểm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc còn 0%, nhưng để phát triển ngành công nghiệp ô tô, trong 3 năm đó, các doanh nghiệp vẫn cần các chính sách hỗ trợ. “Không có nước nào hoàn toàn mở toang cánh cửa mà họ đều có hàng rào bảo hộ. Theo tôi, các bộ nên xem lại chính sách thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), nên có ưu đãi hơn với doanh nghiệp lắp ráp nếu đầu tư, sản xuất có hiệu quả”, ông Dương nói. Theo ông Dương, hiện nay có sự không công bằng khi xe lắp ráp, tính thuế với xe xuất xưởng trong khi xe nhập lại chỉ tính thuế TTĐB trên giá CIF nhập khẩu, chưa đầy đủ thuế và phí.
Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, Lưu Đức Huy cho biết, Bộ Tài chính và Bộ Công thương đang phối hợp để đề xuất xây dựng chính sách ưu đãi cho đầu tư, sản xuất ô tô, trong đó có nghị định hướng dẫn luật thuế TTĐB. “Hiện nay, ngành sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư, được xem xét ưu đãi thuế về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng theo luật Thuế và luật Đất đai nên vẫn phải rà soát xem ưu đãi đến đâu vì luật Đầu tư chỉ có nguyên tắc chung, chưa cụ thể”, ông Huy nói.
Đại diện lãnh đạo Bộ Công thương và Bộ Tài chính cho biết, sau cuộc họp này, các bộ, ngành liên quan sẽ xây dựng, hoàn chỉnh các bản dự thảo chính sách mới để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất ô tô tại VN và sẽ đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của doanh nghiệp trước khi trình Thủ tướng xem xét, thông qua.
Hà Nguyễn
>> Người Việt thích dùng xe sang phản ánh đẳng cấp
>> Reuters: 8/10 người Việt không có ô tô vẫn đi học bằng lái
>> Lexus tái khẳng định mục tiêu số 1 tại Việt Nam, liệu có thể?
>> Lexus 4 năm liền vào top 10 thương hiệu ô tô đáng tin cậy nhất
>> 10 thương hiệu ô tô dính lỗi nhiều nhất
>> Ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh
>> Ô tô Trung Quốc hạn chế dùng nhưng vẫn nhập ồ ạt về VN
Bình luận (0)