(TNO) Số người chết vì nắng nóng ở Pakistan đã lên đến 260 người, tính đến sáng 23.6. Hầu hết nạn nhân là người già và người vô gia cư tại thành phố Karachi.
Nhà xác quá tải vì trời nóng - Ảnh: AFP
|
Tờ Inquisitr của Mỹ đưa tin, tình hình nghiêm trọng đến nỗi chính quyền buộc các bác sĩ, nhân viên y tế phải làm việc liên tục, không được nghỉ trong những ngày này. Còn theo BBC thì hàng trăm bệnh nhân bị sốt, mất nước, say nắng, các vấn đề về tiêu hóa... do nắng nóng gây ra đang được điều trị ở các bệnh viện.
Hơn 150 xác chết đã được đưa đến nhà xác Edhi ở Karachi từ hôm thứ bảy đến thứ hai vừa qua, trong khi bình thường nơi đây chỉ nhận trung bình 20 xác/ngày.
Quân đội đã phải lập những trạm chống nắng trên khắp Karachi, thành phố có đến 20 triệu dân. Nhiệt độ tại nơi đây đã lên đến 45oC trong những ngày qua.
Nhu cầu sử dụng điện gia tăng do trời quá nóng, lại trùng vào thời điểm người Hồi giáo bước vào tháng chay Ramadan - lúc họ cũng gia tăng dùng điện - dẫn đến tình trạng quá tải và cúp điện xảy ra liên tục.
Cách 'hạ nhiệt' của 2 chú bé Pakistan - Ảnh: Reuters
|
Nhiều cuộc biểu tình đã xảy ra trên khắp thành phố. Người dân giận dữ chỉ trích chính quyền và công ty cấp điện chủ chốt của thành phố đã không đưa ra các biện pháp hữu hiệu để giảm bớt tình trạng tử vong.
Vì sao nắng nóng có thể làm chết người ?Một khi nhiệt độ lên đến 39-40oC, não bộ sẽ "chỉ đạo" cho cơ bắp làm việc chậm lại, dẫn đến mệt mỏi.
Ở 40-41oC, sự kiệt sức do nóng có thể xảy ra. Đến trên 41oC, cơ thể bắt đầu "đình công". Các hóa chất trong cơ thể bị ảnh hưởng, các tế bào bắt đầu bị hủy hoại và nguy cơ suy đa nội tạng bắt đầu nảy sinh. Lúc này, cơ thể thậm chí không thể tiết mồ hôi vì dòng máu nuôi da đã ngưng trệ, khiến cho da trở nên lạnh ngắt.
Say nóng có thể xảy ra khi nhiệt độ từ 40oC trở lên. Đây là lúc nhất thiết phải được điều trị chuyên nghiệp, nếu không cơ hội thoát chết rất thấp.
Để giảm thiểu tác hại của nắng nóng, mọi người có thể mặc đồ ướt, rộng, ngâm tay vào nước lạnh, đặt quạt máy ở gần cửa sổ, tắm nước ấm thay vì nước lạnh, quạt ở mặt thay vì ở các bộ phận khác...
|
Bình luận (0)