Một tuần trước, Paris hoang mang trong cơn ác mộng của các cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng với 17 người thiệt mạng. Vết đạn thủng và những đường rạn nứt trên ô cửa sổ bằng kính gần trường học, vẫn còn nguyên vẹn đến nay.
Vết đạn vẫn còn bên cửa kính ngôi nhà sát trường mầm non trong khu xảy ra vụ tấn công
- Ảnh: Minh Hoa |
Vẫn như mọi buổi sáng mùa đông thường nhật, sáng nay trời tù mù, rét mướt. Người Paris tay co ro giấu trong túi áo manteau, bước đi nhanh trên đường đến nỗi trong cái chớp mắt đã vụt biến ra khỏi tầm mắt nhau, để kịp theo nhịp sống thủ đô “métro - boulot - dodo” (tàu điện - sở làm - ngủ) hối hả. Nhưng sáng nay, người dân Paris bắt đầu có thói quen đưa mắt tìm những đội cảnh sát tuần tra trên các ngả đường, trạm tàu điện ngầm để được trấn an. Ở các trung tâm mua sắm, đội bảo vệ an ninh, cảnh sát vũ trang đứng gác và kiểm soát ở mọi cửa ra vào, thậm chí cả lối thoát hiểm.
Tiếng súng vẫn còn chập chờn vang vọng trong tâm trí của cô hiệu trưởng nhà trẻ nơi con tôi học. Phòng làm việc của cô ngay trên đường Pélé, nơi diễn ra cuộc đấu súng của kẻ tấn công áo đen và cảnh sát, nên cô trở thành nhân chứng trong cuộc thảm sát tại tạp chí trào phúng Charlie Hebdo ngày 7.1. “Tôi nghe hàng loạt phát súng nổ, và khi nhìn ra cửa sổ, tôi thấy một người đàn ông trang phục màu đen, mặt che kín, cầm súng đang cố chạy thoát khỏi nhóm cảnh sát đang truy đuổi sau lưng. Tôi không biết việc gì đang xảy ra. Trong lúc đó, điều tôi nghĩ đến đầu tiên, là sự an toàn của những người làm bếp và giặt giũ của nhà trẻ vì phòng làm việc của họ, sát bên phòng tôi, cũng nằm trực tiếp trên con đường này. Và liệu, phía ngoài cửa nhà trẻ, các cô giáo có đang tụ họp hút thuốc ở đó không? Tất cả mọi người, trong nhà trẻ này, có đang an toàn không…”, cô kể lại, giọng nói đôi khi bị đứt quãng dù cô cố gắng kiềm chế cảm xúc.
Nhưng cũng chính cô sau đó, lại mạnh mẽ động viên chúng tôi, những phụ huynh học sinh, đến để chia sẻ với cô: “Bây giờ, chúng ta không có gì để sợ hãi và lo lắng, những đứa trẻ sẽ luôn được bảo vệ an toàn. Cuộc sống vẫn tiếp tục, chúng ta đi về phía trước thôi. Nếu mọi người thấy bất an, hãy đến nói chuyện giữa chúng tôi”. Thành phố Paris tổ chức những buổi nói chuyện giữa các nhà tâm lý học với người dân Paris sau cơn chấn động tâm lý từ các cuộc tấn công khủng bố, thông qua nhà trường hay các tổ chức xã hội.
Quảng trường République sáng nay, hoa và nến từ những ngày trước vẫn còn đó. Người dân vẫn từng nhóm người đến, đặt tay trên khẩu hiệu “je suis Charlie” (tôi là Charlie) còn khắc lại trên nền gạch. “Je suis Charlie” vẫn còn khắp nơi, ở Paris, tỏa sáng trên Khải Hoàn Môn, đại lộ Champs - Élysées, hay trên kệ nhà sách, siêu thị, tiệm thuốc tây, nhà hàng…
Người dân Paris hằng ngày vẫn còn thói quen tạt ngang các ki ốt báo từ sớm, hỏi mua số đầu tiên của tờ tạp chí Charlie Hebdo kể từ sau cuộc thảm sát. Có những người trước kia chưa từng đọc tờ tạp chí châm biếm này. Nhưng bây giờ, đó là một cách để người thủ đô tưởng niệm những nạn nhân đã thiệt mạng trong cuộc thảm sát, cũng là một hành động chứng minh, người Pháp không sợ, và sẵn sàng đối mặt trong cuộc chiến tranh chống khủng bố, vừa bắt đầu trên đất Pháp.
Cơn ác mộng ba ngày đã thay đổi Paris!
Biểu tình chống Charlie Hebdo lan ra toàn cầu
Cơn giận dữ của người Hồi giáo bùng nổ dữ dội sau khi tờ Charlie Hebdo ra ấn phẩm mới với bức tranh biếm họa về nhà tiên tri Muhammad. Theo AFP, cuộc tuần hành chống tuần báo biếm họa Pháp tại thành phố Zinder, miền nam Niger ngày 16.1 đã sớm biến thành bạo lực, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng.
Cuộc biểu tình ở Zinder - Ảnh: Reuters
Nhiều nhà thờ và một trung tâm văn hóa Pháp tại Zinder đã bị đám đông biểu tình tấn công và đốt phá. Bộ trưởng Nội vụ Niger Hassoumi Massaoudou cho biết 23 nhân viên an ninh và 23 dân thường cũng đã bị thương trong vụ bạo động. Chính phủ Niger, từng là thuộc địa của Pháp, đã cấm bán Charlie Hebdo. Tại Pakistan, các cuộc biểu tình nổ ra ở các thành phố Karachi, Lahore và thủ đô Islamabad.
Cảnh sát và những người biểu tình đụng độ nảy lửa bên ngoài lãnh sự quán Pháp ở Karachi, làm 4 người bị thương, trong đó có một phóng viên ảnh của hãng tin AFP. Hàng ngàn thanh niên ở thủ đô Algiers của Algeria cũng đổ ra đường biểu tình chống Charlie Hebdo. Từng nhóm biểu tình liên tục ném đá và chai nước vào lực lượng an ninh khiến họ phải trấn áp bằng đạn hơi cay. Tại thủ đô Amman của Jordan, lực lượng cảnh sát phải dùng dùi cui để ngăn cản đám đông khoảng 2.000 người tìm cách tiến về Đại sứ quán Pháp và cuộc đụng độ giữa hai bên đã xảy ra. Hàng trăm người Hồi giáo cũng xuống đường tuần hành tại thủ đô Khartoum ở Sudan, yêu cầu trục xuất đại sứ Pháp tại đây.
Danh Toại
|
Bình luận (0)