Patrick Levet - Hiệp sĩ Tây "ba lô" - Kỳ 3: Hiệp hội Vovinam Việt Võ Đạo liên lục địa

11/11/2004 00:18 GMT+7

Chào Việt Nam! Học Vovinam mà không biết đất nước và con người Việt Nam kể như chỉ mới hiểu một nửa. Suy nghĩ này đeo đẳng trong tâm trí Patrick nhiều năm liền. Đến Việt Nam và tìm cách thâm nhập vào làng võ, học theo đúng gốc để nắm hết sự uyên bác của tinh thần văn hóa phương Đông là "giấc mơ" lớn trong đời Patrick.

Cơ may đã tới khi lần đầu có một phái đoàn võ thuật nhiều nước châu u đến Việt Nam giao lưu và biểu diễn. Patrick được mời tham gia và được xếp vào thành viên của Tây Ban Nha, vì anh sống và làm việc ở nước này. Đặt chân lên mảnh đất Việt Nam, Patrick vừa vui mừng vừa bỡ ngỡ. Ở đất nước đang nắng chang chang chợt bất ngờ mưa ào ào xối xả, có một cái gì thân thương và đáng yêu. Anh thấy con người Việt Nam hiền hòa, đời sống hết sức bình yên. "Điều đó khác với những gì tôi nghĩ. Tìm hiểu đất nước Việt Nam qua sử sách, tôi thấy đất nước các bạn đi qua bao nhiêu cuộc chiến tranh. Chắc tính cách người Việt cũng dữ dằn lắm" (?). Nói rồi Patrick đưa tay nhẩm đếm những vị anh hùng: Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Cao hứng, Patrick đọc luôn mấy trích đoạn “Hịch tướng sĩ", và "Bình Ngô đại cáo" bằng tiếng Việt.

Từ chuyến đi này, Patrick được tiếp xúc với võ sư Nguyễn Văn Chiếu, người có thẩm quyền của môn Vovinam. Cuộc gặp gỡ này đã củng cố thêm định hướng của anh. Patrick quyết định qua Việt Nam thường xuyên để tiếp tục học nâng cao và đào sâu hơn vào sự tinh túy của Vovinam. Và anh đi lại như con thoi tới Việt Nam, khi thì ở lại một vài tháng, có khi ở lại hơn nửa năm trời. Cách học của Patrick cũng rất lạ, đó là ý chí muốn vươn lên đỉnh cao nên trong các buổi tập bao giờ anh cũng cố gắng làm mạnh hơn, cao hơn, nhanh hơn, và phải hỏi kỹ để hiểu rõ kỹ thuật và ý nghĩa sâu xa đến tận cùng. Nhờ vậy anh tiến bộ rất nhanh. Hầu như Patrick không bỏ buổi tập nào, có những động tác tưởng như tầm thường, nhờ tập đi tập lại cả ngàn lần, chợt "ngộ" ra sự vi diệu của nó. Lúc ấy người đẫm mồ hôi nhưng trong lòng anh tràn ngập niềm vui sướng lạ lùng.

Có người hỏi: Đi khắp nơi như vậy Patrick sống bằng gì? Anh không ngại ngùng cho biết, hằng tháng các câu lạc bộ võ thuật tại Tây Ban Nha do học trò anh quản lý vẫn đóng một khoản tiền tượng trưng nào đó cho thầy. Ngoài ra nếu đến nơi nào thời gian ở lại hơi lâu, anh thường liên hệ với các trung tâm dạy ngoại ngữ để xin dạy tiếng Pháp hoặc tiếng Anh. Thù lao tuy không nhiều nhưng cũng đủ chi phí cho chi tiêu, sinh hoạt. Cách dạy ngoại ngữ của anh cũng khác người, đó là việc áp dụng phương pháp huấn luyện võ thuật vào dạy ngôn ngữ theo trình tự từng bước, có căn bản rồi mới đi từ thấp lên cao. Patrick đang viết một cuốn sách dạy và học tiếng Pháp, nhấn mạnh ở cách phát âm, tiếp cận theo hướng sư phạm mới nhất, chuẩn bị cho xuất bản, kèm theo bộ đĩa VCD.

Đến Việt Nam, học được cái cốt lõi của Vovinam, Patrick lại nghĩ đến chuyện lớn hơn. Phong trào Vovinam trên thế giới lan rộng đến hơn 20 nước ở khắp các lục địa, từ châu u, châu Phi, châu Úc, châu Mỹ; đã thật sự trở thành môn võ quốc tế có tầm cỡ. Việc xây dựng một tổ chức Vovinam quốc tế có liên hệ chặt chẽ với chính phái ở Việt Nam nhằm bổ sung và thống nhất kỹ thuật sẽ thúc đẩy phong trào Vovinam mạnh hơn, có hiệu quả hơn, nhằm tạo tiếng nói có sức nặng hơn tại các giải đấu khu vực và thế giới. Ý tưởng này được nhiều đồng môn ủng hộ, các học tròâ nhiệt tình giúp đỡ. Với tư tưởng "thuận thiên, hòa nhân", cuối cùng cuộc vận động dẫn đến kết quả: năm 1996, Hiệp hội Vovinam Việt Võ Đạo liên lục địa (Intercontinental Vovinam Việt Võ Đạo Association) ra đời. Ông Juan Cid, một người có uy tín lớn được mời làm chủ tịch, ông Sergio Mora làm tổng thư ký. Patrick được bầu làm Giám đốc kỹ thuật quốc tế của hiệp hội (đến năm 2002, chức vụ này do võ sư Nguyễn Văn Chiếu đảm nhận). Tổ chức này đã được công nhận ở châu u và được cấp mã số để hoạt động. Điều lý thú là khi mới thành lập hiệp hội, chỉ có hai nước thành viên là Tây Ban Nha và Việt Nam, hiện nay đãä có 20 nước tham gia như Angieri, Bỉ, Belarus, Pháp, Đức, Anh, Ý, Ba Lan, Maroc, Brazin, Senegal...

Tiến về Bắc Mỹ

Trước khi đi Mỹ, Patrick nghe phong thanh Vovinam ở xứ sở cờ hoa này mạnh lắm. Năm 2000, khi tới Chicago, gặp một số võ sư Vovinam người Việt mới biết nơi đây không có phong trào. Ở đây hai tuần, Patrick quay lại Cali, trọ tại nhà võ sư Lê Văn Huy, học trò của thầy Chiếu. Vovinam phát triển tại Mỹ chủ yếu là trong cộng đồng người Việt. Lớp của võ sư Huy có 90 người theo học, chỉ có 2 môn đồ "ngoại": một chàng da đen, một da trắng. Mấy đêm nằm trăn trở, Patrick cứ suy nghĩ mãi tại sao Vovinam không thể dạy được cho người Mỹ chính gốc, Trong khi các môn karate, taekwondo rất đông người bản xứ theo tập?

Là người qua định cư ở Mỹ lâu năm, có một số kỹ thuật Vovinam anh Lê Văn Huy không còn nắm rõ. Anh Huy nhờ Patrick hướng dẫn lại để hoàn chỉnh kỹ thuật hơn. Muốn ở lại Mỹ một thời gian dài, Patrick bắt buộc phải đi làm kiếm tiền. Việc làm đòi hỏi phải có thẻ xanh, mà Patrick chỉ có visa du lịch. Không còn cách nào khác, anh Huy mời Patrick làm việc cho công ty "nhà". Công việc cũng đơn giản, chỉ lo sửa chữa nhà và chăm sóc vườn. Patrick được giao việc trồng cỏ, cắt cỏ, lắp ống nước, xây tường xi măng, tất tần tật. Lao động vất vả khiến bàn tay anh rớm máu, tối về nằm xuống là lăn ra ngủ. Hơn tuần lễ trôi qua, khi đã quen dần, anh bắt tay vào dạy võ. Việc học võ chỉ tập trung vào các ngày cuối tuần, và Patrick chỉ dạy 4 buổi mỗi tuần.

Từ Cali, Patrick đi xe bus lên hướng bắc để sang Canada. Anh được vợ chồng anh Phạm Khúc Danh giúp đỡ rất nhiều. Xu hướng phát triển Vovinam ở Canada cũng giống như bên Mỹ, chỉ tập trung trong nhóm người Việt. Patrick dạy và tập huấn kỹ thuật cho một câu lạc bộ có khoảng 70 người theo học. Tiếp tục làm Tây "balô", anh xin vào làm tại nhà hàng Phở 99 với nhiệm vụ bưng bê, rửa ly, rửa bát... Thời gian sau, Patrick chuyển đi xa hơn, đầu quân cho một công ty Hàn Quốc chuyên làm bảng hiệu quảng cáo. Để tiết kiệm, Patrick sống thật đơn giản. Nơi anh ở chỉ có một phòng nhỏ, không có giường và bếp. Thấy anh sinh hoạt dưới mức tối thiểu, nhiều người rất ngạc nhiên. Họ hỏi anh tại sao lại phải chịu đựng như vậy? Như một thiền giả, Patrick chỉ cười, nụ cười an nhiên tự tại của người tin mình sống đúng và làm đúng. Cũng có người rất hiểu anh, và biết rõ anh đang muốn gì. Đó là anh Bính, lúc ở Việt Nam là giáo sư toán, qua Canada tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Nhiều lúc Patrick phụ việc cho anh, được trả tiền công đàng hoàng. Được anh giúp đỡ và chỉ dạy cặn kẽ về văn hóa Việt Nam, Patrick luôn coi anh là bậc ân nhân của mình.

Mùa hè năm 2000, ở Cali có một "đại hội" các võ sư Vovinam với khoảng 80 võ sư trên thế giới về dự và toàn là người Việt Nam. Patrick là người châu u duy nhất đến đây. Anh hết sức thất vọng khi mọi người chỉ ôn lại chuyện cũ một cách chung chung và không có một kế hoạch cụ thể nào để phát triển Vovinam. Qua 3 ngày thảo luận, anh đã tìm được lời giải đáp lý do vì sao Vovinam ở đây không mạnh bằng các môn võ khác!

Cao Thụ

Kỳ cuối: Mối tình kiếm mã

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.