Có tên tiếng Việt khá nhẹ nhàng là Trợ lí thời trang, thế nhưng, bản thân Personal Shopper không phải là một bộ phim đơn giản kể về một nhân vật làm nghề mua sắm giúp các ngôi sao giải trí. Maureen, nữ nhân vật chính của phim, còn có một “nghề phụ” là nhà ngoại cảm. Và cô đang trong quãng thời gian sống tại Paris để tìm cách liên lạc với người em song sinh quá cố của mình. Lewis chỉ mới mất vài tháng trước đó vì một cơn đau tim, và trước đó, họ từng giao ước với nhau rằng ai chết trước thì sẽ tìm cách báo cho người còn sống một dấu hiệu, để chứng minh sự hiện hữu của thế giới bên kia.
Thế nhưng, những vấn đề mà Maureen phải đối mặt trong bộ phim này không chỉ đơn giản là đức tin, thiên đường hay địa ngục, mà còn là những cuộc chiến dai dẳng giữa người với người, giữa lòng tham và dục vọng…
Một bộ phim xuất sắc của Kristen Stewart
Từng đóng chính trong loạt phim Chạng vạng (Twilight), Kristen Stewart trước đây là gương mặt không được lòng giới chuyên môn bởi biểu cảm của cô thường khá cứng, cơ mặt không linh hoạt và ít khi biến hóa đa dạng vào nhiều loại vai. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 4-5 năm trở lại đây, Kristen Stewart đã chứng minh cho bất cứ ai từng xem thường mình rằng họ đã lầm. Năm 2015, Kristen Stewart bất ngờ nhận đề cử giải thưởng của điện ảnh Pháp cho vai diễn trong Clouds of Sils Maria. Sau 3 thập kỷ mới lại có một nữ diễn viên người Mỹ ghi tên trong đề cử César Award và bất ngờ đoạt luôn hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc. Cô có thể không phải là một diễn viên biến hóa xuất chúng, nhưng cô sẽ tỏa sáng nếu được đặt vào đúng chỗ. Personal Shopper là một ví dụ điển hình.
Nhân vật Maureen trong tác phẩm này được đạo diễn kiêm biên kịch Olivier Assayas xây dựng như một cô nàng khá nam tính, mạnh mẽ cùng một vẻ ngoài ngông nghênh bất cần. Tuy nhiên, ẩn sâu bên trong, Maureen cũng là một cô gái nhạy cảm cần có một chỗ dựa, và luôn phải đấu tranh với những thôi thúc, dục vọng và ham muốn rất đỗi “con người” của chính bản thân mình. Và vai diễn này, cá tính ấy, hoàn toàn phù hợp với lối diễn đơn giản và có phần chậm rãi, từ tốn nhưng chắc chắn của Kristen Stewart. Cô khiến khán giả cảm thấy tin, hồi hộp theo dõi từng cử chỉ của nhân vật, và rồi háo hức "bám" theo nhân vật đến tận cuối bộ phim. Và dù ở phần kết, tác phẩm khép lại với một số phận khó đoán cho nhân vật Maureen, người ta vẫn cảm thấy hài lòng vì đã cùng trải qua hỉ nộ ái ố với cô. Chỉ như thế đã là quá đủ cho một bộ phim và cũng được gọi là thành công của diễn viên.
|
Có thể nói, Kristen Stewart đang ở một trong những thời kỳ tỏa sáng nhất trong sự nghiệp của mình, và bộ phim này là một minh chứng cho điều đó. Kristen Stewart không chỉ góp phần giúp Olivier Assayas giành về giải thưởng đạo diễn xuất sắc nhất ở Cannes, mà còn có cơ hội làm việc với nhiều đạo diễn gạo cội như Lý An, Woody Allen… Dù không quá xinh đẹp đến mức được gọi là “tuyệt sắc giai nhân”, nhưng Kristen Stewart luôn biết quyến rũ và thu hút người khác bằng sự tinh tế và vẻ đẹp mặn mà của mình. Như trong Personal Shopper, dù chỉ xuất hiện một vài phân cảnh ngực trần, Kristen đã khiến khán giả phải xuýt xoa và ngưỡng mộ nét đẹp của một phụ nữ đang bước vào giai đoạn chín muồi.
Sự kết hợp giữa hình sự và tâm linh
Ở Personal Shopper, người xem có thể thấy tò mò vì những chi tiết mang đậm màu sắc tâm linh ngay từ đầu, lại có thể thấy háo hức và thú vị khi theo dõi Maureen trò chuyên cùng người giấu mặt và đụng phải một vụ ám sát đầy máu và nước mắt. Bộ phim này pha trộn giữa nhiều thể loại, liên tục dẫn dắt khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Nếu ở nửa đầu phim, người xem đôi khi có thể hơi “chán ngán” vì mạch truyện chậm và cách xử lý nhịp có phần hơi lơi của đạo diễn, thì ở nửa sau, bạn sẽ có cảm giác như đang “chạy nước rút” vì quá nhiều tình tiết liên tục được tung ra, quá nhiều chi tiết đan xen nhau, quá nhiều dữ kiện khó hiểu đến mức làm khán giả đau đầu.
|
Cũng như nhiều bộ phim khác được làm ra nhằm nhắm đến giải Cành cọ vàng ở LHP Cannes, cách kể chuyện của Personal Shopper mang tính gợi nhiều hơn tính kể. Không giải thích dài dòng, không dày đặc thoại mang tính triết lý, mục đích của đạo diễn là sử dụng hình ảnh và hành động để đưa người xem đến chỗ tự luận và tìm ra kết quả của riêng mình. Ngay ở khoảng thời gian 1/3 cuối phim chính là lúc người xem bắt đầu dễ lạc lối và rẽ theo nhiều hướng khác nhau. Cách nhìn của bạn sẽ quyết định bạn hiểu bộ phim theo hướng nào. Maureen còn sống hay đã chết? Ai là thủ phạm của vụ sát nhân? Lewis có thực sự tìm về với Maureen không? Thế giới bên kia có tồn tại không? Thậm chí, tất cả những thứ mà bạn vừa xem có thật không, hay chỉ là một cơn mơ, cũng đều không có câu trả lời chính xác. Câu trả lời nằm ở trí óc của mỗi người.
Nhìn chung, Personal Shopper là một bộ phim khá khó xem vì nó mang tính phục vụ nghệ thuật nhiều hơn là nhu cầu giải trí. Nó có thể sẽ không ăn khách, nhưng bù lại sẽ rất thú vị với bất cứ những ai chịu mở lòng tìm đến và tìm cách thấu hiểu nó. Tác phẩm này sẽ giúp bạn có cái nhìn rộng mở hơn về thế giới xung quanh mình, để hiểu rằng khả năng của cuộc đời là vô hạn, và để hiểu rằng việc được là chính mình quan trọng đến dường nào.
Bình luận (0)