10 tháng doanh thu trên 820.000 tỉ đồng
Trong tháng 10, kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới có dấu hiệu cải thiện, một số mặt hàng liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Petrovietnam chuyển biến theo xu hướng tốt hơn.
Điểm nhấn nổi bật nhất tháng 10 là Petrovietnam được vinh danh ở vị trí dẫn đầu trong Top 10 Thương hiệu mạnh Việt Nam 2024; lần thứ 6 được vinh danh là doanh nghiệp dẫn đầu Top 500 Doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam.
Trong tháng 10, khai thác dầu thô của Petrovietnam đạt 822.000 tấn; sản xuất điện đạt 2,49 tỉ kWh; đạm đạt 163.000 tấn; xăng dầu đạt 636.900 tấn; sản xuất xăng dầu (không bao gồm NSRP) đạt 5,55 triệu tấn...
Đến nay, tổng doanh thu toàn tập đoàn về đích kế hoạch năm trước 3 tháng, trong 10 tháng ước đạt 820.400 tỉ đồng, vượt 12% kế hoạch năm, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Nộp ngân sách toàn tập đoàn về đích trước 4 tháng, ước đạt 129.200 tỉ đồng, vượt 37% kế hoạch năm, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.
Petrovietnam có lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 43.300 tỉ đồng, vượt 96% kế hoạch năm. Trong 10 tháng qua, Petrovietnam đã hoàn thành toàn diện 6/6 chỉ tiêu tài chính năm 2024 theo kế hoạch pháp lệnh Ủy ban Quản lý vốn và Hội đồng thành viên giao.
Tập trung giải pháp cho mục tiêu 1 triệu tỉ đồng
Các đơn vị thành viên của Petrovietnam đã đặt ra nhiều giải pháp, sáng kiến phấn đấu đạt mục tiêu doanh thu 1 triệu tỉ đồng trong năm 2024.
Ở khối thăm dò, khai thác, các đơn vị hoàn thành chiến dịch bảo dưỡng, sửa chữa lớn của năm, duy trì các dự án khai thác đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch quản trị đề ra, gia hạn các hợp đồng mới.
Khối khí, điện, đạm xác định triển khai hoạt động bám theo mục tiêu của tập đoàn. Hoạt động đầu tư thúc đẩy các dự án được thực hiện ở các nhà máy đạm.
Theo xu hướng chuyển dịch năng lượng, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đang có những điều chỉnh tái cơ cấu, tăng tỷ trọng liên quan đến năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Khối lọc hóa dầu tích cực cải thiện máy móc, tiết kiệm nhiên liệu, xây dựng kịch bản cho các tháng cuối năm và năm 2025; xây dựng kế hoạch quản trị kiểm soát hàng tồn kho cả đầu vào và đầu ra.
Giải pháp chung của khối dịch vụ kỹ thuật là gia hạn các hợp đồng, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị dịch vụ kỹ thuật và sản xuất kinh doanh để hoàn kế hoạch quản trị được giao, tập trung liên kết ngang theo thế mạnh từng đơn vị. Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) thực hiện chuỗi sự kiện nổi bật trong 2 tháng cuối năm, trong đó, đơn vị sẽ xuất khẩu chân đế đầu tiên cho điện gió ngoài khơi.
Theo Petrovietnam, hiện nay một số đơn vị đã hoàn thành vượt kế hoạch doanh thu trong 10 tháng: PV GAS hoàn thành 110% kế hoạch; PVOIL hoàn thành 108%; BSR 108%; Vietsovpetro 115%; PV Drilling 127%; DQS 131%; PVMR 125%; PVChem 106%; PVI 102%; Công ty mẹ 105%.
Các đơn vị cần tiếp tục đánh giá thị trường, xây dựng kế hoạch, chủ động bổ sung động lực mới, làm mới động lực cũ, thực hiện các nhiệm vụ được giao đồng thời xây dựng kế hoạch cho 2 tháng cuối năm, đảm bảo đồng bộ với kế hoạch của tập đoàn, với tinh thần "tiết kiệm - hiệu quả - chống lãng phí".
Với kế hoạch 2 tháng cuối năm, Petrovietnam phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu quản trị đặt ra, triển khai bổ sung động lực mới và làm mới động lực cũ.
Chi 550 tỉ đồng cho công tác an sinh xã hội
Petrovietnam dành nguồn kinh phí cho an sinh xã hội 10 tháng là 515 tỉ đồng, đạt 69% kế hoạch (750 tỉ đồng), trong đó hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho người nghèo là 121 tỉ đồng; hỗ trợ chương trình giáo dục, đào tạo với kinh phí 227 tỉ đồng; hỗ trợ chương trình y tế, kinh phí trên 57 tỉ đồng; hỗ trợ các tổ chức, quỹ, hội là 110 tỉ đồng… Đặc biệt, Petrovietnam phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai triển khai Dự án tái thiết thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, H.Bắc Hà, tỉnh Lào Cai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (với giá trị tài trợ trên 40 tỉ đồng), hoàn thành trong tháng 12.
Bình luận (0)