Petrovietnam vạch lộ trình giảm phát thải khí nhà kính

14/05/2024 08:00 GMT+7

Tiên phong trong ngành năng lượng, Petrovietnam đang áp dụng nhiều giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh, chung tay cùng Chính phủ trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhà máy điện Nhơn Trạch 2

Nhà máy điện Nhơn Trạch 2

Cơ hội mở ra hướng kinh doanh mới

Theo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), thống kê năm 2020, tỷ trọng phát thải toàn tập đoàn chỉ chiếm khoảng 7% phát thải khí nhà kính trong toàn ngành năng lượng (19,5/273 triệu tấn CO2 tương đương). Tuy nhiên, trong giai đoạn từ nay đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, nếu không có biện pháp giảm phát thải, tỷ trọng phát thải của Petrovietnam sẽ tăng nhanh, chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp điện.

Petrovietnam đang cập nhật kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính theo các cam kết mới của Việt Nam. Cụ thể, đến năm 2025, tập đoàn dự kiến cắt giảm 15,55 triệu tấn CO2 so với phát thải cơ sở năm 2010. Giai đoạn 2031 - 2050, Petrovietnam sẽ triển khai các giải pháp "xanh hóa" các nhà máy điện than, triển khai các dự án công nghệ thu hồi, sử dụng, lưu trữ carbon.

Bên cạnh đó, Petrovietnam tiếp tục thực hiện các dự án sản xuất năng lượng sạch như hydrogen "xanh", NH3 "xanh" có tính khả thi; phát triển chuỗi giá trị thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon, hydrogen "xanh", NH3 "xanh" trong nước và hướng tới tham gia thị trường khu vực, thế giới; triển khai chuyển đổi nhiên liệu sạch cho các phương tiện vận tải biển.

Petrovietnam nhận định, công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon (CSC) được xem là một trong các biện pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp dầu khí.

Khi hiện nay, Việt Nam có 34 mỏ dầu khí ở ngoài khơi đã được đánh giá tiềm năng lưu trữ CO2. Nếu chỉ xét đến các mỏ có tiềm năng lưu trữ lớn hơn 10 triệu tấn CO2, khả năng lưu trữ hiệu quả của các mỏ dầu khí tại 4 bể trầm tích đang có mỏ khai thác của Việt Nam là 1,15 Gt CO2, trong đó mỏ lớn nhất là hơn 300 triệu tấn CO2. Các mỏ dầu khí sắp cạn kiệt có thể tận dụng làm nơi lưu trữ, chôn lấp và đồng thời có thể tận dụng hạ tầng đường ống thu gom hiện tại để vận chuyển CO2. Hiện nay, công nghệ bơm ép CO2 vào tầng chứa, vận chuyển CO2 bằng tàu thủy là thế mạnh của Petrovietnam.

Petrovietnam vạch lộ trình giảm phát thải khí nhà kính- Ảnh 2.

Hoạt động Nhập khẩu LNG tại Kho cảng LNG Thị Vải

Các kỹ thuật, công nghệ tìm kiếm các đối tượng địa chất để lưu trữ CO2 (tầng chứa khoáng hóa, than…) tương tự như công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí. Theo đó, Petrovietnam còn có thế mạnh sử dụng, tái chế CO2 như: sử dụng CO2 cho nâng cao hệ số thu hồi dầu, sản xuất đạm, nhiên liệu tổng hợp, hóa chất, vật liệu…

Petrovietnam cho rằng, tiềm lực tài chính lớn và ổn định sẽ là lợi thế quan trọng giúp tập đoàn này hoàn toàn có khả năng đầu tư vào các dự án CCS với quy mô lớn và hiệu quả cao. Đây cũng là cơ hội để Petrovietnam mở ra hướng kinh doanh mới, tạo ra tín chỉ carbon đến từ việc thu hồi và lưu trữ CO2 tại các mỏ dầu khí ngoài khơi, tiên phong trong triển khai CCS, tạo ra lợi ích kinh tế và đem lại lợi nhuận từ việc bán tín chỉ carbon hoặc tham gia vào thị trường carbon; tăng cường vị thế của tập đoàn, góp phần tăng uy tín tuân thủ các quy định về chống biến đổi khí hậu và giảm khí nhà khí của ngành dầu khí Việt Nam.

Trồng rừng đóng góp cho tiềm năng tín chỉ carbon

Bên cạnh việc sử dụng các giải pháp khoa học công nghệ để giảm phát thải khí nhà kính đang được áp dụng ở nhiều đơn vị thành viên, Petrovietnam khẳng định trồng cây gây rừng là giải pháp tích lũy tín chỉ carbon để được quy đổi tỷ lệ phát thải.

Dự án áp dụng công nghệ nâng cao thu hồi dầu mới lần đầu tiên được áp dụng và mang lại hiệu quả cao tại mỏ Rạng Đông

Dự án áp dụng công nghệ nâng cao thu hồi dầu mới lần đầu tiên được áp dụng và mang lại hiệu quả cao tại mỏ Rạng Đông

Từ năm 2022, Petrovietnam phát động cán bộ nhân viên, người lao động dầu khí trồng 3 triệu cây xanh trên các công trình, địa phương có hoạt động dầu khí giai đoạn 2022 - 2025. Chỉ sau 2 năm vừa qua, các đơn vị thành viên đã trồng mới và chăm sóc 615.135 cây xanh, tiêu biểu như: Tổng công ty khai thác và thăm dò Dầu khí (PVEP) trồng hơn 260.000 cây xanh trên 76 ha rừng tại Cà Mau, Thái Bình, Nghệ An. Tổng công ty phân bón và hóa chất Dầu khí (PVFCCo) hướng dẫn các đơn vị trực thuộc đánh giá tác động của các loại cây trồng đối với môi trường và hỗ trợ 100.000 cây phi lao giống cùng các vật tư đi kèm để chuyển tới các đảo Trường Sa trong chương trình "Xanh hóa Trường Sa". Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cam kết cùng tỉnh Quảng Ngãi trồng 1 triệu cây xanh…

Trong tháng 4 vừa qua, PVEP và Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau đã ký biên bản ghi nhớ cùng Viện Khoa học lâm nghiệp Nam bộ và Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau trồng 40 ha rừng và 250.000 cây xanh. Biên bản ghi nhớ đánh dấu sự hợp tác giữa các đơn vị của Petrovietnam với Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Bộ nhằm mục đích khai thác lợi thế của mỗi bên trong hoạt động trồng và bảo vệ rừng, hướng tới các mục tiêu chính như bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, trung hòa carbon và phát triển các cơ chế quy đổi tín chỉ carbon.

Petrovietnam vạch lộ trình giảm phát thải khí nhà kính- Ảnh 4.

Petrovietnam phát động trồng cây phục hồi rừng tại Cà Mau

Petrovietnam xác định, 2024 là năm quan trọng then chốt để tăng tốc hoàn thành mục tiêu trồng 3 triệu cây xanh đến năm 2025 và lượng hóa việc giảm thải CO2 vào môi trường, làm cơ sở đón đầu xu hướng miễn, giảm thuế, phí môi trường, chống phát thải, biến đổi khí hậu.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng khẳng định: "Đối với doanh nghiệp việc trồng cây, gây rừng không chỉ là trách nhiệm với xã hội mà còn đưa lại những lợi ích cho doanh nghiệp khi được công nhận, cấp tín chỉ carbon bù đắp phần phát thải".

Các hoạt động trồng rừng, phục hồi rừng trong những năm vừa qua là hành động mạnh mẽ của Petrovietnam và các đơn vị thành viên khẳng định ý thức bảo vệ môi trường sinh thái để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, góp phần cùng cả nước đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.