PGS-TS-tiến sĩ-nhà giáo ưu tú Trần Hữu Tá sinh năm 1936 tại Hưng Yên, theo học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội từ năm 1956-1959. Ông từng là giảng viên Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Sau năm 1975, ông chuyển vào TP.HCM và có nhiều năm công tác tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, lần lượt giữ cương vị Phó, Trưởng khoa Ngữ văn.
PGS-TS-nhà giáo ưu tú Trần Hữu Tá |
ẢNH CỦA THẦY GIÁO nGUYỄN VĂN cẢI |
Ông không chỉ tác giả hàng chục cuốn sách văn học cùng nhiều bài nghiên cứu, phê bình văn học mà đặc biệt ông là chủ biên sách giáo khoa môn ngữ văn lớp 11, đồng chủ biên sách giáo khoa ngữ văn lớp 12 của những chương trình phổ thông trước đây.
Vào đầu những năm 2000, ông còn là Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Trương Vĩnh Ký, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP HCM. Không chỉ vậy, ông thường xuyên có những bài viết, những ý kiến đóng góp cho ngành giáo dục như chế độ thi cử, chính sách tiền lương, đãi ngộ giáo viên, giáo dục học sinh…
Trong một bài viết chia sẻ về PGS-TS-nhà giáo ưu tú Trần Hữu Tá, PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, chủ biên, tác giả biên soạn sách giáo khoa, từng viết: "Tôi không có may mắn được học thầy trực tiếp. Khi tôi ra Hà Nội, thầy đã vào Nam… Chỉ tiếc là sống xa cách hai đầu đất nước nên không được thường xuyên gặp gỡ. Tuy thế và dẫu chỉ thế, vẫn đủ đọng lại trong tôi một ấn tượng rất sâu đậm về thầy Trần Hữu Tá, một người thầy có tấm lòng nhân hậu, liên tài”.
PGS-TS Đỗ Ngọc Thống viết tiếp: “Chất nhân hậu của thầy toát ra từ giọng nói, dáng đi, từ cung cách ứng xử thường nhật với mọi người. Tuy không gần gũi bên thầy hàng ngày nhưng tôi luôn nghĩ chắc chẳng bao giờ thầy lớn tiếng, đập bàn đá ghế, 'phùng mang trợn mắt', 'đỏ mặt tía tai', quát tháo om sòm… Với tôi, hình ảnh thầy Trần Hữu Tá luôn là một 'con hồ' phẳng lặng, êm đềm, mềm mại và sâu thẳm bao dung; một con người thanh nhã, lúc nào cũng nhỏ nhẹ, từ tốn; ăn cũng thế mà nói cũng thế. Tôi cứ nghĩ, con người ấy, ngay cả lúc nóng giận nhất, quyết liệt nhất vẫn chỉ tung ra những âm sắc của nhã nhạc chứ không xủng xoảng gươm đao. Giọng miền Bắc êm nhẹ, lại dí dỏm hay dùng nhã ngữ nên cách nói của thầy rất truyền cảm, thấm thía. Ít khi thấy thầy vội vã, tất bật. Cứ để ý cách pha trà tiếp khách là có thể hình dung ra nhịp sống của thầy. Không cầu kỳ, hoa lá nhưng cũng đủ cẩn trọng, rất “chuyên nghiệp” và đúng cách. Cùng với nụ cười hồn hậu, cái bắt tay của thầy bao giờ cũng chặt và nồng ấm, luôn mang lại cho người giao tiếp một cảm giác tin cậy, chân thành”.
Linh cữu của PGS-TS-nhà giáo ưu tú Trần Hữu Tá được quàn tại Vãng sanh đường chùa Xá Lợi (số 89 Bà Huyện Thanh Quan, P.Võ Thị Sáu, Q.3). Lễ động quan vào lúc 7 giờ 30 ngày 30.11, sau đó linh cữu được hỏa táng tại Trung tâm Bình Hưng Hòa.
Bình luận (0)