PGS-TS Vũ Thanh Ca nói gì về phương án và vị trí làm hồ thủy lợi Ka Pét?

Quế Hà
Quế Hà
09/09/2023 17:35 GMT+7

Cần công khai, minh bạch những số liệu, luận chứng về những vấn đề mà người dân và dư luận quan tâm liên quan việc xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét.

Dư luận đang quan tâm đến việc Bình Thuận xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét phải chuyển đổi hơn 600 ha rừng. PGS-TS Vũ Thanh Ca, giảng viên cao cấp ĐH Tài nguyên và môi trường Hà Nội đã có nhiều ý kiến trao đổi cùng PV Thanh Niên.

Dưới góc nhìn của nhà khoa học chuyên ngành về môi trường, PGS-TS Vũ Thanh Ca cho rằng rừng cung cấp dịch vụ môi trường tối quan trọng cho con người. Đặc biệt, rừng đặc dụng ở các khu bảo tồn thiên nhiên cần được bảo vệ một cách nghiêm ngặt.

PGS.TS Vũ Thanh Ca: Tôi ủng hộ phương án và vị trí làm hồ Ka Pét - Ảnh 1.

Nhiều cây bằng lăng sẽ bị khai thác khi thực hiện dự án hồ thủy lợi Ka Pét

QUẾ HÀ

Việc chuyển đổi đất, rừng phải căn cứ hiệu quả kinh tế

Tuy nhiên, theo PGS-TS Vũ Thanh Ca, tầm quan trọng của rừng không có nghĩa là hoàn toàn không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng. Quan điểm của chúng ta là bảo vệ môi trường, bảo vệ chính chúng ta, để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Như vậy, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phải căn cứ vào hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.

Bình Thuận là 1 trong những tỉnh có nguồn nước khan hiếm vào loại bậc nhất ở nước ta. Tiềm năng tài nguyên nước dưới đất kém phong phú, nguồn nước dưới đất ven biển nhiều nơi bị nhiễm mặn, nước ở nhiều vùng núi bị nhiễm phèn. Do vậy, nước mặt đóng vai trò chính trong việc cung cấp nước cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận.

PGS.TS Vũ Thanh Ca: Tôi ủng hộ phương án và vị trí làm hồ Ka Pét - Ảnh 2.

Lưu vực sông Bà Bích sẽ là nơi xây dựng "vai đập" của hồ thủy lợi Ka Pét

QUẾ HÀ

Nguồn nước mặt hàng năm trên tất cả các lưu vực sông của Bình Thuận ước tính khoảng 4,4 tỉ m3, trong đó lượng dòng chảy bên ngoài lên đến 1,25 tỉ m3. Lượng mưa ở vùng mưa nhiều nhất với vùng mưa ít nhất chênh lệch nhau rất lớn (1.834 mm). Như khu vực phía tây bắc, nơi có lượng mưa năm cao nhất, đạt từ 2.000 - 2.564 mm; tiếp theo là khu vực phía nam dao động từ 1.400 - 1.600 mm. Lượng mưa thấp nhất nằm ở phía đông bắc và trung tâm tỉnh với tổng lượng mưa trong năm chỉ đạt 730 - 1.110 mm.

Các sông, suối đa số có lưu vực hẹp, độ dốc lòng sông lớn, dòng chảy phụ thuộc vào lượng mưa, nhiều sông suối không có nước vào mùa khô.

Trong khi đó, hàng năm tổng lượng bốc hơi tại Bình Thuận ước tính từ 1.000 - 1.111 mm, phân bố không đều theo các tháng. Mùa khô, từ tháng 12 năm trước đến đầu tháng 5 năm sau dao động từ 100 - 145 mm. Sang các tháng mùa mưa dao động từ 76 - 116 mm. Tại một số khu vực khô hạn, do nắng nhiều, nhiệt độ cao và gió thổi mạnh, lượng bốc thoát hơi lên tới 1.200 - 1.400 mm/năm, gần như gấp đôi lượng mưa.

Như vậy, có thể thấy là tại nhiều nơi của Bình Thuận, lượng bốc hơi năm lớn hơn lượng mưa nên đất về cơ bản luôn ở trạng thái khô hạn.

"Để giải quyết bài toán thiếu nước, cần phải trữ nước từ mùa mưa, tức là phải làm hồ chứa. Dự án hồ thủy lợi Ka Pét cùng hệ thống kênh dẫn nước sẽ cấp nước sinh hoạt cho người dân TP.Phan Thiết, khu vực H.Hàm Thuận Nam, cấp nước cho sản xuất công nghiệp, nước tưới tiêu và các ngành kinh tế khác", PGS-TS Vũ Thanh Ca nói.

PGS.TS Vũ Thanh Ca: Tôi ủng hộ phương án và vị trí làm hồ Ka Pét - Ảnh 4.

Khu rừng hỗn giao giữa lòng hồ Ka Pét

QUẾ HÀ

Rừng thứ sinh, rừng nghèo trong lòng hồ

PGS-TS Vũ Thanh Ca cho biết, qua thông tin mà ông nắm được, thì khu vực chuyển đổi rừng thành lòng hồ thủy lợi chủ yếu là rừng nghèo và có khoảng 137 ha rừng đặc dụng được chuyển đổi (từ khu vực rừng nghèo của khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông).

Cần chú ý rằng ngoài khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, trước đây các cây gỗ to, có giá trị của khu vực rừng dự kiến thành lòng hồ đã bị khai thác. Từ năm 2002 tới nay mới có chủ trương đóng cửa rừng. Rừng mất ở khu vực lòng hồ cũng là rừng thứ sinh chứ không phải nguyên sinh.

PGS.TS Vũ Thanh Ca: Tôi ủng hộ phương án và vị trí làm hồ Ka Pét - Ảnh 5.

Bằng lăng (thân rỗng) là loài cây có nhiều nhất ở lòng hồ Ka Pét

QUẾ HÀ

"Như vậy, thiệt hại do mất rừng cũng thấp hơn rất nhiều. Các tính toán ban đầu cho thấy, giá trị các dịch vụ môi trường mà rừng mang lại cũng như hồ mang lại cho thấy hồ thủy lợi Ka Pét hoàn thành, sẽ mang lại các giá trị dịch vụ môi trường lớn hơn nhiều lần so với rừng hiện nay. Với các lý do nêu trên, tôi ủng hộ phương án làm hồ Ka Pét", PGS-TS Vũ Thanh Ca cho biết.

Vị trí đặt hồ thủy lợi Ka Pét hiện nay đã tối ưu ?

Trả lời câu hỏi, vị trí đặt hồ thủy lợi Ka Pét hiện nay đã tối ưu chưa ? PGS-TS Vũ Thanh Ca cho rằng vị trí xây hồ cần phải đồng thời thỏa mãn những yêu cầu: Đầu tiên phải xây dựng tại những nơi có nguồn nước; thứ 2 là điều kiện địa chất phải đảm bảo lượng nước thất thoát do thấm và dòng chảy ngầm phải đảm bảo an toàn, ít thiệt hại.

PGS.TS Vũ Thanh Ca: Tôi ủng hộ phương án và vị trí làm hồ Ka Pét - Ảnh 6.

Cán bộ thuộc Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận và chủ rừng đi khảo sát rừng trong lòng hồ Ka Pét, sáng ngày 9.9

QUẾ HÀ

Yêu cầu thứ 3 là về địa hình phải đảm bảo tạo được lòng hồ để chứa nước và đủ cao độ để đảm bảo nước tự chảy; dễ dàng xây dựng các kênh và các công trình thủy lợi để chuyển nước từ hồ về nơi sử dụng. Cuối cùng là lợi ích của việc xây hồ phải vượt trội những tác động xấu về môi trường, kinh tế - xã hội do việc xây hồ tạo ra.

"Tôi đã có những nghiên cứu rất kỹ về tài nguyên nước tỉnh Bình Thuận và cho rằng vị trí thực hiện dự án hồ thủy lợi Ka Pét là một vị trí tối ưu", ông Ca nói.

Tôi cho rằng chính quyền tỉnh Bình Thuận cần công khai, minh bạch những số liệu, luận chứng và thuê các chuyên gia có chuyên môn sâu tư vấn về những vấn đề mà người dân và dư luận quan tâm liên quan việc xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét. Không chỉ Bình Thuận mà các địa phương khác, nhân sự kiện này cần rút ra bài học, cải thiện tốt hơn công tác quản lý nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương.

PGS-TS Vũ Thanh Ca
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.