* Romeo và Julliet mới là vở thứ hai có sự tham gia của một cố vấn văn học kịch, sau Macbeth của Nhà hát Tuổi trẻ. Có vẻ như, các đạo diễn của ta chưa mấy chú ý đến công đoạn "làm việc với chữ"...
- Ngay từ đầu thế kỷ 21, khi theo dõi quá trình phối hợp dàn dựng Giấc mộng đêm hè giữa Nhà hát kịch Việt Nam và Nhà hát kịch Mỹ ART, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi đã một lần nữa nói với tôi về việc những kịch bản kinh điển hoặc các kịch bản văn học hay, bao giờ cũng cần những người làm chuyên về kịch bản văn học để giúp đạo diễn khâu đầu tiên - vỡ hoang kịch bản và giúp diễn viên "thấm" các con chữ trước khi lên sàn tập. Ông tỏ ý tiếc vì cách đó một năm, do bận việc trong Nam, tôi đã không thể hợp tác cùng ông trong Rừng trúc (vở cuối cùng của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi). Đến tận khi đạo diễn Lê Hùng dựng Macbeth, tôi mới nhận được lời mời thứ hai. Có lẽ, đó là hai đạo diễn băn khoăn nhiều nhất về cách ứng xử với kịch bản văn học, đặc biệt là bi kịch cổ điển phương Tây.
* Một khi đã dám "bỏ qua" một cố vấn văn học kịch, người ta hẳn phải cảm thấy tự tin vào khả năng đọc kịch bản văn học của mình?
- Trong công việc dàn dựng của một đạo diễn, nhiệm vụ trước tiên là giải thích được kịch bản văn học, sau đó: nhân kịch bản văn học lên thành bội số, và đẩy lên cao điểm là sự thăng hoa thành giấc mơ về tác phẩm văn học. Nhiệm vụ đầu tiên sẽ càng khó khăn, nếu đó là bi kịch cổ điển nước ngoài. Phải hiểu thật chuẩn kịch bản, vì có thể đạo diễn phải biên tập, cắt cúp, nhưng lại không được phép hiểu sai ý nghĩa tư tưởng của kịch bản. Chưa kể, một kịch bản hay thường không phơi lộ ngay những ẩn nghĩa của nó, nên đòi hỏi người đạo diễn phải có con mắt xanh phát hiện. Nói như Nguyễn Đình Nghi, anh phải có sức biện biệt về văn học. Sức mạnh ấy càng lớn, thì người đạo diễn càng hay, độc đáo. Nhưng nói thật, ở ta không có nhiều đạo diễn như thế...
* Cho đến nay, không ít người trong giới chuyên môn vẫn hiểu rất lơ mơ về công việc của bà. Một cách đơn giản nhất, thế nào là thao tác với chữ?
- Tháo tung kịch bản văn học ra, rồi lắp lại theo cách riêng của mình. Lấy ví dụ ở Macbeth. Trước tiên, cắm mặt vào kịch bản đúng một tuần lễ. Đếm cảnh, phân tích chữ, phát hiện chỗ nào cần đào sâu để giải "mã", vẽ sơ đồ hành động kịch: từ khởi đầu đến cao trào, thắt nút, mở nút, rồi kết thúc. Tiếp đến, làm việc "quanh bàn" với diễn viên chỉ riêng về chữ nghĩa. Yêu cầu diễn viên thành lập sơ đồ tâm lý nhân vật, phân tích nhân vật, nhất là những phức tạp về tâm lý. Rồi nói về những nguyên tắc ước lệ của sân khấu cổ truyền Việt Nam, nguyên lý âm dương trong sân khấu Việt Nam, nói về Shakespears, Shakespears hóa... trong xây dựng nhân vật văn học và nhân vật sân khấu... Toàn bộ quá trình này nhằm một mục đích, để người diễn viên được giải thích cặn kẽ về mặt văn bản, để có thể cảm nhận được dưới chữ là bóng chữ, dưới bóng chữ là thăng hoa và nắm được linh hồn của vai diễn, gợi mở cho họ cách ứng xử với vai diễn từ kịch bản văn học. Đừng nên xem nhẹ những con chữ. Không ít bi kịch cổ điển nước ngoài đã "đổ" khi đưa lên sân khấu của ta chỉ vì ê-kíp thực hiện không đi được đến "đáy" của chữ.
* Nói vậy thì khả năng tiếp cận kịch bản văn học đang là hạn chế chung của giới sân khấu?
- Đạo diễn Lorelle Browing - Giám đốc chương trình giao lưu sân khấu Việt Mỹ tham gia giảng dạy tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội nhận xét thế này: Sinh viên văn học thành thạo về ngôn ngữ văn bản nhưng lại không mấy rành ngôn ngữ biểu diễn và ngược lại, sinh viên sân khấu luôn gặp khó khăn khi tiếp xúc với văn bản. Các đạo diễn cũng vậy. Nhưng không hiểu sao, ĐH sân khấu điện ảnh vẫn xem nhẹ vấn đề này nên thậm chí, chưa có cả khoa Biên kịch. Và, khi quỹ Ford đến "đặt hàng" khoa Biên kịch, khoa ấy lẽ ra phải nằm ở sân khấu điện ảnh thì lại cư ngụ ở khoa Văn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn chúng tôi!
Hương Lan (thực hiện)
Bình luận (0)