Phá bỏ rào cản cho nữ giới trong lĩnh vực công nghệ cao

14/03/2023 08:00 GMT+7

"Mỗi phút giây ngoái đầu nhìn lại sẽ ngăn cản chúng ta tiến về phía trước. Trong thế giới hiện tại và tương lai, chúng ta phải cùng nhau tiến lên hoặc sẽ không là gì cả", câu nói kiêu hãnh của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã tạo cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ trên thế giới.

Tạo lợi thế cạnh tranh từ chính những "tính nữ" như tỉ mỉ, kiên trì, khả năng sáng tạo và óc quan sát, phụ nữ ngày càng phát huy sức mạnh và tạo ra những công trình vĩ đại trong nhiều lĩnh vực khó nhằn.

Tại Việt Nam, một trong những doanh nghiệp công nghệ đi đầu trong việc phá bỏ rào cản với nữ giới chính là Tập đoàn Viettel. Đưa ra những bài toán khó, tạo điều kiện để người phụ nữ phát huy sức mạnh, Viettel đã có được những "nữ chiến binh" với nhiều công trình công nghệ vĩ đại.

Chinh phục những công nghệ khó nhất thế giới

Năm 2013, khi Big Data vẫn là một từ khóa mới trên toàn thế giới, chị Nguyễn Trần Ngọc Linh được giao nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ này để giải quyết những bài toán liên quan đến dữ liệu viễn thông - nhóm dữ liệu phát sinh từng ngày với quy mô và tính chất phức tạp.

Được giao trọng trách, Linh mừng vui vô hạn, nhưng lo lắng cũng không hề nhỏ, bởi thời điểm đó lĩnh vực Big Data còn quá mới, trên thế giới cũng ít công ty nghiên cứu. Đã vậy, Linh còn thử thách với công nghệ mới nhất trong xử lý dữ liệu lớn lúc bấy giờ là Apache Spark - công cụ cho phép người dùng xây dựng nhanh các mô hình dự đoán và cùng lúc thực hiện tính toán song song trên nhiều máy tính, hỗ trợ xử lý dữ liệu trên quy mô lớn.

"Viettel có rất nhiều bài toán mới và khó. Đây chính là môi trường giúp mình nghiên cứu và sáng tạo", Linh nói. Với tinh thần không khuất phục, sự "gan lì" của bản thân cùng sự động viên của sếp và đồng nghiệp, cô kỹ sư ngày đó giờ đã trở thành Giám đốc Trung tâm Phân tích dữ liệu của Tổng công ty viễn thông Viettel.

Phá bỏ rào cản cho nữ giới trong lĩnh vực công nghệ cao - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Trần Ngọc Linh (đứng giữa) cùng các đại sứ Women in Data Science

"Gia tài" của Linh giờ đây là hàng loạt dự án quan trọng đã "tham chiến" như Viettel Data Lake - hệ thống cho phép lưu trữ và xử lý lượng dữ liệu rất lớn mà các hệ thống lưu trữ truyền thống không có khả năng đáp ứng; Viettel Realtime Big Data Platform - hệ thống xây dựng trên nền tảng xử lý và phân tích dữ liệu lớn thời gian thực, cho phép tổng hợp và phân tích hành vi tiêu dùng của khách hàng viễn thông trên nhiều chiều…

Theo đuổi bài toán về Thị giác máy tính

Tham gia nghiên cứu trong lĩnh vực AI - lĩnh vực "hot" nhất trong giới công nghệ hiện nay, kỹ sư Giải pháp Công nghệ, Trung tâm không gian mạng Viettel (VTCC) Vũ Thị Hạnh theo đuổi bài toán về Thị giác máy tính với mục tiêu giúp máy tính có được khả năng nhìn và hiểu giống như con người.

Đây là phương pháp sử dụng hình ảnh và video để hiểu về thế giới thật thông qua các mô hình học máy, học sâu và các thuật toán xử lý ảnh... Thị giác máy tính có ứng dụng thực tế rộng rãi và hữu ích, đặc biệt trong việc xây dựng các thành phố thông minh ở Việt Nam.

Phá bỏ rào cản cho nữ giới trong lĩnh vực công nghệ cao - Ảnh 2.

Chị Vũ Thị Hạnh (áo đỏ) cùng đồng nghiệp tại Trung tâm không gian mạng Viettel

Cô cho biết: "Khởi đầu mới hoàn toàn, mình bắt đầu tìm hiểu về các dự án xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam, ứng dụng các sản phẩm về Camera AI trong cuộc sống. Ban đầu, số lượng bài toán rất nhiều mà nhân lực ít, phân bố các bài toán nhỏ lẻ, chưa có hệ thống, dữ liệu không tập trung, rải rác khiến cho việc thu thập dữ liệu và giải quyết các bài toán rất khó khăn".

Áp lực về công nghệ, chạy đua về thời gian, thiếu thốn về nhân lực, song song là những thử nghiệm không thành công,… nhưng bằng sự kiên trì và nỗ lực của tập thể, nhóm của Hạnh đã đạt được những kết quả nghiên cứu đầu tiên khả thi.

Đến nay, các sản phẩm ứng dụng thực tế do Hạnh và đồng đội phát triển đã rất đa dạng và hiệu quả, với các chỉ số chính xác tiệm cận thế giới. Có thể kể đến giải pháp định danh khách hàng điện tử (eKYC), trích xuất thông tin giấy tờ tùy thân (OCR) với độ chính xác hơn 99%; giám sát an ninh thông minh với công nghệ AI nhận dạng hành vi con người, phát hiện người và theo vết người từ video với độ chính xác trên 95%...

Làm chủ và độc quyền công nghệ mới

Nhớ lại những ngày làm dự án "Phương pháp hiệu chỉnh và điều khiển công suất tuyến thu thích ứng theo môi trường truyền dẫn trong hệ thống trạm thu phát gốc vô tuyến", chị Hồ Thị Xuân Hòa vẫn nhớ đến câu thần chú "to be or not to be". Nếu không sớm tìm ra phương án, trạm thiết bị của Tổng công ty công nghiệp công nghệ cao (VHT) có nguy cơ bị nhổ khỏi mạng lưới và không được sản xuất các lô tiếp theo. Còn nếu thành công, nghiên cứu của họ sẽ trở thành một trong những bí mật công nghệ lớn mà trên thế giới chỉ có khoảng 20 nhà cung cấp làm được.

Phá bỏ rào cản cho nữ giới trong lĩnh vực công nghệ cao - Ảnh 3.

Ảnh Chị Hồ Thị Xuân Hòa, Tổng công ty Công nghệ cao Viettel

Và rồi, nhóm tác giả của chị Xuân Hòa vỡ òa trong hạnh phúc khi dự án không chỉ thành công, mà đơn đăng ký sáng chế của nhóm còn đáp ứng được các điều kiện bảo hộ độc quyền từ USPTO (Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ).

Nghiên cứu này đã góp phần giúp Viettel chỉ mất 6 tháng để phát triển mạng 5G - so với thời gian 4 - 5 năm để phát triển mạng 4G trước đó. Viettel không chỉ chứng minh được khả năng làm chủ công nghệ tiên tiến trên thế giới mà còn có cơ hội khai thác tạo ra giá trị kinh tế tại Việt Nam và 10 thị trường đang khai thác.

Phá bỏ rào cản cho nữ giới trong lĩnh vực công nghệ cao - Ảnh 4.

Ngô Thị Hường, bóng hồng hiếm hoi công tác tại Trung tâm Radar, Tổng công ty Công nghệ cao Viettel

Còn rất nhiều "chiến binh" khác là niềm tự hào của Viettel, trong đó có chị Ngô Thị Hường, đồng tác giả của sáng chế "Bộ ghép lai có cổng tổng và cổng hiệu đồng hướng" được cấp bằng độc quyền tại Mỹ vào tháng 8.2021...

Để phụ nữ được sáng tạo và đạt được những thành tựu trong công việc, cần có sự đồng hành và truyền thêm động lực cho phụ nữ, như cách mà Viettel đang xây dựng. Khi tự tin vào giá trị bản thân, phụ nữ sẽ tìm ra sức mạnh của chính mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.