Phá rừng cổ thụ phòng hộ lấy gỗ làm chuồng trại gia súc?

17/10/2021 07:01 GMT+7

Rừng phòng hộ đầu nguồn xã Sơn Long, H.Sơn Tây (Quảng Ngãi) đang bị triệt hạ trái phép với quy mô lớn, trong đó có những cây gỗ lớn cả trăm năm tuổi.

Như một đại công trường

Từ trung tâm xã Sơn Long, được người dân địa phương dẫn đường, sau hơn 2 giờ đồng hồ đi bộ theo các lối mòn quanh co, vượt qua nhiều đoạn suối và leo qua các ngọn đồi dốc dựng đứng, chúng tôi đã đến được rừng phòng hộ đầu nguồn của xã này, nơi đang bị lâm tặc khai thác gỗ trái phép. Từ bên ngoài, đã thấy nhiều cây gỗ lớn bị cưa hạ nằm rải rác. Vào sâu trong rừng, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng loạt cây gỗ lớn bị cưa hạ không thương tiếc, có cây đường kính lên đến 1 m.

Hãi hùng cảnh rừng phòng hộ xã Sơn Long ở Quảng Ngãi bị khai thác trái phép

Hiện trường vụ phá rừng phòng hộ Sơn Long, Quảng Ngãi

PHẠM ANH

Nhiều cây to bị chặt hạ nằm ngổn ngang

phạm anh

Đến gần suối Đăk Ri, chúng tôi chứng kiến một cây gỗ có đường kính gốc chừng 80 cm bị cưa hạ. Lâm tặc phải cưa 2 bên thân, cây mới ngã xuống vực. Sau khi cưa lấy những phách gỗ “xịn xò”, lâm tặc còn để lại những “râu ria” là gỗ bìa, ngọn, cành. Đi sâu vào rừng thêm chút nữa, đến sườn một ngọn đồi thuộc thôn Nước Lai 1, xã Sơn Long, thì chứng kiến cảnh hoang tàn như một đại công trường khai thác gỗ.

Ở đây, hàng loạt cây gỗ lớn bị cưa hạ, đường kính ít nhất là khoảng 50 cm, còn lại là từ 70 - 80 cm, trong đó có rất nhiều cây mới bị cưa hạ, dấu cưa và bột cưa vẫn còn rất mới.

Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long, xác nhận thời gian trước, lâm tặc công khai xâm hại rừng. Sau khi bị chính quyền, ngành chức năng truy quét, lâm tặc đã chuyển sang khai thác vào ban đêm. Thường thì từ khoảng 12 giờ đêm đến 2 giờ sáng hôm sau, lâm tặc mới vận chuyển gỗ ra khỏi rừng bằng xe máy độ chế. Lực lượng của xã nhiều lần mật phục, truy bắt nhưng hầu như khó bắt được thủ phạm vì họ bỏ chạy… quá nhanh.

Ai triệt hạ rừng phòng hộ?

Làm việc với chúng tôi, ông Trương Quang Học, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Sơn Tây, cho rằng việc khai thác gỗ ở rừng phòng hộ xã Sơn Long là do người dân khai thác về làm nhà, làm chuồng trại gia súc, chứ không phải lâm tặc khai thác có tổ chức (?).

Ông Học nói hằng tháng hạt vẫn thường xuyên tổ chức đi kiểm tra rừng trên địa bàn xã Sơn Long, kể cả ban đêm. Theo ông Học, từ đầu năm 2021 đến nay, hạt đã phát hiện 23 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm luật, đã xử lý 4 vụ với 4 đối tượng phá rừng, tịch thu hơn 24 m3 gỗ xẻ và hơn 3,6 m3 gỗ tròn.

Trong khi ông Học nói do dân phá rừng lấy gỗ về làm nhà, làm chuồng trại gia súc, thì Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt lại nói khác. Khi chúng tôi đặt câu hỏi, người dân hay lâm tặc đã khai thác gỗ ở rừng phòng hộ, thì ông Vượt nói ngay: “Thông thường, khoảng 2 - 3 giờ sáng là có xe chở gỗ trên đường, mà giờ đó thì chỉ có lâm tặc, vì nếu người dân có chặt vài cây về làm nhà, sửa chuồng gia súc thì không ai lén lút như vậy”.

Quan sát địa hình, chúng tôi thấy chỉ có một đường mòn duy nhất từ rừng ra đến bên ngoài, nhưng không hiểu sao chính quyền và ngành chức năng không ngăn chặn được lâm tặc vận chuyển gỗ? Ông Vượt giải thích: “Khi chính quyền đưa người ra ngăn chặn, lâm tặc chở gỗ bằng xe máy chạy hết ga, hết số, không ai dám cản lại vì sợ nguy hiểm”. Còn ông Học thì thừa nhận, khi kiểm lâm đi tuần tra, mật phục trong rừng thường bị các đối tượng phát hiện nên việc truy quét rất khó khăn.

Đây là vụ việc lớn, nghiêm trọng

PV Thanh Niên đã cung cấp hình ảnh khai thác gỗ trái phép ở rừng phòng hộ Sơn Long cho ông Phạm Duy Hưng, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi. Ông Hưng cho biết Hạt Kiểm lâm H.Sơn Tây có báo cáo bằng miệng về việc có 22 cây gỗ bị cưa hạ ở rừng phòng hộ xã Sơn Long. Còn về khối lượng gỗ có bị tuồn ra khỏi rừng hay chưa, thì Chi cục Kiểm lâm tỉnh vẫn chưa nhận được báo cáo chính thức.

Báo động nạn phá rừng làm rẫy ở Kon Tum

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện 154 vụ vi phạm quản lý, bảo vệ rừng, với gần 335 m3 gỗ tròn, gỗ quy tròn các loại; có gần 56 ha rừng bị thiệt hại. Trong đó có 7 vụ vi phạm nổi cộm với số lượng lớn, tổng khối lượng gỗ trên 130 m3, thiệt hại gần 27 ha rừng, đang được ngành chức năng tỉnh đẩy nhanh tiến độ xử lý, xử lý nghiêm theo quy định.

Trong đó, đáng chú ý là diện tích rừng ở H.Tu Mơ Rông đang bị xâm lấn và thu hẹp dần do nạn phá rừng làm nương rẫy. Theo Hạt Kiểm lâm H.Tu Mơ Rông, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 4 vụ phá rừng làm rẫy, gây thiệt hại 18,3 ha rừng phòng hộ trị giá hơn 500 triệu đồng. Hiện cả 4 vụ phá rừng này, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, đồng thời điều tra xử lý các đối tượng liên quan.

Đức Nhật

Theo ông Hưng, chưa kể những cây gỗ lớn khác, chỉ với hơn 22 cây gỗ có gốc từ 50 - 80 cm bị chặt hạ, vận chuyển khỏi rừng phòng hộ là vụ việc lớn, nghiêm trọng. “Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi sẽ kiểm tra hiện trường xem như thế nào rồi mới có ý kiến chính thức. Nhưng theo quy định, rừng bị phá ở địa bàn nào thì trước mắt kiểm lâm địa bàn, lãnh đạo Hạt kiểm lâm phải chịu trách nhiệm”, ông Hưng cho biết.

Trong thời gian gần đây, rừng phòng hộ tại Quảng Ngãi liên tục bị triệt phá trái phép gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến việc bảo vệ nguồn nước, chống sạt lở núi. Trước đó vào tháng 10.2020, tại thôn Ra Pân, xã Sơn Long (H.Sơn Tây) đã xảy ra nhiều điểm sạt lở làm sập 2 nhà dân, một người bị thương nặng, đe dọa sập nhà của 45 hộ dân khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.