* Cả ngàn lao động Trung Quốc không phép ở Bình Thuận
|
Sau khi Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh Vương Quốc Thới trình bày về tình trạng rừng trồng tại Khu rừng Văn hóa- lịch sử Chàng Riệc (xã Tân Lập, H.Tân Biên) bị tỉa thưa, chặt cành thì Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thành Tuân đề nghị giám đốc Sở này đưa ra giải pháp cụ thể vì “mức chế tài chưa đủ răn đe nên tình trạng trên vẫn còn tiếp diễn. Người dân chấp nhận mức phạt để phá rừng, lấn chiếm đất rừng”. Trả lời chất vấn, ông Thới khẳng định lại, biện pháp căn cơ nhất vẫn là tuyên truyền, vận động ý thức người dân, những người được giao nhiệm vụ quản lý rừng. Vấn đề người nông dân đang phải loay hoay tự bán hàng nông sản cũng được các ĐB làm nóng tại phiên chất vấn. ĐB Lê Anh Tuấn cho rằng mối hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ giữa người nông dân và doanh nghiệp chưa tốt. Còn ĐB Võ Đức Trong thì thẳng thắn: “Nếu như mối liên kết này tốt thì hiện tại người nông dân không phải tự bơi như thế này. Có lẽ ông giám đốc Sở chưa thật sự nhận thức được vai trò của mình trong mối liên kết trong khi vùng nguyên liệu đang rất lúng túng”. Chủ tọa kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Võ Hùng Việt đề nghị Sở NN-PTNT có đánh giá toàn diện, khâu nào yếu kém thì tập trung chấn chỉnh, củng cố thì mới an dân, tăng năng suất.
Cũng trong 16.7, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (khóa V), các ĐB HĐND cũng tiến hành chất vấn lãnh đạo các sở, ngành nhiều nội dung liên quan đến việc phá rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (H.Xuyên Mộc), dự án chậm triển khai… Theo Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Trần Thanh Bình, trong thời gian qua việc chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép đầu tư đối với các dự án trên địa bàn tỉnh là khá lớn. Một số dự án đi vào hoạt động có hiệu quả thì cũng còn nhiều dự án chậm triển khai, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, lãng phí nguồn lực đất đai; ảnh hưởng đến cuộc sống, việc làm của người dân trong vùng quy hoạch. Ông Bình đề nghị các ĐB phân tích, tìm giải pháp để công tác cấp phép và quản lý sau khi cấp phép đối với những dự án của doanh nghiệp trong thời gian tới được tiến hành chặt chẽ, hiệu quả, cũng như những giải pháp xử lý sau khi thu hồi dự án chậm triển khai. “Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thu hồi được 34/63 dự án chậm triển khai thuộc diện phải thu hồi theo phương án xử lý của tỉnh”, ông Bình cho biết.
Còn tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường kỳ họp thứ 9 của HĐND tỉnh Bình Thuận (Khóa IX), ông Nguyễn Ngọc Quang, Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận đã ngỏ lời xin lỗi cử tri, khi nói đến những vụ án phải hủy. Theo ông Quang, trong 6 tháng đầu năm 2014 Bình Thuận có tới có 11 bản án bị hủy theo trình tự giám đốc thẩm. “Để một vụ án sai, chúng tôi đau lòng lắm. Chỉ cần một vụ thôi, chứ không cần nhiều. Phát hiện cái nào sai, chúng tôi khắc phục sửa chữa ngay chứ không trốn tránh gì hết”, ông Quang phát biểu.
Còn trong ngày làm việc thứ nhất (ngày 16.7), ĐB Phạm Ngọc Long (Phó Ban tuyên giáo Tỉnh ủy) phát biểu một thông tin làm nhiều người chú ý. Đó là tại công trình của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (ở xã Vĩnh Tân, H.Tuy Phong) “Có lúc có tới cả ngàn người, nhưng kiểm tra chỉ có 160 lao động có giấy phép. Nhiều người được gắn mác là kỹ sư, chuyên gia, nhưng thực tế chỉ là lao động phổ thông”. Ông Long cho rằng công tác quản lý lao động người nước ngoài ở tỉnh Bình Thuận chưa chặt chẽ. Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Thuận thừa nhận tình hình ĐB Long phản ánh và nêu nhiều khó khăn khi cấp phép cũng như quản lý lao động người nước ngoài ở Vĩnh Tân. “Khi đến Vĩnh Tân làm việc thì cả ông Trưởng Ban quản lý (Nhiệt điện Vĩnh Tân- PV) và các công ty sử dụng lao động đều nói một câu giống nhau. Vì đây là công trình trọng điểm quốc gia”. Nhận định về vấn đề này, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Các nhà thầu làm việc tại VN thì nhất định phải tuân thủ các quy định của pháp luật VN. Không thể nói vì lý do này hay lý do khác…” |
G.Phương - N.Long - Q.Hà
Bình luận (0)