Phá vỡ kiến trúc Đông Dương tiêu biểu

04/10/2013 09:00 GMT+7

Việc xây dựng thêm đang phá vỡ một kiến trúc Đông Dương tiêu biểu - Trường Đại học Khoa học tự nhiên, trước đó là Đại học Tổng hợp Hà Nội và xa hơn là Đại học Đông Dương.

Đại học Khoa học tự nhiên - ĐHQG (Đại học Đông Dương cũ) - Ảnh: Ngọc Thắng
Đại học Khoa học tự nhiên - ĐHQG (Đại học Đông Dương cũ) - Ảnh: T.L 

Khoảng sân tuyệt đẹp của Trường đại học (ĐH) Đông Dương - 19 Lê Thánh Tông (Hà Nội) ngày nào giờ không còn toàn vẹn như trước. Móng đã được đào. Tường đã được xây. Bóng dáng một tòa nhà đã hình thành rõ. “Việc xây dựng đang phá hoại một tổng thể công trình kiến trúc theo phong cách tân thuộc địa vào loại đẹp nhất của Hà Nội thời Pháp thuộc, cũng là biểu tượng của giáo dục Việt Nam cận đại”, KTS Đoàn Bắc - người nhiều năm sưu tập ảnh tư liệu về Hà Nội cổ nói.

 
Sai quá. Thế này thì phải xem lại. Báo Thanh Niên phải cảnh báo ngay thôi
GS Phan Huy Lê

Trên thực tế, toàn bộ kiến trúc ở 19 Lê Thánh Tông (nay một phần thuộc ĐH Dược, một phần thuộc ĐH Khoa học tự nhiên) là một di sản kiến trúc quý giá. Công trình do kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Ernest Hébrard thiết kế. Theo nhà sử học Pháp Philippe Papin, sau Ernest Hébrard chính quyền Pháp mới áp dụng phong cách Đông Dương vào các công trình. “Đặc trưng của phong cách này là mái nhiều tầng uốn cong, nhiều cửa, cột cao, mái hiên hình vòng cung, lợp mái, mút chìa chạm trổ và sự phối hợp giữa đá và gỗ. Sự tìm tòi một phong cách tổng hợp, pha trộn, kết hợp giữa đông và tây trong kiến trúc thể hiện một chính sách mới của chính quyền thuộc địa”, ông Philippe Papin viết trong cuốn Lịch sử Hà Nội.

Cũng theo Philippe Papin, trong số các công trình tiêu biểu cho phong cách Đông Dương, có ba công trình công cộng lớn. Đó là Trường ĐH Đông Dương xây năm 1927 (tại 19 Lê Thánh Tông), bảo tàng của Viện Viễn Đông Bác cổ xây năm 1931 (nay là Bảo tàng Lịch sử) và Sở Tài chính Đông Dương xây năm 1931 (nay là Bộ Ngoại giao).

“Về giá trị, nó hoàn toàn xứng đáng là một di tích văn hóa lịch sử. Tuy nhiên, có lẽ do chúng ta quá quan tâm đến các di tích thời phong kiến, nên đã quên mất việc chứng nhận di tích cho các công trình cận đại”, một chuyên gia bảo tồn di tích nói. Chính vì thế, cho đến bây giờ, kiến trúc Đông Dương tiêu biểu tại 19 Lê Thánh Tông vẫn chưa hề có một danh hiệu di sản nào.

Việc xây dựng thêm đang phá hủy kiến trúc Đông Dương tiêu biểu tại 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội
Việc xây dựng thêm đang phá hủy kiến trúc Đông Dương tiêu biểu tại 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội
- Ảnh: Ngọc Thắng

Trong danh sách bảo vệ đang chờ trình “Hà Nội giao cho Sở VH-TT-DL chủ trì xây dựng dự thảo tờ trình nghị quyết kèm theo danh mục trình UBND TP ban hành, để cụ thể hóa chi tiết khoản 3b điều 11 của luật Thủ đô... Trong đó sẽ ban hành danh mục làng cổ, phố cổ, các nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc khác xây dựng trước 1954, di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu. Quá trình thực hiện từ tháng 3, dự kiến trình vào tháng 12 năm nay”,  bà Lan Anh - Phòng Di sản, Sở VH-TT-DL Hà Nội nói.

Cũng theo bà Lan Anh, các loại danh mục do một số sở ngành phối hợp xây dựng. Sở Xây dựng xây dựng danh mục biệt thự cũ. Danh mục công trình kiến trúc khác do Sở Quy hoạch - Kiến trúc lo; Danh mục làng nghề truyền thống tiêu biểu do Sở Công thương; Phố cổ do UBND Hoàn Kiếm và Ban quản lý phố cổ lập. Hai danh mục còn lại do Sở VH-TT-DL chủ trì.

Như vậy, theo Sở VH-TT-DL Hà Nội, nếu công trình 19 Lê Thánh Tông lọt vào danh sách, nó sẽ thuộc danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954. Hiện Sở Quy hoạch -  Kiến trúc đang thực hiện, rà soát hiện trạng, xây dựng hồ sơ các công trình này để trình HĐND. “Theo chúng tôi biết họ đã kiểm tra, rà soát hiện trạng của công trình 19 Lê Thánh Tông”, bà Lan Anh cho biết. Tuy nhiên, hiện danh sách đó còn phải chờ đến tháng 12 mới trình.

Về việc xây dựng này, qua điện thoại, ông Bùi Văn Cam, Hiệu trưởng ĐH Khoa học tự nhiên, cho biết ông đang đi công tác nước ngoài nên không thể trả lời.

Nhận được tin báo về việc xây dựng trong sân khu đại học 19 Lê Thánh Tông, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử nói: “Sai quá. Thế này thì phải xem lại. Báo Thanh Niên phải cảnh báo ngay thôi”.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đang kiểm tra

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, đây là công trình xây dựng nhà thí nghiệm JICA-VNU Biomass, chủ đầu tư là ĐH Quốc gia Hà Nội.

Theo thiết kế của Công ty kiến trúc và xây dựng Hà Nội, công trình cao 3 tầng trên diện tích hơn 200 m2. Đơn vị thi công là Công ty CP xây dựng số 12 thuộc Tổng công ty Vinaconex. Tại hiện trường công trình được xây sát với dãy nhà Khoa Hóa học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, thuộc Trường ĐH Quốc gia Hà Nội. Một số công nhân đang làm việc ở đây cho hay bắt đầu xây dựng công trình từ hơn 10 ngày nay. Hiện phần móng đã cơ bản hoàn thành và đang đến giai đoạn ghép sắt để đổ giằng móng trước khi xây lên tường. Công trình sẽ hoàn thiện trong tháng 12 năm nay.

Trả lời Thanh Niên, KTS Dương Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, nhận định khu kiến trúc Pháp xây từ trước năm 1954 ở số 19 Lê Thánh Tông là công trình rất có giá trị, thuộc đối tượng cần được bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị. Khu kiến trúc này đang nằm trong danh mục những công trình kiến trúc Pháp trước năm 1954 do Sở VH-TT-DL lập, trình UBND TP.Hà Nội duyệt sau khi thực hiện luật Thủ đô. Tuy nhiên, từ trước đó, trong nhiều đề án nghiên cứu kiến trúc khu phố ở Hà Nội, khu kiến trúc Pháp này đều nằm trong danh sách cần được bảo tồn. Cũng theo ông Tuấn, khi xây dựng, chủ đầu tư công trình không thông qua Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội trước khi khởi công. “Hiện, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đang có chỉ đạo thanh tra pháp chế kiểm tra sai phạm của vụ việc này”, ông Tuấn cho hay.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết sở không cấp giấy phép xây dựng cho công trình xây dựng ở số 19 Lê Thánh Tông mà do UBND Q.Hoàn Kiếm cấp do đây là công trình xây dựng có quy mô không lớn. Ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm, xác nhận công trình được cấp phép xây dựng từ gần 1 năm nay, gần đây mới bắt đầu khởi công. Ông cũng không nhớ chính xác là đã cấp cho xây dựng bao nhiêu tầng.

Lê Quân

Trinh Nguyễn

>> Hà Nội siết kiến trúc, màu sơn nhà mặt phố
>> Di tích lịch sử thành bãi chăn bò
>> Biến dạng di tích - Kỳ 6: Vàng giả phủ lên vàng thiệt
>> Biến dạng di tích - Kỳ 5: Còn đâu chiến lũy Pháo Đài xưa
>> Biến dạng di tích - Kỳ 4: Chùa Vĩnh Tràng mất dần nét xưa
>> Biến dạng di tích - Kỳ 3: Trùng tu tiền tỉ, cửa vẫn tạm bợ
>> Biến dạng di tích - Kỳ 2: Cắt khúc lăng Hoàng Gia
>> Biến dạng di tích - Cổ tự thành tân tự

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.