Dịch giả Đỗ Thái Bình đã có đôi chút tiếc nuối khi bản dịch cuốn Phác thảo dân tộc học hàng hải VN (Pierre Paris, Pháp) đã không sử dụng hình ảnh trên bìa của bản tiếng Pháp in từ thế kỷ trước. Ở bản in cũ, trên bìa có bức ký họa nổi tiếng của ông Pierre Paris vẽ chiếc ghe bầu - chiếc ghe được cho là thuần Việt. Mặc dù vậy, theo ông Bình, công trình nghiên cứu có tính chính luận đầu tiên về thuyền bè này “hấp dẫn và chắc chắn hữu ích cho tất cả những ai quan tâm tới văn hóa dân tộc, chẳng cứ là dân tàu thuyền hàng hải”.
Cuốn sách do NXB Văn hóa Văn nghệ vừa xuất bản này có 3 bản đồ. Trong đó, có bản đồ phân loại thuyền dọc VN. Cộng với các mô tả kỹ thuật, nhân học trong sách, hình dung về hệ thống tàu thuyền trong lịch sử hiện ra. “Dân tộc học hàng hải là vấn đề khổng lồ. Tác giả đã hệ thống hóa, dám liều mạng hệ thống hóa toàn bộ thuyền bè VN”, ông Bình nói. Chẳng hạn, ông Pierre Paris cho rằng: “Các con thuyền VN được trang trí rất đạm bạc, đường nét thuần khiết”. Với ông Bình, điều này càng đúng khi đặt trong tương quan với thuyền bè của Trung Quốc vừa nặng nề vừa khổng lồ. “Thuyền của chúng ta ảnh hưởng phía bắc là Trung Quốc, nam là Ấn Độ nhưng nó giản dị và thuần khiết”, ông Bình nói.
Có nhiều thông tin kỹ thuật trong cuốn sách. Điều này khiến dịch giả, vốn tốt nghiệp Khoa Đóng tàu (ĐH Giao thông Hà Nội) thấy gần gũi. Hơn thế nữa, theo ông, nó khiến người ta nghĩ đến việc kết nối giữa những người làm kỹ thuật và người nghiên cứu xã hội nhân văn. Bản dịch này của ông cũng lấp đi phần nào khoảng trống đó, đặc biệt trong hoàn cảnh khảo cổ học dưới nước ở VN còn khó khăn.
Về việc nghiên cứu dân tộc học dưới nước, khảo cổ học dưới nước này, nhà nghiên cứu Hoàng Việt (Ban Nghiên cứu luật Biển và hải đảo của Liên đoàn Luật sư VN) cho rằng nên đẩy mạnh càng sớm càng tốt. “Một trong những chứng cứ để chứng tỏ chủ quyền chính là những dấu vết tàu đắm của VN”, ông Việt nói. Và những nhận dạng cả kỹ thuật lẫn mỹ thuật về tàu này, cuốn sách cũng đã thể hiện tương đối đầy đủ.
Bình luận (0)