Phác thảo diện mạo 'bảo tàng sống' của Đà Nẵng

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
16/12/2024 17:40 GMT+7

'Bảo tàng sống' TP.Đà Nẵng lấy đình làng Hải Châu là trung tâm cùng các tuyến đường kiểu mẫu lân cận và các khu vực kinh tế đêm... tạo nên đô thị bản sắc, văn hóa, đa dạng tiện ích.

Ngày 16.12, Quận ủy Hải Châu (TP.Đà Nẵng) tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 60-KL/TU ngày 6.5.2021 của Ban Thường vụ Thành ủy "Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 6.3.2015 của Ban Thường vụ Thành ủy về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Q.Hải Châu". Trong đó, diện mạo "bảo tàng sống" của TP.Đà Nẵng đã được phác thảo.

Bà Cao Thị Huyền Trân, Bí thư Quận ủy Hải Châu, cho biết Quận ủy Hải Châu đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý triển khai bảo tồn, tu bổ, phục hồi khu di tích đình làng Hải Châu gắn kết với việc quy hoạch tổng thể cả khu vực theo hướng mở rộng khu vực đình làng.

bảo tàng sống

Đoàn du khách P.Hải Châu (TX.Nghi Sơn, Thanh Hóa) đến thăm, dâng hương tại đình làng Hải Châu (P.Hải Châu 1, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) ngày 30.3.2024

ẢNH: NGUYỄN DUY MINH

Địa phương tổ chức di dời trụ sở UBND P.Hải Châu 1 và Trường ĐH Y Dược (sau khi hết thời hạn cho thuê đất), giải tỏa 6 hộ dân, tổ chức giao thông theo hướng tiếp cận đình làng từ đường Hùng Vương. Trong đó, xác định đình làng Hải Châu là trung tâm của khu vực "bảo tàng sống" về truyền thống, đời sống, văn hóa, sinh hoạt nhân dân theo quy hoạch chung của thành phố.

bảo tàng sống

Đoàn chuyên gia Viện Đại học Maebashi Nhật Bản và các kiến trúc sư, sinh viên kiến trúc tìm hiểu đình làng Hải Châu phục vụ hội thảo ý tưởng thiết kế đô thị, cảnh quan xung quanh đình làng ngày 9.9.2024

ẢNH: MAI QUANG HIỂN

"Bảo tàng sống lấy đình làng Hải Châu là trái tim, kết nối xung quanh theo ý tưởng quy hoạch phân khu; đồng thời, nâng tầm các lễ hội đình làng Nại Nam, lễ hội lân sư rồng quy mô quốc gia, lễ tế tại nghĩa trủng Phước Ninh, riêng lễ hội đình làng Hải Châu đề nghị trở thành lễ hội cấp thành phố", bà Cao Thị Huyền Trân nói.

Ông Lê Tự Gia Thạnh, Chủ tịch UBND Q.Hải Châu, cho biết thêm, từ tâm điểm khu vực "bảo tàng sống" và nhà thờ Chính tòa, Q.Hải Châu đề xuất đầu tư trục đường Trần Phú, các đường xương cá như Hoàng Văn Thụ, Thái Phiên, Trần Quốc Toản, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học trở nên hiện đại, kiểu mẫu (như tuyến đường Lê Hồng Phong đã hoàn thiện thí điểm) để tạo thêm tiện tích, sản phẩm du lịch phát triển kinh tế và phục vụ người dân, du khách.

bảo tàng sống

Phố đi bộ Bạch Đằng mở rộng về phía trục Trần Văn Trứ - Bình Minh 4, 5, 6

ẢNH: NGUYỄN TÚ

Bên ngoài khu vực "bảo tàng sống" là các khu vực phát triển kinh tế đêm, như phố đi bộ Bạch Đằng mở rộng về phía cầu Nguyễn Văn Trỗi và cầu Trần Thị Lý (giáp khu đảo xanh).

Đặc biệt, quận đầu tư 2 khu phố đêm mới: một khu từ đường Trần Văn Trứ đến các đường Bình Minh 4 - 5 – 6 (nhằm phát triển khu ẩm thực đã hiện hữu); một khu quanh trục công viên P.Thuận Phước kéo dài qua bãi giữ xe Triết Thuần về hướng đường Xuân Diệu, Đỗ Xuân Cát ra sông Hàn (đường Như Nguyệt).

bảo tàng sống

Khu phố đêm từ trục 3.2 qua công viên P.Thuận Phước và bãi giữ xe (kết thúc hoạt động sau khi hết hợp đồng thuê đất) ra sông Hàn

ẢNH: NGUYỄN TÚ

"Đặc thù Q.Hải Châu là đô thị cũ, làm sao có chất, khác biệt với đô thị khác. Quận kỳ vọng 'bảo tàng sống' cùng các tiện ích được đầu tư, kết hợp tái thiết và chỉnh trang đô thị, mở rộng kiệt hẻm, kết nối giao thông, tăng thêm công viên và điểm dừng chân... sẽ tạo diện mạo đô thị Hải Châu bản sắc, giàu văn hóa, tiện nghi, hấp dẫn với du khách", ông Lê Tự Gia Thạnh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.