Phải bảo vệ nhà đầu tư

18/05/2014 03:00 GMT+7

Chiều 17.5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi làm việc với tỉnh Bình Dương đồng thời đi thăm hỏi doanh nghiệp bị thiệt hại do những đối tượng gây rối phá hoại tại Khu công nghiệp VSIP1 ở TX.Thuận An.

Chiều 17.5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi làm việc với tỉnh Bình Dương đồng thời đi thăm hỏi doanh nghiệp bị thiệt hại do những đối tượng gây rối phá hoại tại Khu công nghiệp VSIP1  ở TX.Thuận An.

Phải bảo vệ nhà đầu tư

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi cán bộ, nhân viên Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam - Ảnh: D.Đ.M

Tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đã đề xuất với Chủ tịch nước 4 nhóm giải pháp cơ bản nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất.

4 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

 

Những người CN yêu nước không thể nào có hành động đập phá, đốt nhà xưởng nơi mình làm việc được. Chỉ những người gây rối mới có những hành động như vậy và phải bị trừng phạt thích đáng, kể cả những người bị lôi kéo, cổ vũ cho các hành động sai trái

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Thứ nhất là UBND tỉnh đã tổ chức các đoàn đi thăm, động viên, chia sẻ khó khăn với DN để nhà đầu tư (NĐT) thông cảm với tỉnh.

Thứ hai, UBND tỉnh thành lập ban chỉ đạo khắc phục hậu quả để cùng với các DN thống kê, đánh giá thiệt hại xảy ra (hoàn thành trước ngày 23.5), nếu phần hỗ trợ thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh thì sẽ thực hiện ngay; nếu thuộc về cấp trên thì sẽ đề xuất với Chính phủ hỗ trợ.

Thứ ba  UBND tỉnh động viên những DN ít bị ảnh hưởng đi vào hoạt động trở lại (tính đến ngày 17.5 đã có 70% DN hoạt động trở lại) đồng thời cam kết đảm bảo an toàn tuyệt đối cho DN, NĐT. Riêng những DN bị đốt phá, hư hỏng nặng thì một số chủ DN đã bỏ về nước, qua kêu gọi những chủ DN này hứa quay trở lại làm việc vào ngày 20.5.

Thứ tư, đối với trên 100.000 công nhân (CN) bị ảnh hưởng đến việc làm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội tiến hành chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp, thay vì trả 3 tháng theo quy định thì UBND tỉnh xin ý kiến Chính phủ trả 5 tháng.

Riêng đối với 25.000 CN trong các nhà máy bị đốt, đập phá, hư hại nặng nề, phải nghỉ việc dài ngày, UBND tỉnh sẽ chịu trách nhiệm giải quyết chế độ và chi trả tiền lương cho CN. "Đối với những giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ ngành, đề nghị Chủ tịch nước, Chính phủ... cho phép UBND tỉnh vận dụng giải quyết miễn tiền thuê đất hằng năm cho các DN; miễn, giảm thuế thu nhập DN.

Đối với các DN bị cháy, hư hại nặng nề, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho DN vay vốn với lãi suất ưu đãi để tiếp tục thực hiện đơn hàng đồng thời cho DN khoanh nợ vay, không tính nợ quá hạn, giảm lãi suất… UBND tỉnh đề nghị tiếp tục để lại lực lượng Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) tăng cường cho Bình Dương thêm một thời gian nữa đồng thời xin phép cho thành lập thêm 4 đồn công an ở các KCN", ông Cung phát biểu thêm.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Mai Thế Trung đã nhìn nhận những thiếu sót, do đánh giá tình hình không chính xác và xử lý tình hình không kịp thời.

Không thể hành động như vậy

Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu: “Bình Dương là một địa chỉ được các NĐT nước ngoài nhắc đến. Vì vậy, tỉnh cần tiếp tục khẳng định với các NĐT và tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN khôi phục sản xuất".

Liên quan đến hành vi kích động dẫn đến đập phá, đốt cháy nhà xưởng, Chủ tịch nước nói: “Những người CN yêu nước không thể nào có hành động đập phá, đốt nhà xưởng nơi mình làm việc được.

Chỉ những người gây rối mới có những hành động như vậy và phải bị trừng phạt thích đáng, kể cả những người bị lôi kéo, cổ vũ cho các hành động sai trái". Chủ tịch nước nói: “Chúng ta mời gọi NĐT đến thì phải bảo vệ họ. Khi đất nước bị phương hại đến chủ quyền, người dân có những hành động yêu nước là chính đáng, nhưng phải trong khuôn khổ của pháp luật.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm một số NĐT tại KCN VSIP1; thăm các chuyên gia và CN của Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam (chuyên may mặc, đường số 5, KCN VSIP1). Ông Teh Thian San, Tổng giám đốc Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam, cho biết trong đợt biến động vừa qua, công ty đã bị đập phá hư hỏng nặng nề, mất trên 300 máy vi tính và nhiều máy móc thiết bị khác, ước tổng thiệt hại khoảng 300 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Teh Thian San nói: “Mất mát thì cũng đã xảy ra rồi, nhưng chúng tôi vẫn quyết định ở lại để tiếp tục sản xuất. Cái được lớn nhất của chúng tôi bây giờ là trên 5.500 cán bộ quản lý và CN là người Việt Nam vẫn ở lại tiếp tục làm việc, kề vai sát cánh với công ty. Đối với khoảng 5.000 CN phải nghỉ việc để chờ công ty sửa chữa lại nhà xưởng, phục hồi sản xuất, chúng tôi vẫn trả lương như những ngày họ đi làm bình thường”.

Trong ngày 17.5, hàng ngàn CN Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam đã trở lại công ty làm việc, dọn dẹp những máy móc, thiết bị, bàn ghế bị đập phá.

Việt Nam không nhân nhượng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền

Sáng 17.5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri Q.4 (TP.HCM). Tại buổi tiếp xúc, rất nhiều cử tri Q.4 bày tỏ thái độ bất bình, phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou - 981)  xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam.

Cử tri Nguyễn Xuân Sáng cho rằng: “Cả nước đang hướng đến công cuộc bảo vệ chủ quyền nhưng không vì thế mà chúng ta quên đi những vấn đề quốc kế dân sinh liên quan mật thiết đến đời sống người dân”. Cử tri Hoàng Hữu Bình bức xúc: “Việt Nam chủ yếu nhập siêu từ Trung Quốc hàng chục tỉ USD trong khi hàng hóa của họ thì kém chất lượng, độc hại. Đây là vấn đề cực kỳ nguy hiểm. Vậy quản trị đất nước nằm ở đâu?”. Đáp lại ý kiến cử tri, Chủ tịch nước nói: “Hơn lúc nào hết, bây giờ trong lúc khó khăn mọi việc đều phải tốt hơn. Chấn chỉnh đội ngũ cho ngon lành. Sản xuất phải tốt hơn, chống tham ô lãng phí phải tốt hơn, học hành phải tốt hơn, anh em quân đội và công an phải rèn luyện tốt hơn...”.

Chủ tịch nước cho biết lập trường của Đảng và Nhà nước đã rất rõ ràng rồi. Việt Nam không nhân nhượng, không nhún nhường trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền nhưng câu chuyện biển Đông không phải một sớm một chiều. Nếu không bình tĩnh, sáng suốt thì sẽ làm phương hại đến lợi ích quốc gia.

Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri đề nghị phải huy động tất cả dân tộc cùng chuẩn bị tinh thần vì Tổ quốc quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Quốc hội cần tiến hành trưng cầu dân ý về vấn đề xử lý tình huống biển Đông. Nếu như gặp tình huống bất khả kháng thì động viên cả nước cùng ra trận.

Đình Phú

Công nhân trở lại làm việc      

Hôm qua 17.5, nhiều DN của Đài Loan, Trung Quốc đóng tại Đồng Nai đã hoạt động trở lại. Hầu hết các CN đều phấn khởi khi quay trở lại làm việc. Tại Công ty TNHH Dona Pacific (KCN Sông Mây, H.Trảng Bom, Đồng Nai) đã có 100% CN đã đi làm trở lại. Chị Nguyễn Thu Trang (ngụ xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom), cho biết: “Nghe thông tin nhiều DN ở Bình Dương bị đập phá, phải đóng cửa nên cũng rất lo lắng. Lỡ công ty mình cũng đóng cửa thì không biết sống ra sao. Tôi có đến 4 người con, nếu lỡ thất nghiệp thì gia đình rất khó khăn". Ông Phạm Quốc Hiển, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dona Pacific, cho biết:  “Mặc dù bị thiệt hại về năng suất do ngưng sản xuất, nhưng công ty vẫn trả lương cho CN. Khi CN quay trở lại làm việc, công ty đã thông báo ngay điều này”. Theo thống kê của Ban quản lý các KCN Đồng Nai, tính đến ngày 17.5, tại TP.Biên Hòa, có gần 95% DN Đài Loan, Trung Quốc trở lại hoạt động, riêng một số DN bị đập phá tại KCN Tam Phước vẫn còn đang chờ sửa chữa; H.Trảng Bom có hơn 90% DN trở lại làm việc; tại Nhơn Trạch vẫn đang dọn dẹp, sửa chữa và dự kiến đến ngày thứ hai (19.5) CN mới đi làm trở lại...

Lê Lâm

Đỗ Trường

>> Nhiều tỉnh thành sẽ hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại
>> Kẻ xấu dụ dỗ, trả tiền cho công nhân đi tuần hành gây rối
>> Khởi tố 6 bị can, tạm giữ 224 người kích động công nhân gây rối
>> Tình hình gây rối đã được kiểm soát 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.