Phải bứt phá, phải tăng trưởng

13/11/2024 06:34 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định nếu cứ 'bình bình' như hiện nay thì không thể đạt mục tiêu 100 năm. Để đất nước bứt phá, cần sớm tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế để huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Trước khi bước vào phần chất vấn trước Quốc hội chiều 12.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội với nhiều con số khả quan, kết quả đạt được trong 10 tháng vừa qua tốt hơn cùng kỳ 2023 trên hầu hết các lĩnh vực. Mục tiêu GDP quý 4 đạt trên 7,5%, cả năm đạt trên 7%. Tạo lực, tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2025, cả giai đoạn 2021 - 2025, làm tiền đề, cơ sở để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng.

Tinh gọn bộ máy còn chậm

Dù vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như giải ngân còn chậm. 10 tháng giải ngân đạt 52,29% (cùng kỳ năm 2023 là 56,74%), giải ngân vốn ODA chỉ đạt 27,88%. Trong đó, có 29 bộ, cơ quan T.Ư và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình cả nước, trong đó 9 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.

Nguyên nhân chủ yếu, theo Thủ tướng, do một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan còn rườm rà, chồng chéo; vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư, nhất là các dự án ODA, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và quy hoạch sử dụng đất. Sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ. Kỷ luật, kỷ cương có nơi chưa nghiêm; còn tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm…

Phải bứt phá, phải tăng trưởng- Ảnh 1.

Việc xây dựng sân bay Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ

ẢNH: LÊ LÂM

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đã khắc phục hiệu quả việc đầu tư dàn trải; tỷ lệ nợ công, bội chi thấp hơn giới hạn cho phép; xét xử nhiều vụ án kinh tế, thu hồi số lượng lớn tiền và tài sản cho nhà nước… Song, Thủ tướng cũng nhận định "công tác này còn nhiều tồn tại, hạn chế như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ trong bài viết của mình và các vị đại biểu Quốc hội đã nêu". Nguyên nhân do nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết và còn mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến lãng phí nguồn lực. Tình trạng lãng phí về thời gian, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản chậm được khắc phục; thủ tục hành chính còn rườm rà; sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm chi phí thường xuyên, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn chậm…

Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục xây dựng bộ máy hành chính nhà nước theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Phải bứt phá, phải tăng trưởng, tháo gỡ điểm nghẽn"

Phân cấp, phân quyền vẫn là nút thắt lớn

Chất vấn trực tiếp Thủ tướng, đại biểu (ĐB) Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) dẫn báo cáo kinh tế - xã hội của Thủ tướng trình bày tại đầu kỳ họp, khẳng định: Việc phân cấp, phân quyền còn nhiều bất cập, tập trung nhiều ở T.Ư, còn tình trạng chưa đúng vai thuộc bài. Cùng với đó, thực tế phân cấp, phân quyền và phân bổ nguồn lực vẫn chưa thật đồng bộ.

"Xin Thủ tướng cho biết giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, bất cập nêu trên để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm: địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phát biểu khai mạc kỳ họp 8 vừa qua", ĐB Mai chất vấn.

Phải bứt phá, phải tăng trưởng- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Quốc hội

ẢNH: GIA HÂN

Hồi âm ĐB, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phân cấp, phân quyền là vấn đề lớn, trước nay đã nói nhiều và thực tế đã và đang làm. Dù vậy, ông thừa nhận, hiện nay "vẫn thấy vướng phân cấp, phân quyền". "Mà vướng tập trung chủ yếu ở T.Ư và đây là nút thắt lớn", Thủ tướng khẳng định.

Về giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh cần rà soát lại các quy định của pháp luật, thể chế, các quy định của Đảng; rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan để sửa đổi các luật: Tổ chức Quốc hội, Tổ chức Chính phủ, Tổ chức chính quyền địa phương.

"Đi đôi phân cấp, phân quyền là phân bổ nguồn lực, năng lực thực thi", Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết Chính phủ đang trình một luật sửa nhiều luật để tháo gỡ vấn đề phân bổ nguồn lực cho địa phương với tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

Ưu tiên tăng trưởng

Cho rằng Chính phủ và Thủ tướng đã xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tháo gỡ rào cản tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, ĐB Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị Thủ tướng cho biết sẽ chọn điểm nhấn nào trong nhiệm vụ trọng tâm nói trên để triển khai trong thời gian tới.

Cụ thể hơn, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị người đứng đầu Chính phủ cho biết các giải pháp để thực hiện thành công hàng loạt đại dự án dự kiến triển khai trong thời gian tới, từ dự án điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Bắc - Nam hay mở rộng sân bay Long Thành…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết nếu được chọn thì sẽ tập trung vào 2 vấn đề: thứ nhất là tăng cường phân cấp, phân quyền; thứ hai là ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước.

"Để tăng trưởng phải có nguồn lực. Nếu tăng trưởng bình bình như hiện nay, mỗi năm 6 - 7% thì chúng ta khó đạt mục tiêu 100 năm. Do đó, phải ưu tiên cho tăng trưởng. Mà muốn thế phải tháo gỡ thể chế để huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, nhân dân, hợp tác công tư, nguồn lực nước ngoài", Thủ tướng nêu rõ.

Với chất vấn của ĐB Phạm Văn Hòa, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tinh thần là phải bứt phá, phải tăng trưởng, không chỉ nhiệm kỳ này mà cả các nhiệm kỳ tới. Theo người đứng đầu Chính phủ, việc đầu tư các công trình này phải tạo ra đột phá về hạ tầng chiến lược, mang tính xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, "chứ không phải bình bình". Để có nguồn lực, Thủ tướng nhắc lại, phải hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực của Nhà nước, địa phương, kết hợp đi vay, hợp tác công - tư. Cùng với đó, phải đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, quản trị...

Rà soát xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài

Trả lời ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP.Đà Nẵng) về chống lãng phí, nhất là trong việc xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài hay các tổ chức tín dụng yếu kém, Thủ tướng cho biết, việc giải quyết 12 đại dự án tồn đọng, kéo dài đến nay đã đạt nhiều kết quả với sự nỗ lực của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ.

Sau khi xin chủ trương và được Bộ Chính trị đồng ý, Chính phủ thực hiện theo chức năng, quyền hạn của mình. Cái nào vượt thẩm quyền thì Chính phủ xin ý kiến Quốc hội. Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát các dự án tương tự, áp dụng kinh nghiệm nêu trên để xử lý.

Với các tổ chức tín dụng yếu kém, Thủ tướng cho biết đến nay đã hoàn tất việc chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng, còn lại 2 ngân hàng "đang làm". Riêng với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là phải làm sao an toàn cho hệ thống cũng như bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân.

Quốc hội 'chốt' tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 6,5 - 7%, phấn đấu 7 - 7,5%

Quốc hội chốt tăng trưởng GDP từ 6,5 - 7% trong năm 2025

Chiều 12.11, với 424/426 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Tại dự thảo nghị quyết, Quốc hội đã quyết định các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội năm 2025. Trong đó, Quốc hội quyết nghị tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5 - 7%, phấn đấu khoảng 7 - 7,5%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD, tăng khoảng 200 USD so với kế hoạch năm 2023. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.