CÓ MỘT LOẠI TOÁN "KHÔNG TƯ DUY" ?
TS Nguyễn Phi Lê (Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, ĐH Bách khoa Hà Nội) từng là một học sinh (HS) giỏi toán, đoạt huy chương bạc kỳ thi toán quốc tế IMO 2000 mà không phải học thêm quá nhiều. Vì thế, khi con còn ở bậc tiểu học, TS Lê không nghĩ rằng con mình cần phải đi học thêm toán nói chung và "toán tư duy" nói riêng, dù khi đó trong thị trường dạy học thêm đã bắt đầu xuất hiện nhiều trung tâm quảng cáo dạy "toán tư duy". Tuy nhiên, khi con lên lớp 5, và sau này thi vào lớp 10, thì TS Lê đã buộc phải cho con đi học thêm môn toán, vì có thế mới có thể đỗ vào các trường chuyên lớp chọn.
"Ví dụ, gần đây, sau kỳ thi vào lớp 10 chuyên toán Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên của Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, các thầy cô và các em HS đã bàn tán rất nhiều về một câu hỏi hình học. Một thầy giáo giỏi chuyên dạy về hình cho biết thầy đã ngồi làm bài này trong 3 - 4 tiếng đồng hồ. Vậy mà HS lớp 9 phải làm bài đó trong một thời gian ngắn. Với đề thi đó, nếu một bạn không đi luyện thi, chưa từng làm dạng bài tương tự, thì chắc chắn không làm được bài. Một HS có tư duy rất tốt đi chăng nữa không thể
làm một bài rất khó có dạng bài lạ trong một thời gian ngắn. Muốn làm một bài như thế các em cần có nhiều thời gian", TS Lê chia sẻ.
TS Lê cũng cho biết, khi thấy con của mình đi học thêm quá nhiều, bà đã khuyên con là nên dành nhiều thời gian tự học, vì có như vậy trí não người học mới có thời gian để thẩm thấu kiến thức, giúp người học tự chủ, và có khả năng tự lập sau này khi đối mặt với các vấn đề cần phải giải quyết. Tuy nhiên, con của bà đã không an tâm, vì sợ sẽ không có khả năng cạnh tranh với bạn bè trong một cuộc đua mà thế mạnh thuộc về những HS chịu khó "cày" trong các lớp luyện thi.
Theo GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục VN, nhiều nhà toán học rất dị ứng khi ai đó nói "toán tư duy". Vì nói thế hóa ra là có "toán không tư duy"? Nhưng thực tế là cách dạy học hiện nay có rất nhiều kiểu dạy toán không dạy tư duy, mà chỉ là học tính. Khi lên lớp, thầy cô thường chủ yếu dạy HS làm bài tập theo mẫu (thường gọi toán theo dạng). Với cách dạy này, HS khi đã từng giải một dạng toán nào đó, khi gặp lại thì thường làm bài rất nhanh, không cần nghĩ ngợi gì cả.
KHI VIỆC HỌC TOÁN KHÔNG CÒN ĐÚNG BẢN CHẤT HỌC TOÁN
Theo TS Vũ Thị Ngọc Hà, Viện Toán ứng dụng và tin học, ĐH Bách khoa Hà Nội, môn khoa học nào cũng thúc đẩy phát triển và hoàn thiện tư duy trong mỗi đứa trẻ, người ta gọi là "sự đa dạng của các lĩnh vực nền tảng", chứ không phải chỉ học toán mới phát triển tư duy.
Tuy nhiên trong nội tại toán học, các bài toán đặt ra luôn gắn với thực tiễn. Để trải qua được, đứa trẻ phải đi qua các bước là xây dựng bài toán dựa trên sự phân tích các định luật của hiện tượng tự nhiên, rồi sử dụng tư duy logic, tư duy sáng tạo… để giải quyết bài toán đặt ra. Trong quá trình trên, đôi khi kích thích cả trí tưởng tượng, tính phản biện mới có thể giải quyết được bài toán đưa ra.
"Nội tại toán học nghe có vẻ như là môn học kích thích sự tư duy hoàn hảo nhất. Nên sự ra đời của các trung tâm "toán tư duy" là điều dễ hiểu trong tình hình hiện nay khi chúng ta phải đối diện với việc thành thục với một module kiến thức nhất định của mỗi môn học trong thời gian rất ngắn, không chỉ riêng toán học, để đối diện với thi cử. Từ đó tạo nên việc học toán không còn đúng với bản chất của "học toán" nữa", TS Ngọc Hà nhận xét.
GS Lê Anh Vinh cho biết, ban đầu chính ông cũng dị ứng với từ "toán tư duy". Về sau tìm hiểu thì thấy hóa ra là vẫn tồn tại khá phổ biến cách dạy toán không tư duy. GS Vinh bình luận: "Nếu nói ở đây dạy toán, chứ không phải dạy toán không tư duy, thì nghe nó nặng nề quá. Cho nên, khi ai hay nơi nào đó giới thiệu là mình dạy toán tư duy, nghĩa là họ muốn nói mình dạy toán đúng nghĩa của từ dạy toán. Cho nên "toán tư duy" xuất phát từ việc người ta mong muốn dạy toán cho HS phải suy nghĩ và có khả năng ứng dụng trong cuộc sống, chứ không phải dạy toán theo dạng, để HS đạt điểm thật tốt trong kỳ thi. Phụ huynh cũng nên cân nhắc, vì khi họ giới thiệu như thế nghĩa là không phải dạy HS học toán để làm bài tốt, mà là dạy HS suy nghĩ".
CẦN PHẢI ĐỔI MỚI VIỆC THI CỬ
TS Ngọc Hà cho rằng, để việc học toán trở về đúng bản chất của nó thì cần phải cho HS "học chậm", bởi "học chậm" chính là kích thích sự phát triển tư duy của mỗi đứa trẻ một cách hoàn hảo nhất.
Khi đứng trước một bài toán, HS phải có thời gian (rất lâu) để nhận diện các hiện tượng tự nhiên, từ đó tìm kiếm các đại lượng, các quy luật để đưa ra được mối liên hệ các đại lượng với nhau bằng các biểu thức, sau đó là tìm kiếm công cụ phương pháp để giải quyết vấn đề đặt ra. Như vậy, để xây dựng một chương trình gọi là "toán tư duy" rất khó. Nhưng giảng dạy càng khó hơn, vì bên cạnh việc dẫn dắt "chậm rất chậm", người thầy phải đủ kiến thức tổng quan ở mức độ cao. Việc giảng dạy lại phải linh hoạt và phù hợp với tố chất năng lực trong mỗi HS. Điều đó rất khó thực hiện khi đối diện với áp lực thành tích học phải có giải, điểm số rồi kỳ vọng của cha mẹ, trên thời gian của đứa trẻ…
Dạy để HỌC SINH suy nghĩ chứ không phải tính toán
GS Lê Anh Vinh vẫn thường nói vui với các giáo viên toán: dạy để HS suy nghĩ 10 phút còn khó hơn là dạy để các em ngồi tính toán cả tiếng đồng hồ. Nếu đi học mà chỉ là nhận một phiếu bài tập rồi ngồi tính toán làm sao thật nhanh, thật giỏi, thì hết giờ học không có gì đọng lại trong đầu HS. Khi gặp những tình huống mới, HS không suy nghĩ được, không vận dụng được những gì đã học để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, đây là vấn đề có tính hệ thống, từ câu chuyện thi cử, kiểm tra, rồi các dạng bài tập, khiến cho khi dạy người ta bỏ hết những phần phát triển tư duy, chỉ tập trung vào phần dạy cho HS tính toán, làm bài tập.
Đặc biệt, để việc dạy toán là dạy tư duy thì cần đến sự đồng bộ của cả một hệ thống: chương trình, sách giáo khoa, thời gian từng giờ từng phút, từng môn học, hệ thống thi cử, tâm lý xã hội…
Theo GS Vinh, chương trình giáo dục phổ thông mới hướng đến toán gắn với thực tiễn, đến ứng dụng, giải quyết câu hỏi học toán để làm gì, chứ học toán không chỉ là làm bài tập.
TS Phi Lê cho rằng, bà ủng hộ việc các HS học thêm những môn mà mình ham thích, có khả năng, nhưng là học theo cách để nâng cao khả năng sáng tạo, khả năng suy nghĩ. Còn học thêm theo kiểu luyện thi như hiện nay thì không mấy ích lợi cho người học. "Vấn đề là ở cách ra đề hiện nay nó khiến cho người học nếu chưa từng học dạng bài được ra trong đề thi thì sẽ thành người "thua cuộc". Môi trường thi cử hiện nay có sự cạnh tranh không bình đẳng giữa HS học "tư duy" và HS học luyện thi. Muốn tư duy thì mất nhiều thời gian, và chấp nhận rủi ro là không biết nhiều dạng bài. Đây là "động lực" khiến HS bị"ép" đi học thêm.
Vậy việc thi cử phải làm thế nào để phát triển được tư duy của HS, đề thi không đánh đố, vừa đúng với nội dung đã được dạy trong nhà trường phổ thông, vừa phát hiện được những HS có tư duy tốt", TS Phi Lê nói.
Bình luận (0)