Bị cáo Trương Mỹ Lan nộp 3/4 tài sản sẽ được xem xét giảm án tử hình
Ngày 3.12, TAND cấp cao tại TP.HCM sẽ ra phán quyết về việc xin giảm án tử hình của bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) do đã cùng với các đồng phạm gây thiệt hại hơn 673.000 tỉ đồng cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), ở giai đoạn 1.
Trước đó, trong phần tranh luận, theo Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, đối với hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mà đã nộp được 3/4 tài sản, tức nộp 280.000 tỉ đồng, thì mới có cơ sở xem xét giảm nhẹ hình phạt tử hình trong giai đoạn thi hành án.
Bị cáo Lan tự nguyện dùng nhiều tài sản để khắc phục, cho thấy bị cáo đã nỗ lực khắc phục hậu quả. "Tuy nhiên, số tiền tham ô là quá lớn, chưa từng có trong lịch sử. Hậu quả để lại không biết đến khi nào mới khắc phục, ảnh hưởng tới nhiều mặt đời sống xã hội, nền kinh tế, thị trường tài chính, bất động sản…", đại diện Viện kiểm sát nêu.
Từ đó, Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm đề nghị tòa phúc thẩm bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan y án tử hình về tội tham ô tài sản và 20 năm tù tội đưa hối lộ.
Đồng thời, Viện kiểm sát còn đề nghị tòa chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Lan, giảm cho bị cáo từ 20 năm tù xuống còn từ 16 - 18 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hình phạt chung mà bị cáo Lan bị đề nghị là án tử hình cho cả 3 tội danh. Bị cáo còn bị đề nghị bồi thường cho SCB hơn 673.000 tỉ đồng.
Không có tài sản nào của bị cáo Lan bị định giá bằng 0
Theo Viện kiểm sát, 440 mã tài sản (có nhiều bất động sản) của bị cáo Lan, thực chất là không định giá được chứ không phải định giá bằng 0 đồng. Các tài sản này sẽ có giá trị khi thi hành án. Còn 658 mã tài sản đang bị kê biên cũng có nhiều mã là do người khác đứng tên, chưa đánh giá được giá trị thực chất.
Tranh luận lại với Viện kiểm sát, luật sư Giang Hồng Thanh (người bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan) cho rằng, Viện kiểm sát nhận định như trên là "chưa đi đến tận cùng giá trị cụ thể của những tài sản này".
Theo luật sư Thanh, trong số 415.000 tỉ đồng mà bị cáo Trương Mỹ Lan bị quy buộc chiếm đoạt của SCB, tính tổng số tiền bị cáo đã nộp và tài sản đang bị kê biên (không tính 440 mã tài sản không được định giá) là hơn 323.000 tỉ đồng.
Như vậy bị cáo đã khắc phục vượt quá 3/4 giá trị tài sản chiếm đoạt. Đối chiếu với điều 40 bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 03 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, bị cáo Lan có thể được xem xét giảm án tử hình. Vì thế luật sư đề nghị cho thân chủ mình cơ hội được sống.
Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang bổ sung thêm, 658 mã tài sản luật sư đã có văn bản cho đề nghị định giá độc lập, để nhà đầu tư tham gia vào dự án, nhanh chóng giúp bị cáo Lan khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, hiện luật sư đang gặp khó khăn là chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Đảo nợ hay rút tiền khỏi SCB?
Luật sư cho rằng bị cáo Trương Mỹ Lan dùng tiền chủ yếu để đảo nợ, tiền không ra khỏi ngân hàng. Tuy nhiên, Viện kiểm sát không đồng ý với quan điểm này. Bởi với 1.284 khoản vay, giải ngân hơn 500.000 tỉ đồng, ngoài giải ngân để đảo nợ, bị cáo đã sử dụng tiền vào mục đích khác. Gọi là đảo nợ nhưng thực chất là rút tiền ra khỏi SCB, sau đó sử dụng dòng tiền mới. Hành vi của bị cáo cấu thành tội phạm kể từ lúc tiền ra khỏi kiểm soát của SCB.
Có hơn 1.000 tài sản đã bị kê biên, bị cáo Lan thuê người đứng tên. Trong đó, chỉ có 60 tài sản bị cáo mua trước năm 2012, tài sản mua sau thời gian này chiếm khoảng 90% là cùng với thời gian bị cáo phạm tội. Ngoài ra, một số bị cáo giữ vai trò chủ chốt của SCB như bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, Trương Khánh Hoàng… cũng khai bị cáo Lan dùng tiền vay để mua bất động sản.
"SCB không cung cấp hồ sơ cho Viện kiểm sát là ý gì?"
Theo bị cáo Trương Mỹ Lan, SCB nhập nhằng khi từ chối cung cấp hồ sơ cho Viện kiểm sát, sẽ làm ảnh hưởng đến sinh mạng của bị cáo.
"SCB nhập nhằng! Viện kiểm sát yêu cầu cung cấp số liệu về đảo nợ nhưng SCB lại từ chối cung cấp hồ sơ thì có ý gì đây? Khi đây là sinh mạng của bị cáo. SCB cũng từ chối cung cấp hồ sơ liên quan đến 54.000 tỉ đồng. Đây là số tiền không ít đâu. Bị cáo nếu không nói thì không biết cầu cứu ở đâu", bị cáo Lan nói.
Vì thế bị cáo Lan cho rằng nếu SCB không cung cấp hồ sơ thì đề nghị tòa sử dụng tài liệu có lợi cho bị cáo.
Trong phần xét hỏi trước đó, Viện KSND đề nghị SCB cung cấp thông tin để làm rõ trước khi 3 ngân hàng hợp nhất thì nợ cũ của SCB là bao nhiêu, tổng số tiền ngân hàng cho rằng dư nợ thì có bao nhiêu tiền vay để đảo nợ, bao nhiêu tiền bị cáo Lan rút ra... Đại diện SCB hứa sẽ cung cấp bằng văn bản.
Tuy nhiên, sau đó luật sư Nguyễn Minh Tâm, người bảo vệ quyền lợi cho bị hại SCB từ chối không cung cấp những tài liệu theo yêu cầu của Viện kiểm sát và các luật sư.
Luật sư của bị cáo Trương Mỹ Lan tỏ ra thất vọng vì Viện kiểm sát im lặng, cho qua khi bị SCB từ chối cung cấp hồ sơ.
SCB không đồng ý trả lại 5.000 tỉ đồng cho bị cáo Trương Mỹ Lan
Bị cáo Trương Mỹ Lan mong SCB thông cảm trả lại 5.000 tỉ đồng để bị cáo bồi thường cho chính ngân hàng này, nhưng đã bị từ chối.
"Tháng 8.2022, trước khi bị cáo bị bắt, số tiền tăng vốn điều lệ này vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận. Vì thế SCB không được giữ tiền nên đã gửi số tiền này qua ngân hàng khác. Mong SCB thông cảm trả lại 5.000 tỉ đồng để tôi khắc phục hậu quả cho vụ án", bị cáo Lan nói.
Ngược lại, phía SCB không chấp nhận trả lại 5.000 tỉ đồng vì cho rằng không có liên quan gì đến vụ án này. Nếu có việc tranh chấp phải được giải quyết theo một trình tự tố tụng khác.
Không giao tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan cho một mình SCB xử lý
Theo bị cáo Trương Mỹ Lan, dự án 6A khu Trung Sơn (H.Bình Chánh, TP.HCM) có diện tích 26 ha, đang bị SCB giữ. Bị cáo Lan cho rằng dự án này rất đẹp, theo như định giá của Công ty Hoàng Quân thì chỉ được khoảng 16.000 tỉ đồng. Thế nhưng, trước khi bị cáo bị bắt, nhà đầu tư trả mức giá 40.000 tỉ đồng.
"Bị cáo đã cho SCB mượn dự án 6A, mà SCB cứ giữ thì lấy gì bị cáo khắc phục hậu quả cho ngân hàng. Tài sản nào ra tài sản đó chứ", bị cáo Lan nói.
Đại diện SCB khẳng định: "Hiện dự án 6A không còn đảm bảo khoản vay nào". Ban đầu SCB đồng ý để bị cáo Lan giao cho SCB, hoặc cơ quan thi hành án xử lý, nhưng sau đó ngân hàng lại đòi toàn quyền được xử lý tài sản này.
Viện kiểm sát cho rằng, đây là vụ án hình sự nên không thể giao cho SCB quản lý xử lý tài sản, mà phải có các cơ quan liên quan phối hợp tham gia như cơ quan thi hành án, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát TP.HCM giám sát để đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án nhanh và hiệu quả nhất.
Bị cáo Trương Mỹ Lan phạm tội cả ở 2 giai đoạn của vụ án
Theo bản án sơ thẩm hồi tháng 4 của TAND TP.HCM, bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ của hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bị cáo sở hữu và chi phối hơn 91,5% cổ phần SCB, là người thực tế có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB; tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB.
Từ đó, trong 10 năm (từ 2011 - 2022), bị cáo Lan đã chỉ đạo các cựu lãnh đạo chủ chốt tại SCB giải ngân cho nhóm bị cáo hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1 triệu tỉ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng.
Đến năm 2022, nhóm bị cáo Lan còn 1.284 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỉ đồng (gần 484.000 tỉ đồng dư nợ gốc, hơn 193.000 tỉ đồng tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.
Khi SCB bị thanh tra, bị cáo Trương Mỹ Lan gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II), Trưởng đoàn thanh tra. Đồng thời, bị cáo Lan chỉ đạo Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn đưa 5,2 triệu USD hối lộ cho Nhàn.
Ngoài vụ án trên, hôm 17.10, ở giai đoạn 2, bị cáo Trương Mỹ Lan còn bị TAND TP.HCM phạt tù chung thân về 3 tội danh: tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tù chung thân); tội rửa tiền (12 năm tù); tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (8 năm tù). Tòa buộc bị cáo Lan bồi thường toàn bộ hơn 30.800 tỉ đồng cho hơn 35.800 người bị hại.
Bình luận (0)