Phải có cơ quan đầu mối trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm

23/11/2009 16:00 GMT+7

(TNO) Chiều 23.11, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Một trong những quy định mà nhiều đại biểu (ĐB) QH đòi hỏi ban soạn thảo phải làm rõ hơn đó là trách nhiệm quản lý nhà nước về VSATTP.

Theo Điều 52 dự luật, Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) và chịu trách nhiệm về an toàn của sản phẩm thực phẩm đối với sức khỏe nhân dân. Các bộ trưởng bộ quản lý chuyên ngành thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP theo sự phân công của Chính phủ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình theo các quy định của pháp luật...

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh cho biết, liên quan tới quy định này có hai loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần phân công cụ thể trách nhiệm của các bộ có liên quan và UBND các cấp trong luật; loại ý kiến thứ hai đề nghị không phân công cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP của từng bộ trong luật mà nên giao cho Chính phủ phân công cụ thể, đảm bảo tính linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh (Thái Nguyên) cho biết, hiện nay có nhiều ngành tham gia quản lý ATTP nhưng mỗi anh có phạm vi nhất định, vì thế dẫn đến tình trạng nếu làm được thì tốt nhưng nếu không thì trách nhiệm lại chưa rõ. “Cuối cùng phải có một người đứng ra đôn đốc, kiểm tra, xử lý để rõ ai đúng ai sai. Luật phải nói rõ được cái này thì mới quản lý được, và đây là khâu khó nhất”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận (Quảng Nam) lên tiếng: “Vấn đề lớn nhất là trách nhiệm trong quản lý nhà nước về VSATTP, luật chưa giải quyết được. Đọc tất cả các điều thì toàn nói chung chung, trách nhiệm không rõ ràng, không biết nắm ai”.

Theo ĐB Nguyễn Văn Thuận, liên quan tới quản lý VSATTP có ba nhóm gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người sản xuất. ĐB Nguyễn Văn Thuận cho rằng, để quản lý có hiệu quả, luật phải có các quy định cụ thể về trách nhiệm của từng nhóm, “cơ quan quản lý nhà nước thì quy định rõ Bộ Y tế phải làm gì và chịu trách nhiệm gì, Bộ Công thương làm gì và chịu trách nhiệm gì”...

ĐB Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa) góp ý: “Phải phân định rõ các quá trình, công đoạn để có quy định và gắn trách nhiệm của từng cơ quan quản lý, không thể để luật nói Chính phủ thống nhất quản lý rồi phân cho các bộ. Ông nào cũng chịu trách nhiệm, cuối cùng chẳng ai chịu trách nhiệm cả”.

ĐB Nguyễn Văn Phát bày tỏ lo lắng trước tình trạng nhập khẩu ồ ạt thực phẩm, trong đó có các sản phẩm thịt sống của nước ngoài. “Phải quy trách nhiệm của các cơ quan trong việc để sản phẩm bên ngoài được nhập về”, ĐB Phát nói.

Phân công rõ trách nhiệm từng bộ nhưng ĐB Nguyễn Văn Phát đề nghị, luật phải quy định có một “ông” là tổng chỉ huy. “Bộ Y tế là cơ quan tổng chỉ huy”, ĐB Phát cho biết. Chủ nhiệm Ủy ban An ninh quốc phòng của QH Lê Quang Bình chung quan điểm: “Thống nhất để Bộ Y tế là đầu mối giúp Chính phủ”.

ĐB Trần Việt Hưng (Hòa Bình) có suy nghĩ riêng: “Mọi biện pháp quản lý không bằng nâng cao ý thức của người tiêu dùng”.

Dự luật đưa ra các quy định rất chặt chẽ về điều kiện bày bán thực phẩm, thức ăn đường phố như phải xa cống rãnh, bãi rác và các nguồn gây ô nhiễm khác, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải được rửa sạch, khử trùng trước khi sử dụng; có phương tiện che nắng, mưa, bụi bẩn và côn trùng; có đủ nước sạch dùng cho việc chế biến và vệ sinh ăn...

Tuy nhiên, ĐB Lê Quang Bình cho rằng các quy định này khó đi vào cuộc sống. “Đường của mình không có bụi thế nào được. Quy định như thế là rất tốt, rất chặt nhưng như nước ta hiện nay là không khả thi”, ĐB Lê Quang Bình bày tỏ.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.