'Phải có khát vọng để biến Mang Yang thành thiên đường bò sữa'

16/04/2024 15:06 GMT+7

'Công nghệ, khát vọng đã làm thay đổi tất cả. Tôi đã từng nghi ngờ nhưng hiện phải khẳng định Việt Nam có thể trở thành cường quốc bò sữa và Mang Yang có thể trở thành một trung tâm bò sữa mới', ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã khẳng định như vậy tại tọa đàm 'Xây dựng Mang Yang - Gia Lai thành thiên đường bò sữa' do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 16.4.

'Phải có khát vọng để biến Mang Yang thành thiên đường bò sữa'- Ảnh 1.

Là người gắn bó mấy chục năm với ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) chia sẻ: "Tôi đã từng có lúc phải nghi ngờ, làm gì VN chúng ta làm được bò sữa? Tôi nghi ngờ lắm, nước ta trồng lúa nuôi heo là tốt rồi. Thế nhưng, đúng là công nghệ, khát vọng của doanh nghiệp, của địa phương, đến nay chúng ta đã vẽ lại bản đồ ngành chăn nuôi. Ngành chăn nuôi bò sữa của chúng ta đã có những bước nhảy vọt rất lớn".

Sau khi chăn nuôi heo, chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh mẽ, đứng vào hàng ngũ top 10 của thế giới thì đến nay các ngành này đã xuất hiện nhiều nút thắt. Vài năm gần đây ngành chăn nuôi heo, gà đều thua lỗ. Chỉ có chăn nuôi bò sữa là có lợi nhuận. Điều này hết sức dễ hiểu vì Việt Nam còn thiếu sữa tươi rất nhiều. Sản lượng sữa tươi của cả nước chỉ khoảng 1,2 triệu tấn, chia đều cho 100 triệu người thì bình quân mới chỉ có 12 lít/người/năm. Nếu cộng với lượng sữa nhập khẩu, sữa bột hoàn nguyên thì mức tiêu thụ sữa vào khoảng 28 lít/người/năm. Con số này thấp hơn nhiều nước trong khu vực và nếu so với nước có lượng tiêu thụ sữa tươi nhiều nhất trên thế giới là Phần Lan thì chúng ta thua xa. Bình quân mỗi người Phần Lan uống 1 lít sữa/ngày, bởi vậy họ mới cao to như thế. Sữa là sản phẩm được xem thiết yếu, người khỏe hay người bệnh, người già hay người trẻ đều uống được, trong khi thức ăn hay thực phẩm khác phải ngon người ta mới ăn.

Chính vì vậy, tiềm năng của ngành chăn nuôi, chế biến bò sữa của Việt Nam vẫn còn rất lớn. Ông Nguyễn Xuân Dương đặt vấn đề: "Liệu Tây nguyên có trở thành trung tâm chăn nuôi bò sữa được hay không? Tôi khẳng định trung tâm bò sữa của Việt Nam đã thay đổi rồi. Trước đây, TP.HCM từng có thời điểm lên đến 100.000 con, nhưng bây giờ TP có muốn cũng không giữ được vì vấn đề đô thị hóa, ô nhiễm môi trường…

Tây nguyên đang nổi lên vì có đầy đủ các điều kiện thiên thời, địa lợi. Đất đai ở Gia Lai còn rộng lớn, có thể đầu tư phát triển chuồng trại chăn nuôi và trồng cỏ thâm canh. Gia Lai còn có nguồn nước ở mức trung bình khá, có lượng mưa lớn, có lưu vực sông suối đa dạng, nếu tiết kiệm thì chúng ta có thể giải quyết tốt vấn đề nguồn nước. Bên cạnh đó, Mang Yang và cả Gia Lai còn có khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Nếu lạnh quá thì không tốt nhưng nhiệt độ bình quân Gia Lai chỉ khoảng 20 độ C, rất phù hợp với chăn nuôi bò sữa. Giao thông từ Gia Lai đến các trung tâm tiêu thụ cũng thuận lợi và dễ dàng. Chúng ta có thể mang sữa từ Hà Lan về Việt Nam để bán thì không lý do gì không vận chuyển sữa tươi từ Gia Lai để bán cả nước lẫn xuất khẩu".

"Về phía địa phương, tỉnh cần phải xem đây là một cơ hội lớn, trên cả sự quyết tâm, đó là khát vọng đưa Gia Lai trở thành trung tâm bò sữa. Lãnh đạo địa phương cần nghiên cứu, tham khảo các nơi khác đang chăn nuôi bò sữa để rút ra các bài học và có phương án tối ưu nhất cho Mang Yang và Gia Lai. Cần có chính sách nổi bật để phát triển chăn nuôi tương tự như các cường quốc chăn nuôi khác. Ở các nước này, họ đều dành quỹ đất rất lớn để trồng cỏ nuôi bò. Mang Yang hiện nay đã hội đủ các điều kiện thiên thời địa lợi, để Mang Yang trở thành trung tâm bò sữa hay thiên đường bò sữa, cần phải có khát vọng của lãnh đạo chính quyền địa phương, của doanh nghiệp và người dân bản địa. Trên cơ sở đó, tỉnh cần có quy hoạch cụ thể, hoặc rà soát lại quy hoạch để tính toán quy mô, có định hướng về dư địa phát triển và mời gọi các doanh nghiệp đầu tư", ông Nguyễn Xuân Dương nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.