Cụ thể, các thương nhân phân phối đề nghị nghị định sửa đổi kỳ này phải giữ nguyên quy định thương nhân phân phối xăng dầu "được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu khác theo hợp đồng mua bán xăng dầu".
Trong thực tế, rất nhiều thương nhân phải đặt mua xăng dầu trước kiểu như "mua lúa non", đưa tiền trước cho đầu mối nhập khẩu về để lấy bán trong khi chưa biết giá kỳ tới tăng hay giảm. "Điều đó chứng tỏ thương nhân phân phối là những nhà đầu tư mạnh, có nguồn tài chính cao chứ không phải chỉ là khâu trung gian chở mua đi bán lại. Nguồn cung của thị trường là từ đầu mối chứ phân phối sỉ hay lẻ đều phụ thuộc nguồn cung đầu mối"- Báo cáo viết.
Với lập luận, doanh nghiệp phân phối xăng dầu cũng đã hỗ trợ và phân phối với nhau để chia sẻ nguồn cung, duy trì nguồn hàng cho hệ thống cung ứng ra thị trường, các thương nhân phân phối nhấn mạnh "là nhà đầu tư, là 1 kênh phân phối xăng dầu, cánh tay nối dài tạo nên sự cạnh tranh giúp phát triển thị trường chứ không phải là khâu "trung gian" kiểu môi giới để kiếm lợi nhuận về cho doanh nghiệp. Bản thân chúng tôi cũng phải có nguồn vốn lưu động và lượng hàng dự trữ nhất định, khi các đầu mối chưa kịp nhập hàng về thì việc các thương nhân phân phối được mua bán với nhau là rất cần thiết".
Ngoài ra, thương nhân phân phối đề nghị giữ nguyên "thời gian điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá" và không dời ngày điều hành giá khi rơi vào thứ bảy, chủ nhật, lễ, tết… Lý do, khi thị trường thế giới biến động lớn như giá dầu tăng, tỷ giá đô la Mỹ tăng và tình hình tài chính, tín dụng trong nước khó khăn như cuối năm 2022 thì rất nhiều đầu mối không thể nhập hàng.
Bình luận (0)