* Xin chào Nhất Hạnh. Hạnh thi IELTS mấy lần thì đạt được 8,5 điểm?
- Đó là lần đầu tiên Hạnh thi IELTS.
* Với điểm 9 cho kỹ năng viết, một điểm số rất cao, Hạnh đã có phương pháp luyện viết như thế nào để đạt được số điểm trên?
- Hạnh đọc rất nhiều văn học Anh. Khi đọc, Hạnh không chỉ chú ý đến cốt truyện mà còn để ý đến cách nhà văn đã viết nữa. Tiếng Anh có những cách diễn tả hấp dẫn và Hạnh thường dùng các từ và các câu mà Hạnh thấy hay vào các bài viết của mình hoặc sửa đổi cho phù hợp với phong cách viết của mình. Khi mới luyện viết, người học ngoại ngữ nên nhờ một người khác có kinh nghiệm đọc qua và đánh giá dùm.
* Kế hoạch học tập sắp tới của Hạnh như thế nào?
- Hạnh đã gửi hồ sơ cho trường Stanford University, Georgetown University và University of Southern California ở bên Mỹ. Trong đó, trường Hạnh muốn đạt được nhất là trường Stanford. Hiện nay thì Hạnh định sẽ theo ngành kinh tế nhưng về tương lai thì Hạnh mong có thể tham gia vào các tổ chức tình nguyện như Hội chữ thập đỏ trước khi định hướng nghề nghiệp.
* Theo thống kê thì điểm thi IELTS của người Việt Nam chỉ đạt mức trung bình trong khu vực, trong đó riêng 2 kỹ năng nghe và nói thì thấp hơn so với các nước này. Hạnh nghĩ gì về các kết quả đó?
- Vì văn phạm tiếng Anh rất khác văn phạm tiếng Việt. Hạnh để ý rằng nhiều người khi học tiếng Anh đặc biệt quan tâm đến việc viết sao cho chính xác nhưng lại không chú ý đúng mức đến các kỹ năng đối thoại. Nhiều người không có kinh nghiệm giao tiếp với người bản xứ, lại không đầu tư đủ thời gian cho các kỹ năng nghe, nói, là một thực tế trong các trường học ngoại ngữ ở nước ta. Rất dễ để quên đi những ngoại ngữ mà chúng ta không dùng đến. Theo Hạnh, đây là vấn đề nhiều người Việt Nam gặp phải: Chúng ta có thể đã học ngoại ngữ nhiều năm rồi nhưng nếu ít khi hoặc không bao giờ có cơ hội dùng trong thực tế ngoài lớp học thì khả năng thông thạo là rất khó.
* Theo Hạnh, năng khiếu có ảnh hưởng như thế nào đối với môn ngoại ngữ? Và điều quan trọng nhất để trở thành một người giỏi ngoại ngữ là gì?
- Theo quan sát của Hạnh thì năng khiếu chỉ là một phần đối với môn ngoại ngữ mà thôi. Một phẩm chất quan trọng đối với những người đang học bất kỳ môn gì là “dám nói dám làm”. Riêng môn ngoại ngữ thì cái phần “dám nói” là không thể thiếu! Hạnh có may mắn là học ngoại ngữ tại một trường quốc tế (Trường quốc tế Anh - British International School), có cơ hội thường xuyên nói chuyện với các bạn và các thầy, cô từ các nước khác nhau nhiều năm liền. Điều quan trọng nhất là đam mê học hỏi không chỉ về ngôn ngữ mà còn về văn hóa của những dân tộc khác - ai cũng có thể học thuộc lòng bất cứ điều gì hoặc học “cho có”, nhưng chỉ khi nào ta có thể hiểu rõ giá trị của kiến thức đấy ta mới có thể dùng nó để cải thiện bản thân và cộng đồng xung quanh.
Lê Thanh (thực hiện)
Bình luận (0)