Đang xử lý sai phạm thì "thay tên đổi họ"
Cuối tháng 6.2023, Phòng khám đa khoa (PKĐK) Đinh Tiên Hoàng (34-36 Đinh Tiên Hoàng, P.Đa Kao, Q.1) bị bệnh nhân (BN) tố "vẽ bệnh, moi tiền". Thanh tra Sở Y tế và Công an TP.HCM kiểm tra phát hiện PK thu giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) cao hơn giá đã niêm yết; cung cấp dịch vụ KCB vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động. PK bị phạt 105 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động KCB trong thời hạn 3 tháng; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề KCB của người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở trong thời hạn 2 tháng. Ngay vị trí PKĐK Đinh Tiên Hoàng trước đây là PKĐK Thái Bình Dương, cũng hoạt động với phương thức "vẽ bệnh, moi tiền".
Giữa tháng 7.2022, PKĐK Nam Việt (202 Tô Hiến Thành, P.15, Q.10) phá thai cho BN gây tai biến. Vụ việc đang đang được Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử lý vì PK có dấu hiệu hoạt động quá phạm vi chuyên môn. Tại địa chỉ này, trước đây là PKĐK Baylor, PKĐK Royal, PKĐK Nam Bộ, đều nhiều lần sai phạm và nhiều lần bị đình chỉ…
Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 65 PK có người nước ngoài hành nghề KCB đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Trong số này, có một số PK từng bị Sở Y tế TP.HCM phạt vi phạm hành chính, bị đình chỉ hoạt động, nhưng sau đó họ nhanh chóng giải thể công ty cũ (thực tế đang bị xử lý vi phạm), đồng thời thành lập một pháp nhân mới nhưng lại hoạt động trên cùng một vị trí để tiến hành xin giấy phép hoạt động KCB không còn nhân sự người nước ngoài đăng ký hành nghề như trước.
Tính đến nay, có hơn 10 PK bị người dân thường xuyên phản ánh có một số hành vi không tuân thủ hoặc tuân thủ không đúng quy định của pháp luật về KCB. Sự sai phạm này có tính lặp đi lặp lại, ảnh hưởng đến chất lượng KCB, chi phí dịch vụ y tế, chỉ định, kê đơn bán thuốc không hợp lý, vi phạm y đức người thầy thuốc… khiến người bệnh, người dân không hài lòng. Tuy nhiên, trong số này, có 7 PK không có đăng ký nhân sự người nước ngoài nhưng vẫn liên tục bị phản ánh có các hành vi vi phạm mà người dân thường gọi là "vẽ bệnh, moi tiền".
Nhận diện thủ đoạn phòng khám "vẽ bệnh, moi tiền"
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết khi kiểm tra, một số PK có hành vi vi phạm lặp lại theo dạng "quy trình". Theo đó, BN khi đến các PK này trước hết sẽ được yêu cầu làm một số xét nghiệm ban đầu, báo giá một số thủ thuật với mức phí chấp nhận được. Tuy nhiên, sau khi có kết quả xét nghiệm, họ đưa BN vào phòng tiểu phẫu và ngay lúc đang thực hiện thủ thuật, họ hù dọa phát hiện thêm bệnh mới, cần phải làm thêm các thủ thuật khác hoặc phải trả thêm tiền để chọn các gói dịch vụ tăng thêm như không đau, an toàn, thẩm mỹ hơn… với chi phí cao một cách vô lý. Sau khi thực hiện dịch vụ, BN không có đủ tiền thì PK yêu cầu liên lạc với gia đình để chuyển tiền, giữ giấy tờ, bắt viết giấy nợ, giữ người…
Giải pháp quản lý
Sở Y tế TP.HCM thường xuyên phối hợp cơ quan cảnh sát điều tra công an quận, huyện và TP.Thủ Đức, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) và Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) Công an TP.HCM kịp thời phát hiện, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, cá nhân vi phạm pháp luật về KCB. Sở cũng phối hợp các UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức trong công tác quản lý hoạt động KCB. Đặc biệt phát hiện và xử lý triệt để các phòng khám có dấu hiệu "vẽ bệnh, moi tiền" BN hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng không chấp hành quyết định xử phạt (lén lút hoạt động sau khi bị Thanh tra Sở Y tế xử phạt và đình chỉ hoạt động).
Sở Y tế TP.HCM cũng sẽ kêu gọi các cơ sở KCB có uy tín tăng cường truyền thông về bệnh "thầm kín", "khó nói"… để BN biết và đến sử dụng dịch vụ. Đảm bảo thông tin riêng tư, bí mật cho BN, thậm chí có quy trình tiếp nhận riêng, điều trị khu vực riêng để BN an tâm chữa trị.
Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, điểm chung của các PK này là đầu tư quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội và luôn lọt top tìm kiếm nên dễ dàng tiếp cận, thu hút khách hàng. Các quảng cáo này thường tập trung các vấn đề về sức khỏe và bệnh lý thông thường nhưng "thầm kín", "khó nói" như nam khoa, phụ khoa, da liễu, bệnh xã hội… Thực chất các dịch vụ y tế này đều đã được bao phủ ở tất cả các tuyến trên địa bàn thành phố, từ trạm y tế, phòng khám, bệnh viện quận, huyện cho đến bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của thành phố, bệnh viện bộ, ngành… với chi phí điều trị theo khung giá Bộ Y tế quy định, đồng thời cũng được cung cấp ở các PK, bệnh viện tư nhân uy tín.
Từ năm 2020 đến nay, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành 93 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các PK có các hành vi vi phạm như trên. Trong đó có 58 quyết định xử phạt đối với các cơ sở y tế và 35 quyết định xử phạt đối với các cá nhân với tổng số tiền phạt hơn 5,2 tỉ đồng. Gần đây nhất, có 2 phòng khám đã giải thể và trước đó đã bị Thanh tra Sở Y tế xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động cơ sở trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày 1.12.2022 là Công ty TNHH MTV dịch vụ y tế Hồng Phong (160-162 Lê Hồng Phong, P.3, Q.5) và Công ty TNHH PKĐK Quốc tế (221 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1).
Cần hình phạt nghiêm khắc
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho rằng vấn đề đặt ra là người hành nghề cần phải thượng tôn pháp luật KCB, trong đó có các quy định về đạo đức nghề nghiệp. Người nước ngoài hành nghề tại VN bắt buộc cũng phải tuân thủ pháp luật VN.
Các quy định pháp luật đã rõ ràng, đầy đủ, tuy nhiên các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đi kèm chưa đủ sức răn đe. Theo Nghị định 117 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và Nghị định số 124 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117 năm 2020, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về KCB đối với cá nhân là 100 triệu đồng với hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn tối đa 24 tháng. Đối với tổ chức là 200 triệu đồng với hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tối đa 24 tháng.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng cho rằng với những gì đang diễn ra trên thực tế, các hình thức xử phạt vi phạm hành chính cần phải nghiêm khắc hơn. Đặc biệt, với những người cố tình lợi dụng việc KCB để trục lợi càng phải xử nghiêm hơn như tước chứng chỉ hành nghề (đối với cá nhân) hoặc rút giấy phép hoạt động KCB (đối với tổ chức) vĩnh viễn mới đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, cần phải bổ sung thêm các hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp như luật KCB đã quy định.
Ngoài ra, để ngăn ngừa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế bị xử phạt, giải thể và thành lập mới dễ dàng, cũng cần áp dụng những mức phạt tương xứng với đại diện pháp luật của các doanh nghiệp sở hữu PK có hành vi vi phạm luật KCB. Theo đó, không cho những người này tiếp tục đại diện pháp lý hay điều hành doanh nghiệp.
Về trách nhiệm hình sự, Điều 315 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về KCB cũng đã ghi rõ, người nào vi phạm quy định về KCB, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên có thể bị phạt tù từ 1 - 5 năm.
Bình luận (0)