Phải đổi cách dạy, thi tiếng Anh

25/07/2015 06:55 GMT+7

Kết quả điểm thi THPT quốc gia môn tiếng Anh không làm nhiều người ngạc nhiên; nó chỉ củng cố suy nghĩ đã đến lúc phải thay đổi hẳn cách dạy, cách thi môn tiếng Anh ở nhà trường phổ thông. Một khi rất nhiều em bị điểm thấp môn này (gần 75.000 em chỉ được 2,25 điểm), phải mạnh dạn thừa nhận ngành giáo dục đã thất bại trong việc dạy tiếng Anh, ít ra là so với phổ điểm các môn khác.

Kết quả điểm thi THPT quốc gia môn tiếng Anh không làm nhiều người ngạc nhiên; nó chỉ củng cố suy nghĩ đã đến lúc phải thay đổi hẳn cách dạy, cách thi môn tiếng Anh ở nhà trường phổ thông. Một khi rất nhiều em bị điểm thấp môn này (gần 75.000 em chỉ được 2,25 điểm), phải mạnh dạn thừa nhận ngành giáo dục đã thất bại trong việc dạy tiếng Anh, ít ra là so với phổ điểm các môn khác.

Thử nghĩ mà xem, một học sinh vừa tốt nghiệp lớp 12 đi du lịch sang nước khác bị giữ lại ở sân bay. Điều chúng ta mong muốn ở em là khả năng nói tiếng Anh đủ để khẳng định một cách đàng hoàng, chững chạc rằng tôi sang đây là đi du lịch, không được phân biệt đối xử với tôi như thể tôi là kẻ phạm tội. Trong tình huống này, chúng ta có cần em biết phân biệt khi nào thì dùng who khi nào thì dùng that hay không; em có cần biết sau động từ avoid phải dùng going chứ không được dùng to go hay không (hai trong các câu hỏi trong đề thi THPT quốc gia môn tiếng Anh năm nay).
Chừng nào đề thi còn chú trọng hỏi những chuyện như cách dùng thì, cách đổi câu từ thể chủ động sang bị động; chừng nào đề thi còn ra theo kiểu bắt học sinh sửa câu cho đúng ngữ pháp, hay viết lại câu theo kiểu khác khi kiểu nào các em cũng chưa hiểu hết nghĩa… chừng đó đừng mong phổ điểm môn tiếng Anh của học sinh sẽ bình thường như các môn khác.
Hãy thừa nhận với nhau rằng điều chúng ta kỳ vọng ở một học sinh trung bình sau khi nhận tấm bằng tốt nghiệp THPT là nói được những câu tiếng Anh bình thường để xoay xở được khi hoàn cảnh bắt buộc. Các em phải đọc và hiểu những văn bản bình thường các em có thể thấy trong cuộc sống thật như hướng dẫn sử dụng một loại máy gì đó viết bằng tiếng Anh. Các em phải nghe được người nước ngoài đang hỏi các em các câu rất bình thường và diễn đạt cho người ta hiểu mình muốn nói cái gì.
Chẳng thà hạ thấp yêu cầu như thế trong một thời gian để việc học và dạy tiếng Anh đi vào thực chất còn hơn như hiện nay. Xã hội tốn kém biết bao nhiêu tiền bạc cho 7 đến 10 năm học tiếng Anh phổ thông nhưng cuối cùng chúng ta có kết quả tệ hại như đã thấy trong phổ điểm môn tiếng Anh.
Nếu quý vị biên soạn sách giáo khoa và biên soạn đề thi chịu khó đọc một bài luận của các học sinh học lực trung bình người Mỹ hay người Anh viết, quý vị sẽ thấy các em mắc đúng các lỗi ngữ pháp mà quý vị dày công sưu tầm để đưa vào đề thi. Thế nhưng bài viết của các em sẽ toát lên những ý độc đáo - là cái làm nên giá trị của học vấn của các em chứ không phải lỗi không phân biệt được “câu điều kiện nếu… thì… loại 3”!
Thiết nghĩ kết quả điểm thi môn tiếng Anh phải là hồi chuông cảnh báo, phải thiết kế lại chương trình dạy, học và thi môn tiếng Anh. Tạm thời đừng đặt những mục tiêu cao siêu, xa vời và thiếu thực tế. Phải thiết kế môn tiếng Anh như cách môn tin học đang bắt các em sử dụng tiếng Anh một cách vô thức, hiểu ngay các lệnh, các yêu cầu mà phần mềm đưa ra. Xin đừng chú ý đến ngữ pháp nữa - hãy giúp học sinh nghe nói đọc hiểu ở mức độ vừa phải - dùng các năm học phổ thông để củng cố, để rèn luyện cho các em có một ít vốn tiếng Anh lận lưng. Ngoại ngữ là một trong những môn các em sẽ phải sử dụng suốt đời chứ không phải ra trường là trả lại kiến thức cho thầy cô như các môn khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.