Ngày 6.11, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa có báo cáo giám sát về đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông giai đoạn 2015 - 2020 gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Báo cáo này được gửi đến rất muộn so với thông thường, khi kỳ họp Quốc hội đã diễn ra được 3 tuần (trong đó có 1 tuần nghỉ) và chỉ còn 2 tuần nữa là kết thúc.
Sự chậm trễ này còn đáng chú ý ở chỗ, vấn đề sách giáo khoa đang gây tranh cãi trong dư luận thời gian gần đây và được các đại biểu Quốc hội phát biểu cũng như chất vấn rất nhiều trên nghị trường.
Trong báo cáo giám sát, Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhận định: “Các tác giả biên soạn sách giáo khoa đều là các nhà khoa học có uy tín, trong đó nhiều tác giả là thành viên Ban Xây dựng Chương trình Giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT; cả 3 nhà xuất bản tham gia biên soạn sách giáo khoa đều thuộc ngành giáo dục, trong đó Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT”. Trong khi, cũng theo báo cáo giám sát, “việc biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới vẫn còn một số tồn tại, hạn chế”.
Riêng về việc thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa, cơ quan giám sát đã chỉ ra 3 gạch đầu dòng lớn.
Thứ nhất, quy định của Bộ GD-ĐT chưa cụ thể trong yêu cầu về chất lượng và quy trình hoàn chỉnh bản mẫu sách giáo khoa trước khi nhà xuất bản trình Hội đồng quốc gia thẩm định.
Sự “chưa cụ thể” thể hiện ở việc yêu cầu tác giả sách giáo khoa “phải là công dân Việt Nam” chưa rõ ràng, đã làm nảy sinh một số bất cập trong quá trình thẩm định sách giáo khoa tiếng Anh, dẫn đến việc thay đổi tên tác giả nhiều bộ sách giáo khoa (từ tác giả nước ngoài phải điều chỉnh thành tác giả Việt Nam).
Thứ hai, quy định về tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa chưa rõ thời lượng và quy mô thực nghiệm, chưa được lấy ý kiến phản hồi rộng rãi. Do vậy, sách giáo khoa lớp 1 (năm học 2020 - 2021) có những nội dung chưa phù hợp, gây khó khăn cho giáo viên, học sinh trong quá trình thực hiện, gây băn khoăn, phản ứng trong dư luận xã hội.
Cơ quan giám sát chỉ ra thực tế, sau 2 tháng triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 1 (năm học 2020 - 2021), có nhiều ý kiến của phụ huynh, cử tri, dư luận về sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, chủ yếu tập trung vào bộ Cánh Diều...
Bộ Tài chính đã thẩm định giá sách giáo khoa
Việc lựa chọn sách giáo khoa, cơ quan giám sát cho rằng, đã được thực hiện đúng theo các yêu cầu của Nghị quyết 88, của luật hiện hành, nhưng theo báo cáo của các địa phương, “việc ban hành văn bản hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 - 2021 còn chậm”, khi lần đầu các cơ sở giáo dục chọn sách giáo khoa, với số bộ sách nhiều (5 bộ sách).
Bên cạnh đó, một số địa phương do hiểu chưa đầy đủ về quy định của luật Giáo dục 2019, còn băn khoăn về tính ổn định, lãng phí nếu không sử dụng lại bộ sách giáo khoa lớp 1 đã lựa chọn, vì thay đổi phương thức chọn sách giáo khoa (từ thẩm quyền của cơ sở giáo dục sang thẩm quyền của UBND tỉnh).
Về phát hành và giá sách giáo khoa phổ thông, mặc dù nhận định việc phát hành sách giáo khoa lớp 1 theo phương thức xã hội hoá “cho thấy thành công bước đầu” của chủ trương xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa; và các nhà xuất bản đã thực hiện nghiêm túc việc kê khai giá với Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT theo đúng quy định của pháp luật, song theo cơ quan giám sát, giá sách giáo khoa lớp 1 mới cao hơn sách hiện hành khoảng 2 - 3 lần.
Uỷ ban này dẫn kết quả khảo sát cho thấy, tuy đơn giá tính trên mỗi trang in biến động không nhiều, nhưng giá của cả bộ sách giáo khoa mới cao hơn giá của cả bộ sách giáo khoa lớp 1 hiện hành từ 3,3 lần đến 3,7 lần (sách giáo khoa mới có giá từ 179.000 đồng/bộ đến 199.000 đồng/bộ, bao gồm cả sách giáo khoa điện tử, trung bình khoảng 19.000 đông/cuốn), trong khi sách giáo khoa hiện hành có giá là 54.000 đồng/bộ, trung bình khoảng 9.000 đồng/cuốn).
Nguyên nhân sự chênh lệch giá được lý giải là do bộ sách giáo khoa lớp 1 mới có số lượng quyển nhiều hơn từ 1,5 đến 1,7 lần (bộ sách giáo khoa mới gồm từ 9 đến 10 quyển, bộ sách giáo khoa hiện hành chỉ có 6 quyển); mỗi cuốn có số trang nhiều hơn, khổ sách rộng hơn; được in 4 màu (trong khi sách cũ chỉ in 2 màu) nên đòi hỏi giấy in sách giáo khoa phải tốt hơn. Sách mới lại được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, không được trợ cấp một phần chi phí như sách cũ.
Bộ Tài chính đã thẩm định giá, nhưng các cấu thành giá sách giáo khoa (nguyên vật liệu, nhân công) vẫn phải bảo đảm đủ các chi phí.
Ngoài ra, theo Uỷ ban, năm học 2020 - 2021, việc cung ứng sách giáo khoa cho đa số cơ sở giáo dục chậm (theo giám sát của Ủy ban, đến cuối tháng 8.2020 sách mới về đến các cơ sở), gây khó khăn trong việc triển khai các khâu lựa chọn sách giáo khoa, tập huấn giáo viên, trao đổi chuyên môn giữa các giáo viên, giữa các đơn vị trường, cụm trường.
Bình luận (0)