Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh yêu cầu trên khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên trước thềm năm mới 2015, xoay quanh việc củng cố niềm tin trong nhân dân trước những vấn đề tiêu cực, tham nhũng, oan sai thời gian qua, gây bức xúc trong xã hội.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc tại tỉnh Bạc Liêu - Ảnh: Giản Thanh Sơn
|
Thưa Chủ tịch nước, năm 2014, qua nhiều lần tiếp xúc cử tri và làm việc với cơ sở, lắng nghe được tâm tư nguyện vọng của nhiều lớp người trong xã hội, ông cảm nhận những vấn đề dân bức xúc nhất hiện nay là gì?
Bây giờ vấn đề người dân bức xúc nhất là tham nhũng, lãng phí, tình trạng ức hiếp nhân dân, oan sai, sót lọt tội phạm...; và vấn đề bảo vệ chủ quyền đất nước.
Tôi nhớ, trước Đổi mới, lúc bấy giờ đất nước đang khủng hoảng kinh tế, người dân phải ăn bo bo, bột mì, mà bo bo, bột mì cũng không đủ ăn. Nhưng người dân vẫn phơi phới tin tưởng, vẫn rạng ngời một niềm tin dứt khoát đất nước rồi sẽ thoát khỏi khó khăn và niềm tin đó đã thành sự thực. Lúc bấy giờ cũng có tiêu cực, nhưng rất ít. Còn bây giờ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lại rất nghiêm trọng.
|
Về bảo vệ chủ quyền đất nước, những người lãnh đạo phải tìm cách chèo lái con thuyền sao cho để vừa giữ vững chủ quyền đất nước, vừa phải duy trì được hòa bình. Đó là mục tiêu, nhiệm vụ phải kiên quyết thực hiện cho bằng được.
Mỗi một lần Chủ tịch nước đi tiếp xúc cử tri, câu hỏi Chủ tịch nhận được nhiều nhất có lẽ vẫn là chống tham nhũng, điều đó cho thấy đây là vấn đề gây nhức nhối trong dân. Chúng ta tuy đã giương cao ngọn cờ chống tham nhũng nhưng kết quả đem lại khiến dân chưa thể hài lòng?
Tôi cũng chưa hài lòng. Đánh giá của nhân dân là hết sức đúng đắn. Hằng ngày, thấy chuyện nọ, chuyện kia trên các phương tiện truyền thông, làm sao dân không bức xúc? Riêng vấn đề nhà công vụ vừa qua, dân đã thấy bức xúc rồi.
Tôi nhớ khi nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh hoàn thành nhiệm vụ Tổng bí thư, đại hội dự kiến hôm sau bế mạc thì chiều hôm trước ông đã trả nhà công vụ rồi. Ông lên Hồ Tây ở để sáng mai, khi đại hội bế mạc, thì ông về TP.HCM. Nếu ai cũng tự trọng như vậy, đã không thành chuyện để dân bức xúc...
Chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, thực tế cũng đã làm được nhiều việc, nhưng so với yêu cầu, nhiệm vụ thì còn nhiều việc phải làm lắm, phải làm liên tục, bền bỉ mới có thể đẩy lùi và ngăn chặn được tệ nạn này. Đây là món nợ rất lớn, phải trả cho dân, trả càng sớm càng tốt.
Trong một bài viết gần đây, Chủ tịch nước đã nói chúng ta không sợ bất kỳ kẻ thù nào, chỉ sợ dân mất lòng tin. Trước những bức xúc mà Chủ tịch vừa nêu, ông cảm nhận thế nào về lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ hiện nay?
Phải khẳng định nhân dân rất tin Đảng, tin Bác Hồ. Các đồng chí cứ nhìn dòng người hằng ngày vào lăng viếng Bác, viếng thăm các vua Hùng vẫn ngày càng tăng, thấy rằng nhân dân vẫn tin ở Bác Hồ, tin ở Đảng, tin ở cội nguồn dân tộc. Để tham nhũng, lãng phí, tiêu cực còn tồn tại, nhân dân trách cứ, ai mà không chạnh lòng! Đảng phải làm cho những sai phạm, tiêu cực này giảm đi thì đất nước mới phát triển được, mới sánh vai cùng bè bạn năm châu được.
Nhưng để có được lòng dân, trước hết vai trò người dân phải được coi trọng, đề cao, giải quyết những vấn đề tiêu cực, tham nhũng cũng có thể hiểu như vậy?
Chúng ta chưa có những biện pháp bảo vệ người chống tham nhũng tiêu cực hiệu quả nhất. Có những người dân đến nhà tôi, cứ dớn dác nhìn xem có ai theo dõi mình không, người ta sợ lắm. Nhiều đồng chí nói với tôi rằng, trước hết phải đề cao đúng mức dân chủ trong Đảng và trong xã hội, chủ trương phải đi liền với hành động, đừng để dân thất vọng. Tại sao những cán bộ đến nhà tôi nói chuyện mà cứ dớn dác nhìn xem có ai nhìn thấy mình không? Rõ là dân chủ chưa đảm bảo rồi. Bác Hồ đã dạy, dân chủ là để người dân được mở miệng. Như thế thì tiêu cực sẽ sớm giảm đi và tình hình sẽ tốt hơn.
Nghĩa là theo Chủ tịch nước, để giải quyết được những tồn tại bức xúc hiện nay, để củng cố được niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ, cần phát huy dân chủ, để người dân phải thực sự là chủ nhân của đất nước?
Đúng, phải đúng nghĩa dân là chủ. Đất nước này là của dân chứ không phải của ai khác.
Xin cảm ơn Chủ tịch nước!
Sức dân là vô địch
Trước thềm năm mới 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài viết quan trọng với tựa đề Đón bắt thời cơ, phát huy sức mạnh của toàn dân, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, đưa đất nước tiếp tục tiến lên.
Khi đề cập cụ thể về việc “phát huy Quốc bảo lòng dân là bài học gốc rễ”, Chủ tịch nước viết: “Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, cũng như lịch sử của các quốc gia, dân tộc đông, tây, kim, cổ trên thế giới đều xác nhận và khẳng định chân lý: Nhân dân là người làm nên lịch sử, sức dân là vô địch... Ông cha ta, từ sự hưng vong của các triều đại, từ các cuộc kháng chiến oanh liệt chống ngoại xâm đã đúc rút, khẳng định và nhắc nhở các thế hệ cháu con: chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân; khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách để giữ nước; nước phải lấy dân làm gốc, gốc có vững thì cây mới bền. Có dân là có tất cả, mất dân là mất tất cả”.
Soi rọi chân lý đó vào thực tiễn hôm nay, Chủ tịch nước nhận định: “Thuyền lớn ra biển xa thì tất yếu sẽ gặp phải sóng to, gió lớn. Ngày nay, sự nghiệp đổi mới tiếp tục xây dựng đất nước ta “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và bảo vệ vững chắc vùng đất, vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo mà cha ông ta đã để lại, bảo vệ thành quả cách mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân. Thời gian tới, có thời cơ, thuận lợi lớn, nhưng khó khăn, thách thức cũng vô cùng gay gắt, quyết liệt. Vẫn có kẻ muốn kìm chân, cản phá làm ta suy yếu để dễ bề chi phối; có kẻ lăm le lấn đất, lấn biển, chiếm đảo của ta. Chỉ có sự đồng lòng, nhất trí của toàn dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc mới là sức mạnh vô địch để chúng ta vượt qua mọi sóng to, gió lớn của thời cuộc”.
Trong bài viết, Chủ tịch nước cũng dành hơn 900 chữ để nói về truyền thống hành xử chân thành, giữ gìn và nâng niu hòa bình, hòa hiếu là đạo lý VN. “Ngày nay, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, nhân văn của dân tộc, phù hợp với tính chất của thời đại, đất nước ta, nhân dân ta hội nhập thế giới, luôn mong muốn có quan hệ hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ chính trị của nhau, cân bằng lợi ích, các bên cùng có lợi, vì hòa bình, ổn định và phát triển của VN, của khu vực và của toàn thế giới. VN sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.
Mặc dù vậy, trước những diễn biến phức tạp trong khu vực, những âm mưu và hành động xâm chiếm, gây nên tranh chấp trên biển Đông, đe dọa chủ quyền biển, đảo của đất nước ta, Chủ tịch nước khẳng định: “Chúng ta kiên quyết phản đối. Với chúng ta, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là tài sản vô giá của cha ông ta để lại, thế hệ chúng ta hiện nay có nghĩa vụ giữ gìn, bảo vệ để truyền cho các thế hệ con cháu...”.
Ông cũng nói rõ bên cạnh việc kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, chúng ta đồng thời “luôn tích cực chuẩn bị cho những giải pháp phù hợp khác, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Bảo Cầm
|
Bình luận (0)