Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 diễn ra ngày 29.4, Thủ tướng một lần nữa chỉ đạo Thống đốc Nguyễn Văn Bình phải cấp tốc rà soát chi vốn ngay cho doanh nghiệp hoạt động.
Doanh nghiệp cần được tạo điều kiện tiếp cận vốn - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Giải ngân vốn: Không thể chậm trễ!
|
Vấn đề mà Thủ tướng lo ngại nhất vẫn nằm ở tốc độ giải ngân vốn cho nền kinh tế. Trong suốt 3 kỳ họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, không dưới 2 lần Thủ tướng nhắc nhở các bộ, ngành địa phương vào cuộc thật nhanh để “bơm” vốn ra, nhưng quá trình triển khai còn quá chậm trễ.
Nguyên nhân dòng vốn bị tắc nghẽn có yếu tố quan trọng do chậm giải phóng mặt bằng, Thủ tướng một lần nữa nhắc nhở phải tập trung hết sức tuyên truyền vận động người dân. Theo đó, không thể vì 1 - 2 hộ chậm làm cả một tuyến đường chậm lại, ảnh hưởng lợi ích quốc gia. Thủ tướng cũng phê bình lãnh đạo Hà Nội là địa phương có nhiều dự án chậm bàn giao mặt bằng, khi báo cáo xong không ở lại nghe ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.
Đối với kênh tín dụng, Thủ tướng lưu ý hiện các (doanh nghiệp) DN phần lớn nhờ vào vay vốn ngân hàng. “Tôi đã nói Thống đốc nhiều lần là phải rà soát, tạo mọi điều kiện để các DN tiếp cận được vốn. Còn nếu để cuối năm mới đẩy tiền ra rồi lại hút vào thì không còn ý nghĩa nhiều nữa” - Thủ tướng nói.
Đề xuất mở rộng đối tượng vay gói tín dụng 30.000 tỉ đồng
|
Tại phiên họp, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề xuất mở thêm một số cơ chế tại gói tín dụng 30.000 tỉ đồng. Đó là kéo dài thời hạn trả nợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân từ 10 năm lên 15 năm. Mở rộng đối tượng vay vốn đối với hộ gia đình, cá nhân tại đô thị mua nhà ở thương mại riêng lẻ có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỉ đồng; các hợp đồng mua nhà ở xã hội đã ký trước 7.1.2013 mà chưa thanh toán hết tiền mua nhà (đối với khoản tiền chưa nộp theo tiến độ). Bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần tham gia giải ngân gói 30.000 tỉ đồng. Không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong năm 2014. Trường hợp đặc biệt, các địa phương phải báo cáo cụ thể với Bộ Xây dựng xem xét, thẩm định trước khi trình Thủ tướng quyết định.
Khống chế giá trần sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi
Trước đó, dư luận bức xúc khi một loạt DN sữa âm thầm đua nhau tăng giá hàng loạt sản phẩm trong một thời gian ngắn.
Xuất phát từ lợi ích người tiêu dùng và căn cứ pháp luật cũng như kinh nghiệm một số nước, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ khống chế giá trần sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Các thành viên Chính phủ đều thống nhất cao về mặt chủ trương. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ Tư pháp để làm chặt chẽ về mặt pháp lý, đồng thời làm tốt công tác thông tin tuyên truyền sao cho hài hòa được lợi nhuận của DN nhưng phải bảo vệ được quyền lợi của hàng chục triệu trẻ em.
Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất lên Chính phủ hai phương án. Thứ nhất, kể từ khi công bố quyết định bình ổn giá, các DN sẽ phải đăng ký và áp giá trần trong thời gian 6 tháng. Thứ hai, thời gian áp giá trần kéo dài tối đa 12 tháng còn thời gian đăng ký giá vẫn giữ trong vòng 6 tháng. Hai phương án này chỉ khác nhau thời hạn áp giá trần. Việc buộc DN phải đăng ký giá giúp Bộ sẽ kiểm soát được chặt chẽ chi phí kinh doanh của từng DN. Tại cuộc họp báo vào cuối buổi chiều 29.4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết Bộ đã “chốt” phương án thứ hai. Theo bà Mai, khi áp dụng phương án này tính ra mỗi hộp sữa sẽ giảm được từ 50.000 đến 70.000 đồng. Về lộ trình thực hiện, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, ngay khi Thủ tướng ban hành nghị quyết, Bộ sẽ lập tức triển khai ngay.
Anh Vũ
>> Gói 30.000 tỉ đồng chỉ mới giải ngân được 1.322 tỉ đồng
>> Giải ngân gói 30.000 tỉ tăng 32,7% so với cuối năm 2013
>> Khó tiếp cận vốn vay 15%
>> Vẫn khó tiếp cận vốn sản xuất
Bình luận (0)