Năm 2021, TP.HCM nhận hơn 17,8 triệu hồ sơ của người dân và tổ chức; trong đó có hơn 17,3 triệu hồ sơ giải quyết đúng hẹn (chiếm tỷ lệ 99,81%). Tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hẹn chỉ chiếm 0,19%, nhưng nếu tính con số tuyệt đối thì có đến hơn 32.000 hồ sơ.
Các hồ sơ trễ hẹn tập trung vào lĩnh vực đất đai và khiếu nại, tố cáo. Đây cũng là một trong những lĩnh vực mà người dân bức xúc nhất trong nhiều năm qua, nhưng tình hình không được cải thiện. Điển hình như từ đầu năm đến nay, người dân ở TP.Thủ Đức khá mệt mỏi khi gặp khó khăn trong việc nộp thuế chuyển nhượng bất động sản, có hồ sơ bị ngâm đến 7 tháng.
Ông Phạm Văn Toàn, Phó trưởng Ban quản lý khu Nam TP.HCM, dẫn chứng khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), các sở, ngành không nắm đủ hồ sơ nên phải gửi văn bản hỏi ý kiến lẫn nhau, có đơn vị 1 - 2 tháng sau mới trả lời. Nhiều doanh nghiệp mất nhiều thời gian, tiền bạc để hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân, nhưng 3 năm chưa được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, khiến cho hàng loạt dự án bị đình trệ.
Trong kế hoạch tháng hành động “Tiếp nhận và giải quyết TTHC ngay trong ngày”, UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan, đơn vị không có TTHC trong danh mục giải quyết trong ngày thì tập trung giải quyết dứt điểm hồ sơ TTHC các dự án đang tồn đọng. Các đơn vị cũng có thể chọn một hoặc nhóm TTHC thường xuyên bị trễ hẹn để thực hiện và cam kết “không trả kết quả trễ hẹn”.
Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng nguyên nhân dẫn đến khối lượng hồ sơ trễ hẹn của TP.HCM lớn, ngoài yếu tố khách quan do quy định pháp luật chồng chéo; còn có yếu tố chủ quan do cán bộ, công chức ngại xử lý, sợ trách nhiệm. Chuyên gia cải cách hành chính Diệp Văn Sơn lý giải, nếu giải quyết hồ sơ nhanh quá, chẳng may có sơ suất gì thì công chức phải chịu trách nhiệm, liên đới. Do không muốn rủi ro nên nhiều người chọn cách “thủ thân”, ngâm hồ sơ.
Để xử lý vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân đề nghị các cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra đột xuất việc thực hiện quy tắc ứng xử và thực thi công vụ. Đồng thời, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân khi giải quyết TTHC.
Theo yêu cầu của chính quyền TP.HCM, các vụ việc thiếu trách nhiệm, chậm trễ hoặc không phối hợp trong giải quyết các công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp phải được báo cáo kịp thời để xử lý trách nhiệm, bao gồm cả người đứng đầu. Trong năm 2022, đoàn liên ngành của Sở Nội vụ TP.HCM sẽ kiểm tra quy tắc ứng xử công vụ đối với 40% cơ quan, đơn vị; trong đó có 10% kiểm tra đột xuất.
Bình luận (0)