Trào lưu nông dân Vĩnh Long bán đất ruộng đã lan đến Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh... Người nông dân cho biết cái lợi là cứ 150 tấn đất thì thu được 7 triệu đồng, bao gồm mọi loại chi phí. Từ đây có thể nhẩm tính rằng với chiều sâu đào xuống nửa mét thì bán đất ruộng trên 1 ha cũng thu được khoảng 200 triệu đồng.
Cái lợi như vậy là đáng kể so với thu nhập thuần nông của người dân. Vì vậy, người nông dân tích cực bán đất ruộng với lý sự lớp đất mặt màu mỡ sâu khoảng 10 phân vẫn còn và vẫn đủ để cấy trồng như trước đây. Cái lý sự ấy cũng chỉ là tấm bình phong để người nông dân giả như yên tâm với việc mình thu lợi trước mắt từ bán đất ruộng.
Theo nguyên lý, ruộng và đất có sự khác biệt khá lớn. Ruộng là một cấu trúc đất mà lớp sét đáy ruộng là tầng bảo vệ quan trọng để ngăn giữa lớp đất canh tác bề mặt với các lớp đất phía dưới đáy ruộng. Lớp đáy này vừa ngăn độ màu mỡ khỏi thoát khỏi đáy ruộng, và vừa ngăn độ phèn cao xâm nhập từ đáy ruộng lên. Lớp đáy ruộng không thể hình thành một sớm, một chiều, mà được hình thành gắn với quá trình nhiều năm canh tác. Nếu ruộng mà mất đáy thì không còn là ruộng mà trở thành đất, có khi là vô dụng trong mục đích cấy trồng.
Ngoài lý do chủ yếu nói trên, còn có nhiều lý do khác như độ cao thấp của mặt ruộng khác nhau giữa ruộng đã bán đất và ruộng chưa bán đất cũng làm mất khả năng tạo nên mô hình cánh đồng lớn, tạo lập hạ tầng nông nghiệp thống nhất, áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, gây khó cho mục tiêu giúp nông dân làm giàu trên ruộng đất của mình.
Cái hại từ góc nhìn nông nghiệp đã thấy rõ, nhưng cái hại lâu dài hơn, nặng nề hơn lại từ góc nhìn phát triển bền vững. 5 năm trước, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg (28.4.2010) về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020. Tại quyết định này, mục tiêu chung được xác định là “Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội”, và mục tiêu cụ thể là “Tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công”.
Ba năm trước, Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg (16.4.2012) về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, trong đó giao cho Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT, Bộ Tài chính, Bộ Công thương phối hợp các địa phương tiếp tục xây dựng lộ trình giảm dần việc sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công... và tăng thuế, tăng phí môi trường đối với sản xuất gạch đất sét nung.
Qua những chính sách nói trên, có thể nhìn thấy rất rõ cái hại lâu dài về tài nguyên đất và môi trường. Nếu các quyết định và chỉ thị của Thủ tướng được các địa phương thực hiện nghiêm, vượt trước thời gian thì nông dân muốn bán đất ruộng cũng không còn cơ hội. Để ngăn lại cái hại lâu dài từ bán đất ruộng, nhà nước ở T.Ư và địa phương phải tích cực hơn nữa, giúp người nông dân làm giàu bằng nông nghiệp trên chính thửa đất của họ. Lúc đó, họ sẽ không bán đất ruộng nữa mà tìm cách chăm chút hơn để ruộng của họ ngày càng màu mỡ.
Bình luận (0)