Có những địa phương, số ca mắc bệnh TCM tăng đến 803% so với năm 2010 như Vĩnh Long, hoặc Tây Ninh tăng 753%...
Với một căn bệnh mà sự lây lan của nó theo cấp số nhân, lại gây chết gần cả trăm người như thế, nhưng nhiều nơi vẫn không dám công bố dịch, thậm chí Bộ Y tế vẫn không dám gọi đúng tên của nó là “dịch”, phải đợi đến khi bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, trong buổi làm việc mới đây với các bệnh viện, hệ y tế dự phòng các tỉnh phía Nam, mới gọi đích danh bệnh TCM hiện nay đã thành “dịch”, thậm chí bà tân bộ trưởng đã phải thốt lên: “Dịch đã bùng phát chứ không còn có “nguy cơ” gì nữa!”. Nghĩa là, dịch TCM đã gõ cửa từng nhà rồi!
Dư luận lại đặt câu hỏi: Vì sao bệnh TCM đã nguy cấp như vậy mà cả các địa phương lẫn ngành y tế vẫn không dám công bố dịch và vẫn né tránh gọi đích danh? Câu hỏi này còn phải chờ đến khi “tổng kết thi đua khen thưởng chống dịch” thì mới rõ. Thế nhưng, có một thực tế lâu nay là, các địa phương và ngành chủ quản vẫn hay giấu dịch vì sợ công bố dịch thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín và thành tích của địa phương mình, ngành mình!
Có một thời, trâu bò gà vịt chết lăn quay nhưng lãnh đạo các tỉnh vẫn cấm cửa các cơ quan truyền thông không được đưa tin về sự việc này. Thậm chí dịch lở mồm long móng, trong các văn bản chỉ được viết tắt thành LMLM để đến khi “tổng kết dịch” thì quên mất tên gọi lở mồm long móng mà đọc luôn là “lờ mờ lờ mờ”!
Trở lại với việc vì sao không dám công bố dịch, ngoài những lý do kể trên, còn có một nguyên nhân nữa, đó là khi đã công bố dịch thì phác đồ điều trị và khoản chi phí chữa bệnh sẽ tăng lên, vượt “khung” của bảo hiểm y tế. Ví như điều trị một ca TCM độ 2 là 5,2 triệu, độ 3 là 27,5 triệu, độ 4 là 30 triệu, trong khi đó mức trần của bảo hiểm y tế thanh toán cho một ca TCM điều trị nội trú chỉ 1,9 triệu đồng. Dịch TCM cũng theo “cơ chế” đó mà bùng phát, vì các địa phương không dám đề xuất mua thuốc theo phác đồ mới, vừa sợ tốn kém, vừa phiền phức nhiêu khê vì phải đấu thầu do giá thuốc quá cao... Đợi đến khi dịch TCM đã nguy kịch thì mới đây, Bộ Y tế mới cho “cơ chế” phác đồ điều trị mới, lập tức phát huy ngay hiệu quả, số bệnh nhân tử vong giảm rõ rệt.
Các bệnh viện hiện đã quá tải bệnh TCM nhưng bệnh nhân vẫn ùn ùn đổ về “tuyến trên” vì y tế cơ sở, do chưa công bố dịch nên đưa lên tuyến trên cho chắc! Chúng ta đã từng đối mặt với dịch SAT, dịch cúm H5N1 và nhiều dịch bệnh khác và đã khống chế thành công thì hà cớ gì bây giờ ta lại “sợ” bệnh TCM mà lại chậm công bố dịch?
Trà Sơn
Bình luận (0)