Phải nâng cấp mình trong cuộc chơi với 'người khổng lồ' khó tính

Chí Hiếu
Chí Hiếu
07/08/2020 05:52 GMT+7

Thủ tướng nhấn mạnh Hiệp định EVFTA không có chỗ cho những doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo hay hàng hóa kém chất lượng và doanh nghiệp nội phải nâng cấp mình, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải không ngừng học hỏi.

Nỗi lo nguyên liệu phụ trợ

Hội nghị triển khai thực thi Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu diễn ra hôm qua (6.8), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngay sau khi Thủ tướng ký ban hành kế hoạch thực thi các hiệp định.
Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, “lần đầu tiên Chính phủ tổ chức riêng một hội nghị có tất cả các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương để bàn cách triển khai một FTA (hiệp định thương mại tự do) một cách đồng bộ và toàn diện. Đây là một điểm rất khác so với các FTA chúng ta đã có trước đây và vì vậy càng cho thấy vai trò và tầm quan trọng của EVFTA, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay”.
Tôi lưu ý là ngay cả cán bộ cơ quan quản lý nhà nước cần phải học hỏi, nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm, chung tay cùng DN để cam kết trong FTA và EVFTA, đem lại hiệu quả cho DN và người dân
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Để triển khai thực thi, ông Tuấn Anh cho rằng Việt Nam cần thay đổi tư duy trong việc xây dựng chính sách từ T.Ư đến địa phương. Đó là lấy doanh nghiệp (DN) làm trọng tâm và lấy chuẩn mực quốc tế làm thước đo, và có chính sách giúp DN hoạt động tốt hơn. Theo đó, đối với sản xuất công nghiệp, cần phải phát triển công nghiệp phụ trợ, giải tỏa những nút nghẽn về nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, cần hỗ trợ DN trong quảng bá, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm. “Có như vậy chúng ta mới cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu, đứng vững trên sân nhà và thâm nhập thị trường quốc tế”, ông Tuấn Anh bày tỏ.
Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho hay thước đo của việc thực hiện EVFTA là số lượng các hợp tác giữa các DN vừa và nhỏ hai bên. Nếu coi ký hiệp định là “mở ra tuyến cao tốc nối EU và Việt Nam” thì xa lộ này không chỉ cho xe siêu trường, siêu trọng mà còn cho cả các xe tải nhỏ - DN vừa và nhỏ. Để DN nội tận dụng tốt hơn cơ hội, ông Lộc cho rằng Việt Nam cần gia cố cả thể chế, cơ sở hạ tầng lẫn nguồn nhân lực. “Đây cũng chính là nền tảng của năng lực cạnh tranh, yếu tố cốt lõi để bảo đảm thành công trong hội nhập, nhất là trong cuộc chơi với “người khổng lồ”, ông Lộc nói.
Từ góc nhìn của DN, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may (Vinatex), thông tin: Ngành dệt may Việt Nam đứng thứ ba thế giới với thị phần 6%, nhưng tại châu Âu chỉ chiếm 2,2%. Trong số 8.500 DN dệt may trong nước, 85% có quy mô vốn dưới 50 tỉ đồng, vốn trên 500 tỉ đồng thì chỉ có 3%. “Trong khi đó, nếu đầu tư cho sản xuất nguyên liệu thì quy mô vốn 500 tỉ đồng là chưa đủ. Do đó, cần có chính sách thu hút FDI và cần có các khu công nghiệp được quy hoạch cho sản xuất nguyên liệu, công nghiệp phụ trợ cho dệt may”, ông Trường kiến nghị.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, cũng mong muốn Chính phủ hỗ trợ DN nội có vùng sản xuất nguyên liệu, nhất là trong bối cảnh yêu cầu về tỷ lệ nội địa để hưởng ưu đãi thuế quan rất nghiêm ngặt. Các cơ quan quản lý cũng cần hướng dẫn thêm cho DN điều kiện để hàng hóa có thể vào thị trường EU.

"Áp lực để tự nâng cấp mình"

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, EU là thị trường khắt khe, khó tính nên EVFTA không có chỗ cho những DN thiếu kiên trì, không sáng tạo, hàng hóa kém chất lượng. “EVFTA sẽ mở ra cơ hội để VN đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các DN tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới, khó hơn nhưng cũng công bằng để vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối của EU và toàn cầu”, Thủ tướng nói và không quên nhấn mạnh: “Dù xe tải hay xe khách, đại bàng hay chim sẻ sẽ cùng đi, cùng bay trên cao tốc ấy”.
Để tận dụng tốt hơn hiệu quả của hiệp định này, Thủ tướng cho rằng cần có chất lượng thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng, quy mô sản xuất nhỏ và cả công tác tuyên truyền về hội nhập. Cụ thể, Thủ tướng cho hay Chính phủ vừa ban hành kế hoạch hành động gồm 5 nhóm nhiệm vụ với 41 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương và DN. Trong đó, vai trò của Chính phủ, các bộ là xây dựng, hình thành các quy hoạch phát triển gắn với hệ thống kết cấu hạ tầng; tiếp tục cải cách thể chế tốt hơn nữa để phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước cũng như thực thi tốt hiệp định EVFTA... “Tôi lưu ý là ngay cả cán bộ cơ quan quản lý nhà nước cần phải học hỏi, nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm, chung tay cùng DN để cam kết trong FTA và EVFTA, đem lại hiệu quả cho DN và người dân”, Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, chủ thể chính quyết định việc tận dụng hiệp định hiệu quả vẫn là DN, và đối với một FTA thế hệ mới như EVFTA thì DN cũng phải thay đổi tư duy, đó là phải có sự hợp tác, phải liên kết chuỗi vì riêng rẽ từng DN khó có đủ sức mạnh cạnh tranh. Bên cạnh đó, EVFTA còn có yêu cầu về phát triển bền vững, có tiêu chuẩn cao, không chỉ về nâng cao hiệu quả kinh tế, mà đi đôi với các yêu cầu khắt khe về làm tốt hơn nhiệm vụ, trách nhiệm xã hội, lao động, việc làm và bảo vệ môi trường
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.