Giới lãnh đạo, các nhà quản lý giáo dục từ trung ương đến địa phương, từ trường phổ thông đến đại học đều có những phân tích khoa học về yêu cầu cần phải đổi mới.
Nhưng có lẽ ít ai quan tâm và lắng nghe ý kiến của những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những thay đổi các chính sách giáo dục, đó là học sinh và phụ huynh.
Họ không hiểu sâu xa như các lãnh đạo ngành giáo dục nhưng họ biết rằng mỗi khi có thay đổi chính sách, đặc biệt là thi cử, họ đều bất an và thậm chí có lúc gần như “lên đồng”, như ở kỳ xét tuyển ĐH năm 2015. Những chuyên viên hay cấp quản lý tuyển sinh của Bộ GD-ĐT từng đồng hành với báo chí thực hiện các chương trình tư vấn đều biết rõ thí sinh có rất nhiều thắc mắc về chuyện thi cử. Trong khi đó, do việc tuyển sinh thay đổi liên tục nên giáo viên, nhân viên các trường phổ thông, thậm chí cả sở GD-ĐT đều rất lơ mơ với những điểm mới trong thi cử, dẫn đến tư vấn sai, nhiều khi gây ra hậu quả đáng tiếc.
Chỉ mỗi chuyện thi mà phải mò mẫm, bối rối từ thi riêng, “3 chung”, “2 trong 1” rồi có thể tuyển sinh riêng và không biết bao giờ mới ổn định.
tin liên quan
Thay đổi thi tốt nghiệp và tuyển sinh như thế nào?Dự kiến năm 2017, Bộ GD-ĐT sẽ thay đổi kỳ thi THPT quốc gia hiện nay theo hướng giao quyền chủ động cho các trường ĐH và địa phương.
Trước năm 2002 các trường ĐH tổ chức thi tuyển riêng. Năm 2002 bắt đầu thực hiện “3 chung” (chung đợt thi, chung đề và dùng chung kết quả). Năm 2015, lần đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp gộp vào với xét tuyển ĐH, CĐ thành kỳ thi THPT quốc gia nhằm mục tiêu “2 trong 1”, tức vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
Cuối tháng 12.2014, trong khi chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên, trả lời báo chí, ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lúc bấy giờ, khẳng định quy chế thi THPT quốc gia năm 2015 sau khi hoàn chỉnh sẽ giữ ổn định đến năm 2021.
Thế nhưng tại cuộc họp với lãnh đạo các sở GD-ĐT 5 thành phố lớn vào cuối tháng 6.2016, trước ý kiến của các sở đề nghị nên giao kỳ thi THPT về các địa phương, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng GD-ĐT, cho biết sẽ xem xét, lấy ý kiến để thực hiện, trong năm học mới sẽ có quyết định chính thức. Tháng 8.2016, Sở GD-ĐT TP.HCM tuyên bố Bộ đồng ý với đề xuất của thành phố này được tự công nhận tốt nghiệp THPT bắt đầu từ năm học 2016 - 2017. Động thái này cùng với tuyên bố Bộ đang nghiên cứu xây dựng phương án tuyển sinh tối ưu và sẽ sớm công bố vào đầu năm học cho thấy kỳ thi THPT quốc gia sau 2 năm thực hiện, nhiều khả năng sẽ không còn.
Ai cũng biết cần phải thay đổi nhưng năm học mới đã bắt đầu mà vẫn cứ tranh luận giao hay không giao về địa phương, quyền tự chủ tuyển sinh... Giáo dục đâu chỉ để học sinh lo đối phó với chuyện thi cử mà quan trọng là tạo nên những người trẻ có tri thức, tư duy độc lập, phản biện, tinh thần sáng tạo, nhưng với cách vận hành của nền giáo dục hiện nay thì mục tiêu đó còn quá xa vời.
Bình luận (0)