Ngày 5.12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và tổ ĐBQH đơn vị bầu cử số 1 tiếp xúc cử tri Q.1 và Q.3 (TP.HCM) để báo cáo kết quả kỳ họp lần thứ 10 QH khóa 13.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi cử tri TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Có 22 cử tri phát biểu với tâm trạng đầy lo lắng và cả bất bình khi nêu lên nhiều vấn đề nổi cộm. Cử tri Trần Quang Tuấn bức xúc: “Nói tham nhũng là giặc thì không thể giải quyết bằng cách phê và tự phê được mà phải trừng trị nghiêm minh, triệt tiêu tham nhũng”. Đồng tình với quan điểm này, cử tri Lê Thanh Tùng đề nghị giải quyết triệt để nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí...
Ghi nhận, tiếp thu đầy đủ ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ: “Tôi lo nhất, nói thật với các đồng chí là câu chuyện tham nhũng. Đi đâu cũng nghe kêu và ai cũng nói. Làm cũng được nhiều việc nhưng đẩy lùi thì chưa ai dám nói, đạt yêu cầu thì chưa ai dám nói. Tại sao một tờ giấy phép phải xin mười mấy tháng mà cũng chưa có. Phải đáng suy nghĩ chứ”. Ông nói thêm: “Chúng tôi thấy trách nhiệm của chúng tôi cũng không tròn với việc phòng chống tham nhũng này. Người ta thống kê xếp mình vào nhóm nhiều tham nhũng so với thế giới. Nhìn mà buồn lắm, xấu hổ, nhục lắm, chứ có vinh gì đâu. Tham nhũng cao như vậy bê bối quá, không chấp nhận được”.
Doanh nghiệp nhà nước nợ rất nhiều
Về vấn đề nợ công mà cử tri chất vấn, Chủ tịch nước khẳng định QH và T.Ư Đảng đang chấn chỉnh, bởi đây là một vấn đề rất hệ trọng vì năm nào cũng vay thêm, năm sau vay nhiều hơn năm trước, thậm chí vay để đảo nợ...
Trước nhiều ý kiến của cử tri về tình trạng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm ăn không hiệu quả, trong khi được ưu đãi rất nhiều, Chủ tịch nước cho rằng đây cũng là một vấn đề đại sự. “Thành tựu của khối DNNN hết sức quan trọng nhưng hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm còn nhiều, phải tiếp tục tháo gỡ, tái cơ cấu để tăng hiệu quả, sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập. Quy mô vốn trong nền kinh tế chiếm đến 50 - 60%, đóng góp GDP khoảng 30%. So với các thành phần kinh tế thì lĩnh vực này hiệu quả thấp, có thể thấp nhất, thấp nhì”, ông đánh giá.
“Anh được ưu tiên ghê gớm mà hiệu quả thấp là bực dọc. Nợ nần rất là nhiều. Nợ xấu rất là nhiều. Tiêu cực, tham nhũng cũng khá nhiều”, Chủ tịch nước nói và khẳng định thời gian qua có làm một số việc “nhưng nhìn chung, theo tôi thì bản chất vấn đề (tái cơ cấu khu vực DNNN - PV) là chưa giải quyết được một cách triệt để, chưa đạt yêu cầu. Số lượng DNNN có giảm đi... nhưng làm sao mà hiệu quả của nó cao nhất cùng với nguồn vốn lớn nhất, được ưu tiên nhất là chưa đạt được”.
Đừng quên những hạn chế
Giải trình nhiều vấn đề nổi cộm khác mà cử tri chất vấn, Chủ tịch nước đánh giá công tác quản lý xã hội còn lắm vấn đề, quản lý nhà nước còn nhiều yếu kém; tuy có chấn chỉnh nhưng kết quả mang lại chưa được như mong muốn. “Thực phẩm bẩn rất là sợ, đi đâu cũng nghe nói, từ đồng bằng đến vùng sâu vùng xa đều nói gắt gao, cơ quan chức năng cũng có chấn chỉnh liên tục, mà nghe ra chưa nguôi gì”, ông nói và cảnh báo: “Thật sự đây là một chuyện ngày càng bộc lộ nhiều yếu kém, còn quá nhiều vấn đề trên nhiều lĩnh vực, nhìn lĩnh vực nào, ngành nào cũng có chuyện hết trọi. Cách quản lý thế này mà không thay đổi là nguy hiểm ghê gớm, không phải chuyện đơn giản. Đổ vỡ thật sự chứ không đơn giản”. Theo Chủ tịch nước, chăn nuôi mà dùng chất cấm, trồng trọt, buôn bán thực phẩm mà tẩm, nhúng vào hóa chất, phun thuốc trừ sâu độc hại... để trục lợi là vô đạo đức, phải xử lý hình sự.
Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước khẳng định: “Thăng tiến của đất nước sau 30 năm đổi mới là một thành quả phải khẳng định, vui mừng, phấn khởi, tự hào là đúng, nhưng đừng quên những hạn chế, yếu kém của đất nước; đừng quên là nợ công tăng lên rất nhanh”. “Cứ nói ưu mà giấu khuyết thì dân càng mất niềm tin. Phải nói đúng sự thật cho dân biết. Giải quyết triệt để những vấn đề yếu kém là một chuyện rất lớn, nhưng trước mắt là phải khá lên”, Chủ tịch nước lưu ý.
Theo Chủ tịch nước, một vấn đề nghiêm trọng mà lặp đi lặp lại, làm mãi không xong, trước hết nhìn ngay nội bộ của mình, bộ máy của mình, con người của mình. Chủ tịch nước đúc kết: “Một công dân tốt hơn một cán bộ xấu”.
“Càng nói chúng tôi càng thấy lỗi trách nhiệm của chúng tôi ghê gớm. Cai quản đất nước mà để lắm vấn đề thế này thì có lỗi ghê gớm. Trách nhiệm trước hết thuộc về chúng tôi. Mình phải nói lên sự thật”, Chủ tịch nước thẳng thắn và nói thêm: “Các đồng chí, cử tri rầy chúng tôi, phê bình chúng tôi thì chúng tôi nhận thôi, nhưng mà mỗi người chúng ta ngồi đây, ở cương vị có khác nhau, hãy nhìn ngay địa bàn mình, ngành mình, chỉ ra những hạn chế, yếu kém để giải quyết dần dần. Mà toàn quốc làm như vậy thì cơ thể đất nước nhẹ nhõm đi”.
“Mong bà con cô bác và các đồng chí, chúng ta cố gắng góp sức, bày tỏ chính kiến, hành xử vì đất nước phát triển tốt đẹp hơn”, Chủ tịch nước kêu gọi.
Đấu tranh phản bác “đường lưỡi bò”
Trước chất vấn của cử tri về hàng loạt hành động hung hăng, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Trước hết thái độ, quan điểm của Đảng và Nhà nước, là chúng ta không bao giờ thừa nhận hành vi của Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa và một phần Trường Sa - hai quần đảo thuộc chủ quyền của Tổ quốc VN”. “Chúng ta luôn đấu tranh phản bác đường lưỡi bò hết sức phi lý của Trung Quốc”, ông nhấn mạnh.
|
Bình luận (0)