Xung quanh việc quản lý tiền công đức tại các đền chùa, Thanh Niên đăng ngày 12.3, đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc, trong đó hầu hết cho rằng phải minh bạch và sử dụng có ý nghĩa số tiền công đức này.
Ưu tiên cho tu bổ, tôn tạo
Khi đời sống ngày càng sung túc hơn, số lượng du khách thập phương đi thăm, chiêm ngưỡng, lễ bái tại các đền chùa càng nhiều hơn và số lượng tiền cung tiến, công đức ở các đền chùa là rất lớn. Vì vậy, tại Ban quản lý các di tích hoặc sư trụ trì các chùa càng cần phải có kế hoạch sử dụng số tiền này có ý nghĩa và hợp lý. Theo tôi, cần phải ưu tiên cho việc tôn tạo, tu bổ các di tích, đền chùa và chi phí cho quản lý, làm sao để du khách mỗi mùa lễ hội đến những nơi này thật sự thoải mái tinh thần, không bị vướng bận lo âu vì những chuyện nhếch nhác thỉnh thoảng lại xảy ra ở một số nơi. Tuệ Ấn (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Biển thủ là có tội lớn
Hầu hết phật tử hoặc du khách khi đến những nơi tôn nghiêm như đền chùa đều bày tỏ lòng thành kính. Vì vậy, phải xem đó là ý nguyện cũng như sự di dưỡng tinh thần cho các thế hệ sau noi theo, hướng tới cái thiện. Mặt khác, cung tiến công đức cũng là một khía cạnh văn hóa từ ngàn đời nay của dân tộc Việt. Do đó, nếu biển thủ số tiền này sẽ là một tội rất lớn.
Hành vi ấy là sự xúc phạm đến cử chỉ đẹp, văn hóa của nhiều người. Về mặt pháp luật, tất nhiên là sẽ bị xử lý, nhưng còn đối với lương tâm, đó là một cái án khác, khiến cho người vi phạm khó yên ổn về mặt tinh thần. Trương Thị Dung(dungtruong47@gmail.com)
Phải tính lại chuyện quản lý
Một cơ sở, di tích mang dấu ấn tín ngưỡng, tâm linh mà có quá nhiều cấp quản lý thì thật lộn xộn. Sự chồng chéo tất yếu sẽ xảy ra và kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy khác như tranh chấp quyền lợi, đức tin sẽ bị xói mòn trong mắt du khách... Ở một khía cạnh khác, sự xung đột lợi ích từ nguồn thu của các cơ sở này cũng sẽ khiến sự ngưỡng vọng tâm linh bị xúc phạm. Đây là điều cần phải chấn chỉnh, vì vậy phải tính đến chuyện quản lý tại các di tích, đền chùa là việc cấp thiết nên làm. Nguyễn Dũng (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Nên làm từ thiện
Số tiền du khách cung tiến quá lớn ở các đền chùa nên được trích một phần làm từ thiện. Tôi cho rằng làm từ thiện sẽ đúng với ý nghĩa và tâm nguyện cứu vớt chúng sinh của nhà Phật. Hiện nay, có quá nhiều cảnh đời ngặt nghèo, bất hạnh cần sự chìa tay cứu giúp của xã hội. Tiền từ hòm công đức biến thành gạo cứu đói, áo ấm cho trẻ nhỏ hoặc giúp cho bữa ăn từ thiện tại các bệnh viện... sẽ làm ấm lòng những kẻ bất hạnh. Đó cũng là gieo thêm mầm nhân đức, hướng thiện cho con người. Tâm (thientam@gmail.com)
Ban CTBĐ
(tổng hợp)
Bình luận (0)