Sáng 23.1, tại hội nghị triển khai Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 và kết luận Hội nghị T.Ư 6 về đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm tới chất lượng người thầy và coi đó là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục.
|
Có chính sách thu hút học sinh giỏi
Ông Trần Trọng Đắc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình, tỏ ra sốt ruột khi cho rằng thành bại của đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015 là phải có đội ngũ giáo viên đáp ứng được những yêu cầu đổi mới. Do vậy, ông đề nghị Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành kế hoạch cụ thể về 2 vấn đề. Đó là bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện có và triển khai đào tạo ở hệ thống các trường sư phạm, tránh tình trạng giáo sinh ra trường phải bồi dưỡng lại để các sở GD-ĐT có căn cứ nhằm tham mưu với chính quyền địa phương về cách làm.
Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Nam Định, cho rằng nếu không có chính sách thu hút được học sinh giỏi vào trường sư phạm, nếu vẫn chỉ tuyển học sinh trung bình như hiện nay thì dù có bàn đi bàn lại cũng không giải quyết được vấn đề chất lượng giáo viên. Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó hiệu trưởng ĐH Vinh, đề nghị: “Bộ cần cụ thể hóa 7 chương trình phát triển hệ thống trường sư phạm hiện có và sắp tới cần có giải pháp quyết liệt: Có các chính sách để thu hút học sinh giỏi vào trường sư phạm; Giải quyết tốt việc làm cho giáo sinh sau khi tốt nghiệp, thay đổi chính sách về thang bảng lương đối với đội ngũ nhà giáo, tránh tình trạng lương nhà giáo còn thấp hơn nhiều khi so sánh với một số ngành nghề khác như hiện nay”.
Đổi mới từ trường sư phạm
|
Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thừa nhận: “Việc đào tạo trong trường sư phạm hiện nay nhìn chung chưa gắn liền với thực tế, với chương trình giáo dục phổ thông. Người thầy đóng vai trò quan trọng nhất trong chất lượng giáo dục nên đổi mới giáo dục phổ thông phải bắt đầu từ các trường sư phạm”. Ông Minh cũng trăn trở về thực trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa hệ thống các trường sư phạm hiện nay. Ông cho rằng do tuyển dụng đánh đồng bằng cấp với chất lượng nên một số trường đầu vào rất thấp nhưng khi ra trường thì lại có tỷ lệ bằng khá giỏi rất cao.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng bày tỏ trăn trở về số giáo viên chưa đạt chuẩn hiện nay và thừa nhận: “Ngay cả một bộ phận giáo viên đã đạt chuẩn nhưng thực ra mới chỉ “chuẩn” về mặt bằng cấp. Bộ đã có chương trình phát triển chất lượng giáo viên và hệ thống các trường sư phạm”. Ông Luận hứa: “Sắp tới sẽ quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm và có đầu tư phù hợp hơn cả về kinh phí cũng như về đội ngũ cán bộ, giảng viên. Sẽ có sự thay đổi căn bản về phương thức đào tạo ở hệ thống trường này, trước mắt là hai trường ĐH sư phạm trọng điểm để có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục sau 2015”.
Có chính sách tuyển dụng, đánh giá hợp lý
Hiện nay nhiều địa phương gặp khó khi luân chuyển, điều động giáo viên bởi UBND huyện, thành phố quản lý tổ chức bộ máy, biên chế giáo viên từ mầm non đến THCS nên việc tuyển dụng, tiếp nhận là do các địa phương quyết định. Hơn nữa, lâu nay việc luân chuyển chưa có sự chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất từ các cơ quan chính quyền và cơ quan quản lý giáo dục của tỉnh. Ngành giáo dục chỉ là cơ quan tham mưu.
|
Đại diện Sở GD-ĐT Nam Định nêu thực tế: “Đội ngũ của chúng ta nhưng lại do ngành khác điều hành. Việc điều động, luân chuyển giáo viên cũng không phải do ngành giáo dục quyết định. Muốn làm được điều này thì phải đổi mới quản lý giáo dục, trao quyền tự chủ cho ngành”. Vì thế, ông Trần Văn Quý, Giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình, đề nghị: “Phải phân cấp lại cách quản lý, nên theo mô hình quản lý theo ngành dọc như ngành y tế hiện nay thì mới có thể điều động, luân chuyển giáo viên theo đúng nhu cầu được”.
Chia sẻ vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, phát biểu: “Cơ quan tuyển dụng và sử dụng giáo viên khác biệt nhau như hiện nay là rất khó cho ngành. Ngành không chủ động trong thi tuyển giáo viên mà cũng không có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc thi nâng bậc, nâng ngạch của giáo viên”. Ông Luận chỉ ra thực tế, theo quy định hiện hành, phụ cấp thu hút giáo viên làm việc ở vùng khó khăn chỉ trong 5 năm. Trên thực tế, nhiều giáo viên sau 5 năm không có điều kiện luân chuyển về vùng thuận lợi, vẫn tiếp tục công tác ở vùng khó khăn nhưng không còn được hưởng phụ cấp. Bộ đề nghị tiếp tục có phụ cấp thu hút cho các nhà giáo này để khắc phục bất hợp lý khi nhà giáo có thâm niên làm việc lâu năm ở vùng sâu vùng xa lại có thu nhập thấp hơn nhà giáo vừa ra trường lên công tác ở cùng trường.
Trước thực tế này, chiến lược phát triển GD-ĐT 2011-2020 đề ra những yêu cầu nhằm tạo động lực cho nhà giáo. Chẳng hạn thay đổi chính sách tuyển dụng, đánh giá, chế độ đãi ngộ, khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh; thu hút các nhà khoa học, giảng viên giỏi trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu khoa học và giảng dạy ở các trường ĐH.
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)