Sau khi Bộ Công an lên tiếng về 58 trường hợp thí sinh đạt đến 29,5 điểm vẫn trượt đại học (ĐH), nhiều người ngỡ ngàng vì điểm thi quá cao mà điểm học bạ thì không đạt. Trong khi đó, cũng có tới 165 thí sinh đạt 27 điểm thực (tổng cộng 3 môn, chưa tính điểm ưu tiên) trở lên, trong đó 3 em trên 28 điểm nhưng không trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển nào đã khiến dư luận băn khoăn.
Nghịch lý này khiến nhiều người đặt vấn đề: Có phải đề thi quá dễ đến nỗi không phân loại được thí sinh trung bình, khá, giỏi, hay vẫn còn tình trạng ở một số nơi coi thi chưa thực chất? Vậy kỳ thi tốt nghiệp THPT liệu có còn phù hợp để làm căn cứ tuyển sinh?
Chỉ tính riêng kỳ tuyển sinh ĐH, sau phương thức “3 chung”, đến “2 trong 1” - vừa xét tốt nghiệp, vừa phục vụ tuyển sinh, những sai sót và tiêu cực vẫn lộ ra từng năm. Những năm gần đây, từ khi thay đổi phương thức tuyển sinh “2 trong 1” thì năm nào cũng có chuyện thí sinh thi 3 môn đạt 30 điểm vẫn trượt ĐH. Nguyên nhân có thể kể đến việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT để xét tuyển ĐH chưa thật sự phù hợp để phân loại học sinh giỏi, xuất sắc. Bởi lẽ, ở nhiều địa phương, việc coi thi và chấm thi chưa nghiêm túc, rất dễ xảy ra tiêu cực.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT sử dụng chỉ cho mục đích tốt nghiệp. Việc xét hay thi tốt nghiệp THPT nên giao về địa phương chủ trì và tổ chức đánh giá theo chuẩn đầu ra của chương trình.
Trong khi đó tổ chức một kỳ thi tuyển sinh ĐH riêng vừa tốn kém, vừa đòi hỏi kỹ thuật cao, trong khi tính hiệu quả chưa có gì đảm bảo. Vì vậy, việc các trường dè dặt, chưa dám tổ chức một kỳ thi riêng, có quy mô đủ lớn là điều dễ hiểu. Hơn nữa, việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT tuy còn một số bất cập nhất định nhưng hệ số an toàn cao hơn, vẫn tuyển sinh được đủ chỉ tiêu nên nhiều trường vẫn chọn phương thức này dù đã được giao quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh.
|
Trước mắt, trong kỳ tuyển sinh tới, nếu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, các trường nên có “bộ lọc”, tức là xét cả điểm học bạ lớp 10, 11, 12 của thí sinh. Với kỳ thi này, có thể xét tuyển chung theo nhóm trường, đồng nghĩa với việc nhiều trường ĐH có thể dùng chung kết quả để xét tuyển; không nên để các trường tuyển sinh kiểu “trăm hoa đua nở”, trường nào cũng tổ chức thi tuyển sinh.
Bên cạnh đó, các trường ĐH cần giảm dần sự phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp mục đích và chuẩn chất lượng của mình. Các trường có thể liên kết thành từng nhóm tổ chức kỳ thi phù hợp với yêu cầu ngành nghề đào tạo để tuyển được thí sinh thực chất nhất, phù hợp nhất. Lẽ dĩ nhiên một số trường ĐH trọng điểm, các ngành nghề mang tính chất đặc thù, thực hiện nhiệm vụ chính trị vẫn có thể kết hợp áp dụng những kỳ thi riêng, kỳ thi năng khiếu sao cho phù hợp mục tiêu đào tạo của mình.
Để hạn chế tình trạng này, vấn đề thi cử và tuyển sinh cần được đặt ra ở tầm quốc gia, với tầm nhìn và những bước đi thật chắc chắn. Cụ thể, Bộ GD-ĐT cần rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quy trình xét tuyển sinh; tiến tới hình thành các tổ chức, trung tâm khảo thí độc lập với ngân hàng đề thi chuẩn hóa, thi trên máy tính, bảo đảm minh bạch, công bằng giữa các lần thi…
Bình luận (0)