Phải thấy trách nhiệm

27/12/2015 05:30 GMT+7

Chuyện hàng ngàn người bế con chen nhau để bốc số chờ tiêm vắc xin ở Hà Nội, gây ra cảnh hỗn loạn khiến lực lượng công an phải vào cuộc giữ trật tự.

Chuyện hàng ngàn người bế con chen nhau để bốc số chờ tiêm vắc xin ở Hà Nội, gây ra cảnh hỗn loạn khiến lực lượng công an phải vào cuộc giữ trật tự.

Nhưng rồi các cháu vẫn không được tiêm, khiến người dân bức xúc cao độ, có người bật khóc. Một sự việc chưa từng xảy ra trong chủng ngừa tại VN!

Phải nói rõ là, việc thiếu vắc xin dịch vụ “5 trong 1” ngừa các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib và một số vắc xin dịch vụ khác, không chỉ xảy ra gần đây mà đã nhiều năm nay. Mỗi trẻ cần tiêm 3 mũi “5 trong 1”, nhiều trẻ tiêm được mũi đầu, vắc xin hết, khiến người lớn rất lo lắng (vì để quá lâu tiêm lại sẽ giảm, hoặc không còn tác dụng). 
3 năm trở lại đây, những ai có con nhỏ đều phải chạy đôn chạy đáo hỏi, thậm chí nhờ cậy để có được mũi vắc xin tiêm cho con. Kiếm được mũi nào, mừng mũi đó! Chờ mỏi mòn không có, những gia đình có điều kiện phải đưa con sang nước ngoài tiêm ngừa!
Vì sao vắc xin dịch vụ lại thiếu triền miên; tại sao các công ty không nhập về bán, đắt khách lắm kia mà? Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan (Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM), là vì cơ quan quản lý không quan tâm, cứ cho rằng vắc xin dịch vụ thì để thị trường điều tiết, nhà nước chỉ lo vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Vì vậy, cơ quan quản lý không có sự tính toán, dự trù lượng trẻ cần tiêm vắc xin dịch vụ hằng năm để làm việc với các công ty cung ứng, đưa vắc xin về VN.
Các nước người ta tính toán kỹ nên họ không thiếu hụt vắc xin trầm trọng, kéo dài như VN. Bên cạnh đó, thời gian qua, vắc xin “5 trong 1” của Hàn Quốc trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (tiêm miễn phí) thi thoảng xảy ra sự cố sau tiêm, khiến các gia đình lo ngại không dám cho trẻ sử dụng, nên càng làm gia tăng lượng tiêm dịch vụ - điều này cơ quan quản lý cũng không có sự lường trước để ứng phó tình huống.
Vì sao một vài công ty lớn (có văn phòng đại diện tại VN) không tranh thủ đưa vắc xin về VN bán trong lúc cung không đủ cầu? Câu trả lời là vì họ bị khống chế giá, lợi nhuận không nhiều, trong khi thủ tục, giấy tờ, xin phép nhập khẩu vắc xin là rất lâu, việc bảo quản cũng khó khăn hơn so với các thuốc khác.
Các chuyên gia cho rằng, trong tình cảnh vắc xin dịch vụ thiếu hụt trầm trọng, kéo dài, cơ quan quản lý cần có sự linh động để ứng phó tình huống cấp bách - đó là: làm việc với các nhà cung ứng để họ có thể đưa vắc xin từ các nước khác đã mua còn dư nhiều về VN; giải quyết nhanh các thủ tục, giấy tờ cấp phép nhập khẩu vắc xin. Ngay khi có lượng vắc xin về cũng hoàn toàn có thể sắp xếp lịch tiêm chủng theo đăng ký, công khai, ưu tiên theo mũi tiêm số mấy… Tất cả đều nằm ở vai trò và trách nhiệm của nhà quản lý, chứ không phải vì vắc xin được sản xuất ra quá hiếm đến nỗi phải chen lấn giành giật nhau mới có.
Tuy nhiên, về lâu dài, ngay chính cán bộ trong ngành y như PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, cũng cho rằng cơ quan quản lý phải thấy trách nhiệm của mình trong việc để người dân lo lắng vì chuyện thiếu hụt vắc xin kéo dài. Từ đó có kế hoạch dự trù nhu cầu vắc xin hằng năm. Việc tính toán, ước lượng con số trẻ cần tiêm vắc xin là không khó, vì đã có số trẻ sinh ra mỗi năm, trẻ mỗi độ tuổi cũng đã có thống kê, lượng trẻ tiêm dịch vụ cũng có thể thống kê được từ các cơ sở trong thời gian qua…
Vắc xin hay những vấn đề liên quan đến sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em, không thể cho rằng cứ để thị trường tự điều tiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.