Hội thảo có sự tham dự của gần 500 đại biểu là lãnh đạo các tỉnh thành phía nam, nhà khoa học...; thu hút gần 90 tham luận.
|
“Nếu không mang lại điện, tôi sẽ xin từ chức”
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng trải qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc và trên 30 năm xây dựng đất nước hòa bình. Ông được nhìn nhận là con người của những quyết sách lớn, dấu ấn được khắc ghi bằng những công trình thế kỷ: đường dây tải điện 500 kV bắc - nam, dự án thoát lũ ra biển tây, ngọt hóa ĐBSCL, đường Hồ Chí Minh, Nhà máy lọc dầu Dung Quất...
Đề cập đến vấn đề sử dụng trí thức trong công cuộc đổi mới, ông Nguyễn Trọng Minh, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhìn nhận cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đưa ra những quyết định quan trọng dựa trên sự lắng nghe. Nhiều quyết sách của cố Thủ tướng được đưa ra vào những thời điểm “nhạy cảm”, có tính chất bản lề, quyết định sự phát triển tương lai của đất nước. Trong số đó, có lẽ ấn tượng nhất là quyết định tiến hành xây dựng đường dây tải điện 500 kV bắc - nam. Ông Minh dẫn chứng: “Ban đầu khi đưa ra bàn bạc, ý định trên gặp phải rất nhiều sự phản đối. Các ý kiến phản bác tỏ ra quan ngại về khía cạnh khoa học - kỹ thuật cũng như hiệu quả kinh tế mà đường dây mang lại vì trên thế giới, nhiều nơi chỉ làm khoảng 500 km là cùng. Trong khi đó đường dây tải điện 500 kV bắc - nam dài hơn 1.500 km, đi qua địa bàn 14 tỉnh, thi công trong những điều kiện hết sức phức tạp đòi hỏi trình độ kỹ thuật rất cao. Đó là những trở ngại không nhỏ đối với việc xây dựng đường dây”.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Minh, đứng trước những vấn đề trên, nhà lãnh đạo đã đi khảo sát nhiều nơi, hỏi ý kiến nhiều người, trong đó có các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này như Giáo sư - viện sĩ Trần Đình Long, Hồ Sĩ Thoảng... Trao đổi và làm việc một cách tỉ mỉ, thẳng thắn trên tinh thần bình đẳng với họ để rồi đi đến quyết định thực hiện một công trình tưởng chừng như “không tưởng”. Trước các chuyên gia, Thủ tướng nói dứt khoát: “Các anh chịu trách nhiệm trước Chính phủ về yếu tố khoa học của đường dây, còn Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm phần còn lại”. Trước Quốc hội, ông tuyên bố: “Nếu không mang lại điện, tôi sẽ xin từ chức”.
Phát huy dân chủ
Dẫn truyền thống lịch sử Việt Nam với bài học xuyên suốt là giữ nước và dựng nước phải luôn dựa vào dân, lấy dân làm gốc; từ khi Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn sắp mất, ông đã nói với vua Trần Anh Tông với đại ý: dùng binh phải đồng lòng như cha con một nhà thì mới có thể đánh được. Cách ấy cốt nhằm thời bình thì khoan thư sức dân, để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả. Đến Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhắc về câu nói của người xưa: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”, PGS-TS Phạm Ngọc Anh, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia TP.HCM đánh giá: “Võ Văn Kiệt lại tiếp nối một cách đầy hiệu quả theo cách riêng của mình”. Theo PGS-TS Phạm Ngọc Anh, cố Thủ tướng từng cho rằng: “Thi hành một hệ thống chính sách xã hội hướng tới con người là một biện pháp hết sức quan trọng để phát huy các nguồn lực vốn có của họ”, bởi vì ông cũng đã từng chỉ rõ: “Đạo nghĩa là chính sách của Chính phủ đối với dân chúng - chính sách này phải hợp với quyền lợi của dân chúng. Đối với dân, Chính phủ phải thi hành một nền chính trị liêm khiết như cải thiện đời sống của dân, cứu tế thất nghiệp, phát triển kinh tế, văn hóa... Có như thế, dân mới đoàn kết chung quanh Chính phủ”.
Theo TS Phạm Văn Bính, điều mà cố Thủ tướng luôn suy nghĩ trăn trở cho đến lúc qua đời là nguy cơ Việt Nam tụt hậu càng xa và nghèo nàn dai dẳng. Để khắc phục điều này, cố Thủ tướng cho rằng: “Đất nước Việt Nam, giang sơn Việt Nam cùng mọi thành quả của nền văn hóa Việt Nam không phải của riêng ai, của một giai cấp hay đảng phái nào, mà là tài sản chung của mọi người Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam...”. Nghĩa là phải phát huy dân chủ cao độ, thực hành dân chủ thực sự, hòa hợp dân tộc rộng rãi, mọi người Việt Nam không chỉ là chủ đất nước mà phải làm chủ thực sự, phải được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và được thụ hưởng thành quả dân chủ. Được chứ không phải là cho.
Đình Phú
Bình luận (0)