|
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, sau 20 năm ra đời và phát triển, giáo dục đại học ngoài công lập đã góp phần nâng cao năng lực giáo dục đại học, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân. Việc hình thành và phát triển giáo dục đại học ngoài công lập trong thời gian qua không chỉ tạo công việc cho hàng nghìn cán bộ, giảng viên, mà còn tạo cơ hội cho hàng trăm nghìn người được tiếp nhận học vấn đại học và trên đại học.
Đặc biệt, các trường đã huy động được nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục đại học. Từ số vốn đầu tư khiêm tốn của 5 trường đại học đầu tiên, đến nay, tổng số vốn điều lệ đăng ký thành lập của các trường đại học, cao đẳng NCL đã lên tới 1.555 tỉ đồng.
Cũng theo đánh giá của Bộ GD-ĐT thì sự phát triển của hệ thống các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập không những đã hình thành mô hình mới về quản trị đại học, mà còn góp phần hoàn thiện lý luận về quản lý và làm phong phú thực tiễn giáo dục đại học Việt Nam.
Bị đối xử bất công
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã phản ảnh nhiều bất cập trong quy định cũng như việc thực hiện chính sách đối với trường ngoài công lập, đặc biệt là tình trạng bị đối xử không công bằng. GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho biết: Một bất cập lớn là sự phân biệt đối xử giữa sinh viên công lập và ngoài công lập về chính sách đãi ngộ của nhà nước. Sinh viên công lập thì được nhà nước cấp học bổng, được hỗ trợ 60-70 % chi phí đào tạo, chỉ đóng một mức học phí rất thấp so với chi phí đó. Còn các SV ngoài công lập cũng là một công dân có đầy đủ nghĩa vụ và quyền lợi như các sinh viên công lập nhưng không được nhà nước đãi ngộ. Mặt khác họ còn phải gánh thuế do nhà trường phải nộp thuế cho nhà nước. Sự bất công phi lý này đã tồn tại nhiều năm mà không ai đứng ra xem xét, khắc phục.
GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường dân lập Hải Phòng tỏ ra bức xúc trước thực trạng nhiều đơn vị, tổ chức đã từ chối tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp trường ngoài công lập. GS Nghị nói: “Vì sao các đơn vị tuyển dụng không tổ chức thi cử đàng hoàng để chọn được những người đủ năng lực mà lại từ chối ngay từ đầu. Đây là một việc không thể chấp nhận. Bị từ chối tuyển dụng thì nếu tôi có con đi học tôi cũng không bao giờ cho con vào học trường ngoài công lập. Còn nhà trường thì không ai dám đầu tư nữa, vì đầu tư mà không có người học thì trường sẽ chết!”.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những đóng góp của trường ngoài công lập và bày tỏ quan điểm hết sức quyết liệt về việc cần phải thực hiện chính sách công bằng với các trường ngoài công lập. Ông Đam đã ví von các trường công lập được xem là con đẻ còn trường ngoài công lập được xem là con nuôi. “Tuy nhiên trong một gia đình có cả con đẻ và con nuôi thì đôi khi con nuôi còn được ưu tiên hơn con đẻ!”.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT phải thực hiện triệt để công bằng, bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử giữa trường công và tư.
>> Đồng tiền chi phối, đại học tư bất ổn - Kỳ 3: Thay đổi những quy định không hợp lý
>> Đồng tiền chi phối, đại học tư bất ổn - Kỳ 2: Nhập nhằng lợi ích công, tư
>> Đồng tiền chi phối, đại học tư bất ổn
Vũ Thơ
Bình luận (0)