Theo Sở Xây dựng Đồng Nai, một trong những phương án xử lý triệt để tình trạng ngập úng khi mưa lớn tại TP.Biên Hòa hiện nay là trả lại nguyên trạng các sông, suối bị lấn chiếm, khơi thông dòng chảy và đầu tư hệ thống thoát nước đô thị đồng bộ.
Người dân bức xúc vì dự án lấp sông Đồng Nai cản trở dòng chảy, đọng rác... góp phần gây ngập lụt - Ảnh: Tiểu Thiên
|
Sông, suối cứ bị lấp dần
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nhiều suối, kênh rạch, ao hồ... ở Biên Hòa để tiêu thoát nước khi có mưa lớn đang dần bị thu hẹp, thậm chí có nơi bị vùi lấp khiến nước không còn đường thoát.
Dẫn PV đi xem nhiều nơi, ông P.K.T (61 tuổi, ngụ KP.1, P.Long Bình Tân), nhà ở gần cầu Đen, bức xúc: “Nhà tui ở đây là ngập nặng nhất, cứ mưa xuống là ngập”. Theo ông T., cầu Đen trước kia khá thấp, khi làm đường thì được nâng cao khoảng 1,2 m. Tuy nhiên, đơn vị thi công đã làm sập cả mảng bê tông cầu cũ xuống đáy mà không nạo vét, dọn dẹp khiến lòng cầu ngổn ngang bê tông, bồi lấp và cạn dần. Bên cạnh đó, đường ống cấp nước phi 300 và đường cáp quang nằm chắn dưới chân cầu khiến rác, xác động vật bị ngăn lại gây cản trở dòng chảy. “Cách cầu Đen khoảng 80 m trước đây có một hồ điều hòa chứa khoảng 2.000 m3 nước của khu quy hoạch Long Bình Tân. Nước từ căn cứ Long Bình theo kênh chảy về, một phần đổ vào hồ điều hòa rồi mới chảy qua cầu Đen và đổ ra sông Đồng Nai. Một phần theo đường ống đổ ra cánh đồng Bà Liêu gần đấy. Mấy năm nay, hồ điều hòa bị người dân lấn chiếm, nhiều công trình che chắn khiến lòng hồ rộng lớn giờ chỉ còn một lạch nước nhỏ rộng khoảng 5 m”, ông T. nói.
Gần vòng xoay cổng 11 (KP.3, P.Long Bình Tân) có rất nhiều con suối nhỏ nhưng hầu hết đều bị nhà cửa người dân xây lấn, cây cối, cỏ dại che kín và ngập rác khiến dòng chảy tắc nghẽn.
Còn tại dự án lấp sông Đồng Nai (Báo Thanh Niên nhiều lần phản ánh), nhiều hộ dân tại KP.2, P.Quyết Thắng rất bức xúc vì nhà cửa đang dần xuống cấp mà không được sửa chữa, mưa lớn nước theo đường hẻm tràn vào làm hư hỏng hết đồ đạc. Bà V.N.S (ngụ KP.2) nói: “Sửa chữa thì không cho mà dự án cứ để chình ình đó, cứ giậm chân tại chỗ riết rồi tụi tui cũng mất niềm tin, không buồn nói nữa”. Bà H. (ngụ KP.2) nói thêm: “Dự án lấp sông họ đổ một đống đất xuống đó làm rác rưởi, chó mèo chết mắc nghẹt có trôi được đâu, cứ hai ba bữa tụi tôi phải thuê ghe vớt ra ngoài”.
Cần xử lý dứt điểm các công trình lấp sông, suối
Theo nhận định của Sở Xây dựng Đồng Nai, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “mưa là ngập” ở Biên Hòa là quá trình xây dựng tự phát và xây cất lấn chiếm dòng chảy. Rác thải xả xuống sông, suối nhiều nên khi qua những dòng chảy hẹp thường gây ngập úng. Khi mưa lớn, lượng nước mưa kết hợp triều cường sông Đồng Nai dâng cao sẽ gây ngập úng ở các vùng trũng, thấp. Ông Lý Thành Phương, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai, khẳng định: “Chúng tôi đã có văn bản đề nghị UBND TP.Biên Hòa khẩn trương tăng cường công tác quản lý đô thị. Đặc biệt là việc xây dựng trái phép lấn chiếm sông, suối, ao, hồ, quản lý cao độ nền xây dựng đồng bộ từng khu vực. Xử lý dứt điểm các công trình lấn chiếm trả lại nguyên trạng ban đầu cho các sông, suối, ao hồ bị thu hẹp nhằm đảm bảo khả năng tiêu thoát”.
Ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, cho biết thành phố đã phối hợp với Sở Xây dựng khảo sát xong các điểm ngập và đang triển khai phương án xử lý chống ngập úng cục bộ trước mắt cũng như lâu dài. “Cái vướng chủ yếu bây giờ vẫn là nguồn vốn để triển khai”, ông Dũng nói.
Bình luận (0)