Tiếp xúc với PV Thanh Niên hôm qua, tiến sĩ - luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TP.HCM); luật sư Nguyễn Bảo Trâm, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sài Gòn Luật và Luật sư Hoàng Huy Được, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cùng cho biết rất quan tâm đến trường hợp của nhà báo Nguyễn Việt Chiến. Cả 3 luật sư đều sẵn sàng tham gia tố tụng vụ án này ngay từ giai đoạn điều tra để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo Nguyễn Việt Chiến không lấy thù lao, nếu như Tổng biên tập Báo Thanh Niên chính thức có yêu cầu. Thật cảm động trước những nghĩa cử cao đẹp của các luật sư.
Tiếp xúc với phóng viên Thanh Niên, một số đại biểu Quốc hội, các nhà luật học và chuyên gia đã lên tiếng:
Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền (ĐBQH Bến Tre): Tôi không biết khởi tố vì cái gì?
Về nguyên tắc, nhà báo nếu đưa tin không chính xác thì chỉ vi phạm luật báo chí và nếu điều chỉnh cũng điều chỉnh theo luật báo chí. Khi thông tin không chính xác (nếu có) thì phải đính chính, nặng hơn thì kiểm điểm về mặt hành chính, nghiêm trọng nữa có thể chịu trách nhiệm hình sự, nhưng cụ thể trong vụ việc này tôi thấy tội danh khởi tố 2 nhà báo là không rõ ràng. Để khép vào tội lợi dụng chức vụ quyền hạn thì phải chứng minh được có vụ lợi, phải cố ý, nhằm mục đích khác và gây hậu quả, nhưng ở đây tôi không thấy có cái đó nên không biết khởi tố vì cái gì? Có lẽ mục đích là họ khởi tố mấy ông bên điều tra của họ nên mấy ông (nhà báo) bị dính vào?
An Nguyên (ghi)
Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh (ĐBQH Đồng Nai): Đây là tội gắn với hành vi tham nhũng, phải chứng minh
Tôi không nắm được chi tiết chuyện này nên không thể trả lời cụ thể được, nhưng hôm qua tôi cũng có nói chuyện với anh Vượng (Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng - TN), anh ấy nói sẽ có họp báo để giải thích việc này. Tôi thì thấy rằng không nên, phải làm hết sức thận trọng vì sau khi các cơ quan tố tụng công bố miễn trách nhiệm hình sự cho ông Nguyễn Việt Tiến lại là khởi tố và bắt giam các nhà báo cũng liên quan đến vụ việc này khiến dư luận dễ hiểu rằng có chuyện gì uẩn khúc? Đây là chuyện hết sức phức tạp. Theo thông tin trên báo chí mà tôi thấy thì các nhà báo bị truy tố về tội "lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ", đây là tội gắn với hành vi tham nhũng. Để chứng minh hành vi này của các nhà báo thì phải chứng minh được những thông tin hoặc bài báo mà họ đưa có động cơ cá nhân, có hành vi vụ lợi, nhưng cũng theo tôi được biết thì vào thời điểm đó có rất nhiều tờ báo cùng đưa thông tin chứ không riêng Thanh Niên và Tuổi Trẻ nên việc nói họ vụ lợi là rất khó.
An Nguyên (ghi)
Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật Vì Dân, Trưởng ban pháp chế Hiệp hội ngân hàng Việt Nam: Tôi khẳng định, quyết định khởi tố là rất yếu lý
Theo quy định của pháp luật, dù nhà báo hay cán bộ điều tra hoặc bất cứ ai vi phạm pháp luật đều phải xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng cụ thể trong trường hợp này thì đã đủ yếu tố để khởi tố các nhà báo tội danh "lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ" hay chưa? Họ lợi dụng gì, lợi dụng quyền hạn đến đâu? Cơ quan ngôn luận có quyền điều tra, thu thập thông tin phản ánh trên mặt báo. Tài liệu đó ai cung cấp thì tổ chức, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trong trường hợp này, báo chí phản ánh vụ việc (PMU18) trong bối cảnh đã được khởi tố, bí mật coi như không còn nữa. Tôi khẳng định rằng, quyết định khởi tố rất yếu lý. Nếu được mời, tôi sẵn sàng tham gia bảo vệ các nhà báo. Ngoài ra, việc khởi tố vụ án này (chưa nói đến việc bắt giam các nhà báo) trong điều kiện cũng rất bất lợi. Đảng và Nhà nước chủ trương đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng để lấy lại lòng tin, yêu của dân, nhưng trong một vụ án nghiêm trọng như PMU 18 lại hành xử như thế này thì, thứ nhất gây hoang mang cho chính các cán bộ điều tra các vụ án tham nhũng, thứ hai các nhà báo, các tờ báo sẽ không còn xông xáo đưa thông tin tiêu cực lên nữa. Như vậy những gì nhức nhối trong xã hội sẽ bị bóp méo, gây bất ổn.
Tôi cho rằng Hội Nhà báo Việt Nam phải có quan điểm rõ ràng, rành mạch, đúng pháp luật. Trách nhiệm của Đảng và Nhà nước là cần xem xét lại vấn đề này; bởi vì nhà báo nhiều khi đăng một phát ngôn nào đó là quyền thông tin, đúng hay sai thì cá nhân hay tổ chức cung cấp thông tin phải chịu trách nhiệm.
Trong vụ này, các luật sư có quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ vụ án PMU 18 để xem xét các thông tin nhà báo đưa là đúng sự thật hay không, và có quyền phân tích. Có thể, theo tôi, sẽ phải điều tra lại từ đầu vụ án PMU 18.
Vân Ánh (ghi)
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển: Quy cho các phóng viên cái tội ấy, tôi nghĩ là oan
Tôi cho rằng đây là việc rất không hay. Họ làm hơi vội vã, bởi quy cho các phóng viên cái tội đấy (tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ), tôi nghĩ là oan. Người nào cung cấp thông tin sai thì truy tội người ta được, vì người đó có ý đồ. Bản thân nhà báo chỉ nghe thông tin từ những người có trách nhiệm thì không đáng bị xử như thế. Cách làm của các nhà chức trách như thế này là không tốt. Tôi cho rằng giờ bắt người ta thì dễ, rồi sau thả hai nhà báo này thế nào thì lại là chuyện đau đầu với họ, và hình ảnh của Việt Nam sẽ không đẹp đẽ gì với bạn bè thế giới. Cách hành xử với nhà báo như thế là rất dở.
Trương Định (ghi)
Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Trí Huân: Chúng tôi rất mong anh Chiến sớm được trả tự do
* Ông nghĩ gì về câu chuyện hai nhà báo viết bài chống tham nhũng bị bắt? - Việc cơ quan công an điều tra, thẩm vấn nhà báo là chuyện bình thường. Nhưng việc bắt tạm giam thì tôi thực sự bất ngờ. Từ sáng đến giờ, sau khi đọc bài trên Báo Thanh Niên, tôi cứ luẩn quẩn những suy nghĩ đó. Nếu cơ quan điều tra bắt tạm giam anh Nguyễn Việt Chiến chỉ với những gì như thông báo của họ thì theo tôi là quá vội vàng và chưa đủ cơ sở. Bắt tạm giam một nhà báo viết bài chống tiêu cực là một việc rất nặng nề, và càng nặng nề hơn ở thời điểm này, khi cả nước đang đồng lòng chống tiêu cực và đang chung sức chuẩn bị đại lễ Phật đản quốc tế, với sự chứng kiến của hàng trăm nhà báo quốc tế. Sự việc này sẽ gây xáo trộn và tạo dư luận không tốt trong nước và quốc tế. * Nghĩa là ông cho rằng hành động của cơ quan điều tra là chưa thấu đáo? - Tất cả nhà báo vi phạm pháp luật đều bị khởi tố. Nhưng trường hợp của anh Nguyễn Việt Chiến (Báo Thanh Niên) và Nguyễn Văn Hải (Báo Tuổi Trẻ), theo cá nhân tôi, nếu có vi phạm thì cũng chưa đến mức bị bắt tạm giam. Vả lại, trong quá trình đưa tin về vụ PMU18, khi có yêu cầu đính chính, Báo Thanh Niên đã đáp ứng ngay trong số báo sau, vậy tại sao phóng viên của báo vẫn bị bắt? Dù chưa có đầy đủ thông tin từ phía cơ quan điều tra song tôi vẫn có cảm giác hành động của cơ quan điều tra chưa thấu đáo, chưa thấu tình đạt lý. Về tư cách công dân và phẩm chất nghệ thuật, anh Chiến đều có đủ, vì thế, anh ấy đã được kết nạp vào Hội Nhà văn lâu lắm rồi. Trước khi chuyển sang Báo Thanh Niên, anh Chiến có thời gian công tác tại Báo Văn Nghệ (ông Huân hiện là Tổng biên tập Báo Văn Nghệ - PV), tôi cũng không nghe thấy điều tiếng gì về anh Chiến. * Có ý kiến cho rằng việc bắt giữ hai nhà báo có thể sẽ làm chùn bước những nhà văn, nhà báo có tâm huyết với đất nước, với dân tộc và "nhắc nhở" họ hãy lo đến sự "an toàn" của bản thân trước tiên. Ông nghĩ sao? - Một trong những trọng trách lớn lao của người cầm bút là chống tham nhũng, bởi vì tham nhũng làm băng hoại đất nước, băng hoại giống nòi. Tôi rất ủng hộ những bài báo chống tiêu cực. Tuy nhiên, qua sự việc của anh Chiến, tôi cũng nhận thấy khi viết bài chống tiêu cực, nhà báo phải vô cùng thận trọng, hạn chế tối đa mọi sai sót, sơ hở. Thực ra, hồi cuối năm ngoái, tôi cũng nghe phong thanh chuyện bắt giữ nhà báo. Nhưng nghe là nghe vậy thôi, chứ không thể tin đó là sự thật. Ở góc độ nghiệp vụ, việc báo chí sơ sểnh cũng khó tránh khỏi, nhất là báo ra hằng ngày. Nếu không có chuyện gì, tôi rất mong cơ quan điều tra sớm trả lại tự do cho anh Nguyễn Việt Chiến. * Thực tế, trong lịch sử Hội Nhà văn Việt Nam, đã không ít trường hợp người cầm bút vì dám nói thẳng, nói thật đã bị phiền hà? - Đúng là có trường hợp người cầm bút bị phê bình, nhưng không nặng nề như lần này. Y Nguyên |
Ảnh: Nguyễn Đình Toán Hội Nhà báo bảo vệ quyền hành nghề chính đáng của hội viên trên cơ sở pháp luật
Bên hành lang QH, phóng viên các báo phỏng vấn ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam về quan điểm của Hội Nhà báo sẽ bảo vệ quyền lợi hội viên của mình ra sao, khi cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam hai nhà báo của Báo Thanh Niên và Báo Tuổi Trẻ. * Ông nghĩ gì khi nhận được thông tin hai nhà báo chuyên viết về chống tham nhũng bị bắt vì đưa các thông tin liên quan đến tham nhũng? - Thực ra Hội cũng như các báo mới nghe thông tin hôm qua, sáng nay chúng tôi sẽ làm việc với cơ quan chức năng, tìm hiểu, sau đó mới có thể có ý kiến. * Trước đó lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có làm việc và thông báo rằng sẽ xem xét hành vi một số phóng viên, Hội đã có động thái gì? - Hội cũng nghe như vậy thôi, chưa biết hội viên nào, cơ quan báo chí nào. * Hai nhà báo bị khởi tố, bắt tạm giam vì tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn phải đi đôi với việc trục lợi thì mới có tội, chứ hai nhà báo này viết bài chống tiêu cực trong vụ PMU 18 thì trục lợi cái gì, thưa ông? - Cái này các đồng nghiệp phải xin gặp cơ quan chức năng để tìm hiểu, Hội cũng sẽ tìm hiểu. * Ông có nghĩ, việc bắt 2 PV sẽ làm giảm ý chí của các PV khác trong đấu tranh chống tiêu cực? - Làm sao giảm được ý chí của anh em, vì báo chí chúng ta là một kênh thông tin rất quan trọng trong việc đấu tranh này, làm sao giảm ý chí đó được. * Hội có đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng của anh em? - Đương nhiên, trên cơ sở pháp luật, Hội sẽ đứng ra để bảo vệ. * Trong lịch sử, Hội đã lần nào đứng ra can thiệp bảo vệ như vậy chưa? - Đó là một trong những chức năng của Hội, được ghi trong Luật và Điều lệ Hội: bảo vệ hội viên theo quy định, theo điều lệ, bảo vệ quyền hành nghề chính đáng trên cơ sở pháp luật. * Hội đã lần nào đứng ra bảo vệ chưa? - Có, những lần nhà báo bị cản trở hành nghề chính đáng, Hội đã đứng ra bảo vệ, có ý kiến. * Hội có động thái tiếp theo như thế nào để bảo vệ quyền lợi của 2 phóng viên bị bắt? - Chiều nay, sau khi Hội tìm hiểu thông tin từ cơ quan chức năng sẽ có ý kiến, chứ bây giờ chưa có thông tin cụ thể. * Là nhà báo, ông suy nghĩ gì khi nhận được tin này? - Tôi rất buồn vì điều đó. * Nhưng đó là hai nhà báo tích cực chống tham nhũng? - Việc này phải có đủ thông tin đã. * Ông đánh giá thế nào khi trong suốt quá trình hành nghề, các cơ quan chức năng không hề cảnh báo về việc đưa tin, nay lại áp dụng hình sự? - Trước hết, nhà báo chúng ta phải làm đúng chức năng, đúng pháp luật đã. Còn cảnh báo đó chỉ là một mặt vấn đề, không phải chưa cảnh báo thì ta được làm việc này, việc kia. Nhưng chính chúng ta cũng phải làm đúng pháp luật đã, phải trên cơ sở sự thật. * Là PV viết về vụ PMU18, tôi thấy lúc đó rất ít thông tin chính thống, rất khó đánh giá độ chính xác của tin, ông đánh giá thế nào về sự tác nghiệp trong điều kiện đó? - Thông tin chính thống là căn cứ pháp luật. Nhưng chỉ căn cứ nguồn chính thống thì rất hạn chế. Báo chí phải tìm hiểu thông tin, vấn đề khó cho những người làm báo chúng ta là phải thông tin đúng sự thật. * Nhưng rất ít cơ quan cung cấp thông tin cho báo chí, điều này có mâu thuẫn không? - Mâu thuẫn thế nào được! Khó cho chúng ta, nhưng nghề nghiệp của chúng ta là thế. Việc đã ngã ngũ rồi thì không cần đòi hỏi đến trách nhiệm và công việc của nhà báo chúng ta nữa. Xuân Toàn - Tuyết Nhung (ghi)
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Đinh Thế Huynh:
Sức khỏe nhà báo Nguyễn Việt Chiến đang xấu trầm trọng Ngày 13.5, chị Phùng Thị Bích Ngọc (vợ của nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Báo Thanh Niên) và Báo Thanh Niên đã chính thức gửi đơn xin bảo lãnh bị can tới Cơ quan an ninh điều tra - Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị cho nhà báo Nguyễn Việt Chiến được tại ngoại. Theo chị Ngọc, sức khỏe của anh Việt Chiến hiện đang rất yếu và mắc nhiều bệnh cùng lúc. Khoảng 2 tuần gần đây, sức khỏe của anh Việt Chiến rất kém bởi bệnh trĩ nặng khiến anh đi đại tiện ra máu có vòi, gây choáng. Bên cạnh đó, chứng suy nhược thần kinh nặng kèm với các bệnh viêm đại tràng, dạ dày mãn tính khiến anh Việt Chiến ăn được rất ít, không ngủ được. Kể từ 2 tuần gần đây, anh Việt Chiến luôn bị các cơn đau co thắt vùng ngực, khó thở, sau khi đi khám, bác sĩ đã cho anh Việt Chiến uống thuốc về tim để hỗ trợ. Vào đầu tháng 4, khi đi khám về bệnh trĩ, bác sĩ đã yêu cầu anh Chiến phải phẫu thuật sớm. Theo dự kiến, anh Chiến sẽ đi mổ trong tuần này thì bị khởi tố và bắt tạm giam. Ngoài ra, anh Việt Chiến còn mắc chứng huyết áp thấp. Trước khi bị đưa vào trại giam tại B16, Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội, chị Ngọc (vợ anh Chiến) đã chuẩn bị nhiều loại thuốc cần thiết để anh uống hằng ngày. Tuy nhiên, chị Ngọc cho biết: "Vào ngày bị bắt, anh Chiến đã có biểu hiện căng thẳng thần kinh quá mức... Điều tôi lo lắng nhất là anh Chiến có thể bị đột quỵ, đứt mạch máu não bất cứ lúc nào do thần kinh bị căng thẳng quá mức khi ở trong trại giam". Chị Ngọc cũng cho biết thêm, hơn 1 năm trở lại đây, tiến trình điều tra kéo dài đã tác động không nhỏ tới sức khỏe của anh Chiến, cộng với việc thần kinh yếu, ăn rất ít khiến cho sức khỏe của anh Chiến đã ở mức báo động. "Ngay cả khi được gia đình chăm sóc rất cẩn thận mà sức khỏe anh Chiến còn như vậy huống hồ là lại bị đưa vào trại giam. Năm nay anh ấy đã 57 tuổi rồi. Vì thế, tôi thiết tha đề nghị các cơ quan chức năng cho phép chồng tôi được tại ngoại trong quá trình điều tra để gia đình có điều kiện chăm sóc anh ấy tốt hơn. Điều này cũng phục vụ tốt hơn cho công tác điều tra và anh Chiến cũng sẽ giảm được nguy cơ đột quỵ hoặc đứt mạch máu não. Gia đình cam đoan là anh Chiến sẽ ở nhà và có mặt tại cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ngay khi được triệu tập". Trao đối với chúng tôi vào chiều 13.5, bác Vũ Thị Nguyệt (79 tuổi) - một hàng xóm lâu năm của anh Chiến tại 43A, tổ 7, ngõ 47A, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội, nói: "Chiến sống rất tình cảm với hàng xóm và hay giúp đỡ hàng xóm mỗi khi có việc cần. Nhưng sức khỏe hơi yếu, không được người thân chăm sóc cẩn thận thì cũng phức tạp". Tình trạng sức khỏe của nhà báo Nguyễn Việt Chiến đang xấu một cách nghiêm trọng. Tuy nhiên, vấn đề là những chứng cứ mà Báo Thanh Niên đã công bố, nhà báo Nguyễn Việt Chiến không phạm tội hình sự. Vì vậy, yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn cấp xem xét để sớm trả tự do cho nhà báo. H.Ly
Bình luận (0)