Một trong những điểm mới nhất trong Nghị định (NĐ) 46 là sửa đổi, bổ sung liên quan đến người nước ngoài vào VN để thực hiện các gói thầu hoặc dự án của nhà thầu nước ngoài đã trúng thầu tại VN. Cụ thể, trong quá trình lập hồi sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, chủ đầu tư phải quy định nội dung về việc sử dụng người lao động (NLĐ) VN và người nước ngoài theo quy định của pháp luật, trong đó phải ưu tiên sử dụng NLĐ VN thực hiện các công việc mà NLĐ VN có khả năng thực hiện. Trường hợp gói thầu cần sử dụng người nước ngoài có chuyên môn phù hợp với yêu cầu của gói thầu thì trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định nhà thầu nước ngoài có phương án sử dụng người nước ngoài bao gồm: vị trí công việc, số lượng, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, thời gian thực hiện công việc.
Lao động phổ thông Trung Quốc tại công trường xây dựng Nhà máy đạm Ninh Bình - Ảnh: Cường Trung |
Ngoài ra, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu nước ngoài phải có phương án sử dụng NLĐ VN và người nước ngoài theo yêu cầu của chủ đầu tư.
Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trong chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan để giới thiệu, cung ứng NLĐ VN cho nhà thầu nước ngoài. Trong thời hạn tối đa 60 ngày đối với đề nghị tuyển từ 500 NLĐ VN trở lên và 30 ngày đối với đề nghị tuyển dưới 500 NLĐ, nếu không giới thiệu hoặc cung ứng NLĐ VN cho nhà thầu nước ngoài theo đề nghị nêu trên thì Chủ tịch UBND, tỉnh thành phố trực thuộc T.Ư xem xét, quyết định việc cho phép nhà thầu nước ngoài được tuyển người nước ngoài vào các vị trí công việc không tuyển được NLĐ VN.
Theo nghị định mới, Bộ Công an sẽ không cấp thị thực đối với người nước ngoài làm việc tại VN khi chưa được cấp giấy phép lao động, giấy phép lao động hết hiệu lực hoặc vô hiệu. Không gia hạn tạm trú, buộc xuất cảnh hoặc trục xuất đối với người nước ngoài làm việc tại VN khi chưa được cấp giấy phép lao động hoặc giấy phép lao động hết hiệu lực hoặc vô hiệu.
Sau 6 tháng, kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành, nếu người nước ngoài làm việc tại VN mà không có giấy phép lao động hoặc chưa nộp hồ sơ đề nghị cấp phép lao động theo quy định thì Sở LĐ-TB-XH đề nghị cơ quan công an buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật.
Công tác quản lý có vấn đề Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Đặng Như Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nói: “Không đâu tự do như ở nước mình, lao động nước ngoài vào thoải mái mà không thấy ra. Trong quản lý lao động nước ngoài còn nhiều vấn đề. Chẳng hạn, hiện chưa rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý: Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hay Bộ Ngoại giao...? Nếu nói Bộ LĐ-TB-XH thì bộ này không có quyền trục xuất lao động phạm luật. Trong khi việc khai trình lao động là trách nhiệm của Bộ Công an, còn về cư trú lại là Bộ Tư pháp. Một vấn đề nổi cộm nữa là việc quản lý nhà nước đã hết trách nhiệm chưa, đã kiểm soát và xử lý các vi phạm đầy đủ chưa. Ở đây, tôi cho rằng có trách nhiệm rất lớn thuộc chính quyền địa phương - cơ quan quản lý địa bàn. Nếu địa phương làm hết trách nhiệm thì chắc chắn không xảy ra vấn đề về an ninh trật tự hay các hệ lụy khác”. Ông còn nhấn mạnh: “Một đất nước mạnh ở thời bình, pháp luật phải nghiêm chỉnh, pháp lệnh là hiệu lệnh của sự đoàn kết, tạo ra sức mạnh dân tộc. Việc buông lỏng quản lý theo cách mỗi nơi làm một kiểu như ở VN thì vấn đề lao động nước ngoài rất đáng lo ngại. Hàng ngàn lao động nước ngoài còn quản chẳng được, nói gì đến lao động trong nước. Tóm lại, theo tôi vấn đề mấu chốt ở đây vẫn là cơ quan thực thi pháp luật chưa nghiêm”. Thái Sơn - Thu Hằng |
Hải Bình
Bình luận (0)