Việc định danh này rất hợp lý
Theo Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 25.12, tài khoản đã xác thực bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân mới được đăng bài, bình luận, livestream… Trường hợp người sử dụng mạng xã hội dưới 16 tuổi, cha mẹ hoặc người giám hộ sẽ đăng ký bằng thông tin của mình và có trách nhiệm giám sát, quản lý việc trẻ em truy cập và đăng tải thông tin…
Trước thông tin này, Nguyễn Văn Thanh (23 tuổi), sinh sống tại 785 Nguyễn Kiệm, P.3, Gò Vấp (TP.HCM) cho biết: “Việc định danh này rất hợp lý vì sẽ tránh được tình trạng nhiều người tạo tài khoản ảo để công kích người khác trên mạng xã hội. Thời gian qua cũng có nhiều vụ lừa đảo trên không gian mạng nhưng rất khó để tìm được kẻ gây án là ai”.
Ngô Thị Anh Thư, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, cho biết đồng tình với nghị định này vì mọi người sẽ ý thức hơn trong việc phát ngôn trên mạng xã hội. “Rất nhiều người lợi dụng quyền tự do ngôn luận để công kích một cá nhân nào đó trên mạng xã hội. Giờ đây việc đăng bài, bình luận trên mạng xã hội cần được cân nhắc kỹ”.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long (nhà sáng lập truyền thông Trăng Đen), cho biết: “Quy định yêu cầu xác thực bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân có thể tăng tính minh bạch và giảm hành vi vi phạm pháp luật trên mạng”.
Bảo vệ người dùng khi sử dụng mạng xã hội
Theo anh Long, với người trẻ, đặc biệt là đối tượng dưới 16 tuổi, quy định này yêu cầu sự giám sát của phụ huynh hoặc người giám hộ, điều này có lợi cho việc bảo vệ các em khỏi những nội dung không phù hợp. Tuy nhiên, cũng cần đi kèm với các cơ chế bảo vệ dữ liệu mạnh mẽ, đặc biệt là với thông tin nhạy cảm liên quan đến trẻ em.
“Các nền tảng cần tuân thủ quy định bảo mật nghiêm ngặt và được xác nhận bởi đơn vị uy tín, giống như việc cấp chứng chỉ SSL (Secure Sockets Layer là giao thức bảo mật mã hóa kết nối internet giữa máy khách và máy chủ để bảo vệ dữ liệu khỏi bị rò rỉ hoặc thay đổi) cho website. Điều này không chỉ giúp tăng cường sự tin tưởng của người dùng, mà còn đảm bảo các nền tảng tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư”, anh Long chia sẻ.
Thạc sĩ Trần Xuân Tiến, Phó trưởng bộ môn truyền thông, Trường ĐH Văn Hiến cho biết việc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân giúp ngăn chặn người giả mạo, lừa đảo và nâng cao ý thức trách nhiệm của người dùng trên không gian mạng. Tuy nhiên, các nền tảng cần áp dụng biện pháp bảo vệ dữ liệu mạnh mẽ và đảm bảo không lạm dụng thông tin cá nhân của người dùng.
Thạc sĩ Tiến cho biết theo nghị định 147, nội dung vi phạm pháp luật phải được gỡ bỏ trong vòng 24 giờ đồng hồ và các tài khoản vi phạm nhiều lần sẽ bị khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn. Người dùng có quyền quyết định cho phép hay không, việc sử dụng thông tin cá nhân cho quảng cáo. “Việc khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn các tài khoản vi phạm nhiều lần giúp ngăn ngừa vi phạm và tạo động lực tuân thủ quy định. Đặc biệt đối với hành vi phát tán thông tin sai lệch, tuyên truyền bạo lực và lừa đảo trực tuyến”, thạc sĩ Tiến nói.
Tuy nhiên, cần cẩn trọng với những sai sót trong quá trình xác định vi phạm và tránh lạm dụng quyền lực, gây tổn hại đến quyền tự do ngôn luận. “Quy định này cần được áp dụng một cách công bằng và minh bạch để không ảnh hưởng đến quyền lợi người dùng”, thạc sĩ Tiến kiến nghị.
Bình luận (0)