1. Ngày 25/4/1971, ông Võ Ẩm, sinh năm 1918, quê quán vùng 3, thôn Khánh Tân, xã Tam Dân, Tam Kỳ (Quảng Nam) hy sinh khi đang làm nhiệm vụ nắm tình hình địch tại thôn 4, xã Tam Dân. Đến ngày 21/8/1997, Sở LĐ-TB-XH Quảng Nam đã cấp giấy chứng nhận và trợ cấp tuất liệt sĩ cho bà Nguyễn Thị Hứa (là vợ liệt sĩ Võ Ẩm). Tuy nhiên, đến ngày 11/11/2003, Phòng LĐ-TB-XH thị xã Tam Kỳ đã thông báo đến gia đình bà Nguyễn Thị Hứa cắt lương trợ cấp và không công nhận ông Võ Ẩm là liệt sĩ vì có đơn khiếu nại! Quá bức xúc trước sự việc này, gia đình bà Nguyễn Thị Hứa đã gửi đơn khiếu nại đến nhiều nơi với mong muốn được minh oan sự hy sinh vì cách mạng của ông Võ Ẩm. Trong giấy xác nhận, ông Nguyễn Văn Hồng - nguyên Bí thư, xã đội trưởng đội công tác xã Kỳ Nghĩa (từ 1965 - 1975) khẳng định: "Đội công tác đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho ông Võ Ẩm đi nắm tình hình cảnh giới địch để cán bộ thu mua lương thực. Sự hy sinh của ông Võ Ẩm xứng đáng được công nhận liệt sĩ".
2. Năm 2004, gia đình bà Hà Thị Liễu, ở xã Điện An, Điện Bàn (Quảng Nam) hoàn tất các hồ sơ liên quan để được xét khen thưởng đối với người có công tham gia cách mạng cho ông Nguyễn Thanh Mai, sinh năm 1926. Tuy nhiên, thay vì xem xét hồ sơ và tham khảo ý kiến đầy đủ từ những người đồng đội cũ của ông Nguyễn Thanh Mai thì UBND xã Điện An lại xem xét qua loa và kết luận: "Trong thời gian chống Pháp ông có công với cách mạng, đến giai đoạn 1962 - 10/1964 không rõ nguyên nhân ông bị cách mạng bắt đi không về, sau mới biết ông chết năm 1964". Với cách trả lời thiếu trách nhiệm này, bà Hà Thị Liễu (được tặng Huy chương kháng chiến hạng nhất) đã rất bất bình vì chồng bà đã có công với cách mạng. Cụ thể, ông Dương Đình Chiến - một trong những đồng đội của ông Nguyễn Thanh Mai, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Điện An (cũ), nguyên Trưởng phòng Thanh tra Công an QN-ĐN (cũ) xác nhận: "Ông Nguyễn Thanh Mai là cơ sở cách mạng của Đội công tác mở ra phía trước của huyện Điện Bàn từ tháng 5/1962 đến tháng 10/1964... Trong thời gian công tác ông rất tích cực, nhiệt tình hoàn thành nhiệm vụ".
Nêu lên hai trường hợp này, chúng tôi mong muốn các cơ quan có trách nhiệm ở tỉnh Quảng Nam cần xem xét chu đáo, tổ chức gặp gỡ những người xác nhận thành tích của từng cá nhân một cách đầy đủ để gia đình người có công với cách mạng không bị dèm pha, chỉ trích oan. Qua đó làm sáng tỏ sự việc và bảo vệ danh dự cùng giải quyết chế độ, chính sách cho mỗi gia đình. Còn nếu xác định trường hợp nào không phải là người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng... thì cần giải thích nguyên nhân với những chứng lý cụ thể cho người dân khỏi thắc mắc...
Hữu Trà
Bình luận (0)