Phải xử hình sự những kẻ nhẫn tâm đầu độc đồng bào

28/03/2016 12:31 GMT+7

Đó là một trong nhiều ý kiến của bạn đọc về bài viết “ Bộ làm tốt, sao dân vẫn phải ăn bẩn ” đăng trên Thanh Niên ngày 27.3.

Đó là một trong nhiều ý kiến của bạn đọc về bài viết “Bộ làm tốt, sao dân vẫn phải ăn bẩn” đăng trên Thanh Niên ngày 27.3.

Một đoàn thanh tra đang kiểm tra thực phẩm bán tại chợMột đoàn thanh tra đang kiểm tra thực phẩm bán tại chợ
Báo cáo khác xa thực tế
Tôi rất đồng tình với phát biểu của ông Đinh La Thăng khi tranh luận với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế. Phối hợp tốt kiểu gì mà thực phẩm bẩn ngày càng tràn lan, nhìn đâu cũng thấy bẩn? Hãy nhìn vào tỷ lệ người bệnh ung thư ở các bệnh viện hiện nay. Tất nhiên không phải tất cả các trường hợp ung thư đều có nguyên nhân từ thức ăn bẩn, nhưng thức ăn bẩn chính là một nguyên nhân quan trọng. Khi nào người dân còn lo sợ về nguồn thức ăn của mình thì Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế còn phải đặt trách nhiệm mình cao hơn.
Trần Thanh Nhàn (Q.Tân Phú, TP.HCM)
Hệ lụy của ăn bẩn
Ăn bẩn dẫn đến bệnh tật, ung thư... làm suy yếu dân tộc, giống nòi, kiệt quệ nguồn lực đất nước. Thông tin kém, thiếu tính giáo dục, chế tài quá yếu không có tác dụng răn đe với hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm là thực trạng hiện nay. Tôi cho rằng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, cố tình đầu độc đồng loại không còn là gian lận thương mại mà là giết người có chủ ý, phải xử lý hình sự chứ không thể chỉ xử lý hành chính. Chúng ta có chính quyền, có đầy đủ công cụ, chẳng lẽ không xử lý được vấn đề này?
Huỳnh Quang Quốc (H.Nhà Bè, TP.HCM)
Tuyên truyền mạnh mẽ
Bộ NN-PTNT cùng Bộ Y tế cần phát động chiến dịch tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Khuyến cáo, kêu gọi người trồng trọt, chăn nuôi không sử dụng các loại hóa chất kích thích cây, con tăng trưởng nhanh... Kêu gọi lương tri của con người đừng làm những việc hại người, hại mình cũng như vi phạm pháp luật.
Nguyễn Thị Anh Trúc (Q.Bình Tân, TP.HCM)
Bộ Y tế phải đi đầu
Trong bối cảnh ăn cái gì, con gì cũng sợ như thế này thì theo tôi, Bộ Y tế cần phải nghiên cứu và cho ra đời trung tâm kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm ở mỗi địa phương. Trung tâm trang bị các dụng cụ, thiết bị kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm nhanh, cho kết quả ngay; có quyền kiểm tra bất kỳ cơ sở chăn nuôi, trồng trọt hay hàng hóa bày bán nào. Máy móc, thiết bị kiểm tra này cũng nên sản xuất hàng loạt để bán cho người dân có nhu cầu.
Phạm Hoàng Thủy Tiên (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Toàn xã hội vào cuộc
Tôi ước toàn xã hội vào cuộc chống lại “giặc” thực phẩm độc. Gọi là “giặc” rất đúng bởi nó đang tiêu diệt dần sức khỏe, tiền bạc của nhiều công dân, nhiều gia đình. Cần một cuộc phát động cấp nhà nước yêu cầu toàn xã hội vào cuộc, thẳng tay phát hiện, tố cáo, trừng trị thích đáng những ai đang đầu độc đồng loại bằng hóa chất trong trồng trọt, chăn nuôi, thức ăn…
Đoàn Cẩm Tú (Q.Thanh Xuân, Hà Nội)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
Đúng là không dễ phát hiện vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng hãy nhìn sang các nước phát triển, tại sao họ kiểm soát được từng nguồn thực phẩm, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm không còn là lo ngại của người dân? Đó chắc chắn là do bộ máy quản lý nhà nước của họ giỏi và đồng bộ. Ý thức của người dân tốt. Tại sao chúng ta không học hỏi để áp dụng cho đất nước mình.
Nguyễn Văn Liêm (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Trong thời buổi con người chú trọng đời sống vật chất thì ai cũng mong kiếm được tiền, thậm chí thật nhiều tiền. Tuy nhiên, kiếm tiền bất chấp sức khỏe của đồng loại mình là điều quá nhẫn tâm. Mong mọi người trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh cần có ý thức bảo vệ sức khỏe đồng loại, đó cũng là bảo vệ sức khỏe chính mình.
Nguyễn Thế Cần (Q.Tân Bình, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.