Phải xử lý Formosa đến cùng

03/07/2016 06:26 GMT+7

Đó là ý kiến của PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển VN, khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên xung quanh việc Formosa gây ra thảm họa môi trường biển ở miền Trung.

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi
* Thưa TS, sau sự cố này thì bài học gì cho VN trong vấn đề quản lý đầu tư, bảo vệ môi trường? Đặc biệt đối với những trường hợp NĐT có nhiều "tai tiếng" như Formosa.
- Nhân loại đang đi theo con đường phát triển bền vững (ít nhất nó bắt đầu từ năm 1992). Một trong những trọng tâm là giải quyết mối quan hệ giữa môi trường và phát triển. Điều này đòi hỏi phải sàng lọc đầu tư từ giai đoạn sớm của quá trình phát triển. Tức là từ lúc có chủ trương của NĐT, bắt buộc người lãnh đạo, nhà quản lý phải cân nhắc rất kỹ vấn đề môi trường trước khi đưa ra quyết định. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần các quyết định “xanh” và thói quen từ chối các dự án đầu tư “nâu”.
Đất nước ta vốn được thiên nhiên ban tặng các lợi thế tĩnh với nguồn vốn tự nhiên phong phú, đa dạng ở biển và vùng ven biển. Thế hệ hôm nay đang thừa kế nguồn vốn này của cha ông ta để lại, và chúng ta đang “vay” nguồn vốn đó của thế hệ mai sau. Mà đã vay thì phải có trả, “cả gốc lẫn lãi”. Người “chủ nợ” chính là các thế hệ mai sau và họ sẽ tiếp tục phán xử những quyết định sai lầm của thế hệ chúng ta hôm nay. Thiết nghĩ, đó là một thông điệp lịch sử đòi hỏi trách nhiệm chính trị giữa các thế hệ.
Thảm họa môi trường biển ở bắc Trung bộ vừa qua bộc lộ sai lầm trong việc ra quyết định đầu tư thiếu sàng lọc; bộc lộ tính bị động, thiếu chuyên nghiệp trong quản lý, bảo vệ và xử lý các vấn đề môi trường trong phát triển. Đặc biệt, chúng ta đã quá “dễ dãi” đối với NĐT có nhiều “tai tiếng” như Formosa - một tổ chức nằm trong “danh sách đen” quốc tế hiểu theo nghĩa cả hai môi trường và an ninh.
* Sau khi Formosa nhận lỗi, bồi thường và cam kết khắc phục sự cố, ở góc độ quản lý, ngành chức năng phải làm gì để tránh những sự việc đáng tiếc trong tương lai?
- Trước hết, cần kiểm tra, nắm lại toàn bộ thực trạng vấn đề quản lý và mức độ tuân thủ pháp luật môi trường của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động ở VN, đặc biệt ở vùng ven biển và trên các đảo - nơi có mức độ tổn thương cao. Trên cơ sở đó phân loại và xác định các điểm nóng (hot spot) môi trường, lập “danh sách đen” và “danh sách nâu” về môi trường biển - ven biển làm căn cứ xác định cấp độ nghiêm ngặt trong quản lý.
Thứ hai, phải nhanh chóng rà soát hệ thống giám sát - cảnh báo sớm môi trường toàn quốc, trong đó có vùng ven biển và trên hải đảo. Quy hoạch lại, nâng cấp và đầu tư xây dựng một hệ thống giám sát - cảnh báo môi trường tiên tiến, hiện đại ở đẳng cấp quốc tế, bao gồm nguồn nhân lực quản lý, giám sát.
Thứ ba, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước thông qua hoạt động kiểm soát môi trường kịp thời và hiệu quả đối với các doanh nghiệp.
Thứ tư, bổ sung và xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ năm, xây dựng “Kế hoạch quốc gia ứng cứu thảm họa môi trường biển”, trong đó có quy trình ra quyết định ứng phó hiệu quả theo các kịch bản để chuyển từ “đối phó thụ động” sang “ứng phó chủ động”.
* Formosa là một siêu dự án, lại là ngành nghề “đặc biệt”, vậy nên có cơ chế quản lý môi trường riêng “cao hơn” cho dự án này không? Ví dụ thay vì chúng ta hay nói đến nồng độ chất thải thì quản lý bằng tổng lượng chất thải theo xu hướng của thế giới ngày nay. Ý kiến của ông xung quanh chuyện này ra sao?
- Quả thật, hiện nay ở nước ta Formosa đang là một siêu dự án về quy mô và “đặc biệt” về ngành nghề, cho nên cần có cơ chế, chính sách đặc thù để quản lý nghiêm ngặt môi trường đối với dự án này. Hiện tượng Formosa vừa qua sẽ đi vào lịch sử môi trường VN, vì nó không chỉ là một thảm họa môi trường mà còn trở thành vấn đề chính trị và an ninh quốc gia. Hậu quả do Formosa gây ra vừa qua không chỉ trước mắt mà còn lâu dài, thậm chí đã chạm vào lợi ích cốt lõi của đất nước và người dân, cho nên không chỉ đơn giản là phát hiện ra Formosa là thủ phạm, mà còn phải xử lý đến cùng. Bên cạnh yêu cầu Formosa giải quyết các hậu quả thông qua đền bù nghiêm túc, cần thắt chặt giám sát, kiểm soát môi trường và mức độ tuân thủ của doanh nghiệp này theo chuẩn quốc tế.
Xử lý nghiêm Formosa, cũng nên tính đến việc tự xử lý nghiêm túc, dám nhìn vào sự thật của các cơ quan, các nhà ra quyết định phía VN. Liệu vấn đề Formosa có phải là phép thử bản lĩnh chính trị của VN?
* Formosa vừa có văn bản “xin lỗi” về thảm họa môi trường do họ gây nên. Ông có nhận định gì về động thái cũng như thành ý của họ?
- Họ xin lỗi thì chúng ta ghi nhận, nhưng Chính phủ công bố nguyên nhân và thủ phạm thì họ mới chịu xin lỗi chứ trước đó còn chối quanh. Xin lỗi không có nghĩa là vụ việc kết thúc mà là bắt đầu một vụ việc mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.