“Phạm luật” khi tu bổ di tích

12/01/2012 00:56 GMT+7

Theo KTS Lê Thành Vinh (ảnh) - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, tất cả người làm công tác tu bổ, bảo tồn di tích hiện đang “vi phạm luật”, bởi họ chưa được cấp chứng chỉ hành nghề.

Theo KTS Lê Thành Vinh (ảnh) - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, tất cả người làm công tác tu bổ, bảo tồn di tích hiện đang “vi phạm luật”, bởi họ chưa được cấp chứng chỉ  hành nghề.

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Vinh cho biết:


Ảnh: Việt Chiến
  

Có hai vấn đề, thứ nhất, hiện nay rất nhiều hoạt động tu bổ di tích lại được thực hiện dưới sự điều chỉnh của luật Xây dựng mà luật này thì không chi tiết vào các vấn đề của di sản. Vì thế, có người có thể làm xây dựng, tu sửa nhà cửa rất tốt nhưng người ta không thể làm di tích được vì không có kiến thức bảo vệ văn hóa, bảo vệ di sản. Thực tế hiện nay, nhiều công ty xây dựng đã đóng góp phần nào đó cho tu bổ di tích, nhưng không có chuyên ngành này và đó là điều rất bất cập.

Thứ hai, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Di sản văn hóa đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 khóa XII (6.2009) có quy định trong điều 34 là tất cả những người tham gia vào công việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích từ việc xây dựng dự án, lập thiết kế, trực tiếp thi công… phải có chứng chỉ hành nghề. Luật đã có hiệu lực từ 1.1.2010 nhưng cho đến hôm nay, chưa ai được cấp chứng chỉ hành nghề tu bổ, phục hồi di tích, nghĩa là những người đang làm nghề này đều “đang vi phạm luật”…

Ông có thể cho biết cụ thể thời gian qua, có những di tích văn hóa lịch sử nào đã bị làm sai lệch do những người thiếu kiến thức chuyên ngành tu bổ di tích và không có chứng chỉ hành nghề gây ra?

Có một công trình tu bổ mà dư luận thời gian qua đã nhiều lần đề cập tới như di tích đền Và ở thị xã Sơn Tây do một công ty thi công. Tôi biết công ty ấy hoàn toàn không có những người được đào tạo trong ngành tu bổ di tích. Nhiều di tích khác cũng được giao cho những công ty xây dựng thông thường. Việc ấy vẫn đang diễn ra và họ không thể làm tốt được, vì tu bổ di tích nằm ngoài chuyên môn, chuyên ngành của họ.

 
Lầu chuông, gác trống đền Và là hai hạng mục cổ bị làm mới - Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng

Để đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động bảo tồn di tích ở Việt Nam, chúng ta phải làm gì, thưa ông?

Nói một cách khoa học, bản thân làm trùng tu di tích là anh đã làm xáo trộn sự nguyên vẹn, nhưng làm sao để sự xáo trộn ấy ảnh hưởng ít nhất đến giá trị lịch sử - văn hóa của di tích. Hiện nay, việc bảo tồn, tu bổ di tích đang có nhiều bất cập, nhiều công trình tu bổ không đảm bảo chất lượng, không tuân thủ các nguyên tắc khoa học của lý thuyết bảo tồn, nhiều di tích sau tu bổ bị biến dạng, suy giảm giá trị và mất mát nhiều yếu tố gốc. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thiếu hụt đội ngũ chuyên nghiệp trong lĩnh vực quản lý, giám sát và thực thi công tác bảo tồn.

Do vậy, cần chuyên nghiệp hóa lực lượng làm công tác bảo tồn di tích là hết sức cấp thiết. Nguồn nhân lực cần đào tạo gồm 3 nhóm: những người làm công tác quản lý quyết định chính sách, định hướng, chỉ đạo, kiểm tra, phê duyệt hoạt động bảo tồn; những người làm công tác tư vấn, lập dự án thiết kế, giám sát, điều hành thi công; những công nhân trực tiếp thi công tu bổ, can thiệp trực tiếp vào “cơ thể” di tích, tạo ra sản phẩm cuối cùng của dự án bảo tồn. Cả 3 nhóm nhân lực trên, với các nhiệm vụ khác nhau, đều có vai trò quan trọng đối với chất lượng khoa học của hoạt động bảo tồn và đôi khi quyết định sự thành bại của cả dự án bảo tồn.

Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.