Án treo, xét xử sao cho đúng:

Phạm tội 2 lần trở lên, vẫn được tòa tuyên án treo (!?)

Phan Thương
Phan Thương
14/06/2023 07:01 GMT+7

Viện trưởng Viện KSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hủy quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM vì cho 4 bị cáo được hưởng án treo không đúng quy định.

Khoảng đầu tháng 6.2018, L.Q.C qua Campuchia móc nối với một đối tượng không rõ lai lịch để lấy tài khoản cá độ bóng đá trên trang web www.bong88.com. Người này cũng hướng dẫn C. chia nhỏ tài khoản thành các tài khoản con để tổ chức cho các đại lý cấp dưới ghi độ. C. thống nhất với đối tượng này khi kết thúc mùa giải World Cup 2018 sẽ quay lại Campuchia để chung chi lợi nhuận.

Về Việt Nam, L.Q.C tổ chức cho một số người khác thành lập đường dây cá độ bóng đá trong nước, sau đó bị công an triệt phá. Quá trình xét xử vụ án đường dây tổ chức đánh bạc này, TAND Q.Tân Phú (TP.HCM) tuyên N.Đ.B, K.H.Ch, L.N.H, N.V.Tr về tội "đánh bạc"; trong đó B., Ch. bị tuyên phạt 3 năm tù treo; H., Tr. 1 năm tù treo.

Riêng các bị cáo với vai trò tổ chức đánh bạc, HĐXX sơ thẩm đều tuyên phạt tù giam, trong đó có L.Q.C.

Ba lần kháng nghị, hai lần giám đốc thẩm

Sau bản án sơ thẩm, Viện KSND TP.HCM kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, đề nghị TAND TP.HCM xử phúc thẩm áp dụng tình tiết "phạm tội 2 lần trở lên" đối với 4 bị cáo bị phạt tù được hưởng án treo nói trên và không áp dụng điều 65 bộ luật Hình sự để cho các bị cáo được hưởng án treo.

Phạm tội 2 lần trở lên, vẫn được tòa tuyên án treo (!?) - Ảnh 1.

Minh họa: DAD

Tuy nhiên, TAND TP.HCM xử phúc thẩm vẫn y án sơ thẩm N.Đ.B, K.H.Ch 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; L.N.H, N.V.Tr cùng 1 năm tù cho hưởng án treo.

Kiểm sát hồ sơ, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm của TAND TP.HCM để xét xử lại theo hướng không cho 4 bị cáo trên hưởng án treo. Tại quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM, không chấp nhận kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, giữ nguyên bản án hình sự phúc thẩm của TAND TP.HCM đối với B., Ch., H., Tr.

Do TAND cấp cao tại TP.HCM không chấp nhận kháng nghị nên Viện KSND cấp cao tại TP.HCM có báo cáo Viện trưởng Viện KSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm đối với vụ án.

Sau đó, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao quyết định chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện KSND tối cao, hủy quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM và bản án hình sự phúc thẩm của TAND TP.HCM về phần hình phạt chính đối với 4 bị cáo N.Đ.B, K.H.Ch, L.H.H, N.V.Tr để xét xử phúc thẩm lại theo hướng không cho các bị cáo được hưởng án treo.

Có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, không cho hưởng án treo

Theo hồ sơ vụ án, N.Đ.B ghi tổng cộng 32 trận bóng đá với số tiền hơn 900 triệu đồng; K.H.Ch tham gia bắt độ 6 trận với tổng số tiền đánh bạc 510 triệu đồng; L.N.H bắt độ 9 trận, tổng số tiền gần 26 triệu đồng; N.V.Tr cá độ 16 trận, tổng số tiền 86,5 triệu đồng.

Kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao thể hiện 4 bị cáo này có hành vi phạm tội từ 2 lần trở lên, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 điều 52 bộ luật Hình sự năm 2015. Bên cạnh đó, khoản 5 điều 3 Nghị quyết 02/2018/HĐTP hướng dẫn áp dụng điều 65 bộ luật Hình sự về án treo y định "người phạm tội nhiều lần" thuộc trường hợp không được hưởng án treo.

Ngoài ra, Viện KSND tối cao chỉ ra tòa án phúc thẩm áp dụng hình phạt đối với các bị cáo không đảm bảo nguyên tắc công bằng. Khi N.Đ.B phạm tội với 2 tình tiết định khung là "tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50 triệu đồng trở lên", và "sử dụng mạng internet để phạm tội", số tiền đánh bạc hơn 900 triệu đồng, bị cáo chỉ có một tình tiết giảm nhẹ; nhưng mức án của bị cáo N.Đ.B lại ngang bằng với bị cáo K.H.Ch, chỉ có một tình tiết định khung là "tiền dùng đánh bạc trị giá 50 triệu đồng trở lên", số tiền đánh bạc của Ch. chỉ 510 triệu đồng, trong khi lại có 2 tình tiết giảm nhẹ.

Tương tự, đối với bị cáo N.V.Tr có số lần đánh bạc nhiều hơn, tiền đánh bạc cũng lớn hơn, nhưng mức án lại ngang bằng với L.H.H có số lần đánh bạc ít hơn, số tiền đánh bạc ít hơn là không công bằng. Do đó, Viện KSND tối cao yêu cầu hủy án để xét xử lại nhằm đảm bảo tính công bằng.

Sau khi kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện KSND tối cao được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao chấp nhận, Viện KSND tối cao yêu cầu toàn ngành rút kinh nghiệm và nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự trong toàn ngành.

Làm giả hồ sơ bệnh án

Hay một trường hợp khác, là vụ án P.S.Nh phạm tội "đánh bạc". TAND H.Krông Pắc (Đắk Lắk) xử sơ thẩm tuyên Nh. 3 năm tù. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Đắk Lắk bác kháng cáo xin hưởng án treo của Nh., y án sơ thẩm 3 năm tù.

Tuy nhiên, Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng xử giám đốc thẩm, sửa bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Đắk Lắk theo hướng giữ nguyên hình phạt 3 năm tù nhưng cho P.S.Nh hưởng án treo.

Quá trình kiểm sát hồ sơ, Viện KSND tối cao đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng, và giữ nguyên bản án phúc thẩm, không cho Nh. hưởng án treo.

Viện KSND tối cao phân tích, P.S.Nh phạm tội "đánh bạc" với 2 tình tiết định khung hình phạt là tiền dùng đánh bạc trị giá 50 triệu đồng trở lên, và sử dụng mạng internet, mạng máy tính để phạm tội; có một tình tiết tăng nặng hình phạt là "phạm tội 2 lần trở lên", nhưng TAND cấp cao tại Đà Nẵng sửa bản án phúc thẩm, cho Nh. hưởng án treo là vi phạm khoản 5 điều 3 Nghị quyết 02.

Hơn nữa, theo xác minh của Cơ quan Viện KSND tối cao, hồ sơ bệnh án và biên bản kết luận giám định của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đối với P.S.Nh có dấu hiệu làm giả. Do đó, Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng căn cứ vào hồ sơ bệnh án và biên bản này để kháng nghị giám đốc thẩm khi chưa kiểm tra, xác minh làm rõ là không có cơ sở. Sau đó, Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng tiếp tục căn cứ vào hồ sơ bệnh án này để cho bị cáo Nh. được hưởng án treo là sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật. 

(còn tiếp)

Trường hợp phạm tội 2 lần trở lên nhưng được hưởng án treo

Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị quyết 02/2018/HĐTP hướng dẫn áp dụng điều 65 bộ luật Hình sự về án treo, trong đó bổ sung khoản 5 điều 3, rằng người phạm tội 2 lần trở lên không được hưởng án treo, trừ một trong các trường hợp sau:

a) Người phạm tội là người dưới 18 tuổi;

b) Các lần phạm tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng;

c) Các lần phạm tội, người phạm tội là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể;

d) Các lần phạm tội do người phạm tội tự thú.

Những trường hợp không cho hưởng án treo

1. Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

2. Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị truy nã.

3. Người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo.

4. Người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi.

5. Người phạm tội nhiều lần, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi.

6. Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

(Điều 3 Nghị quyết 02/2018/HĐTP hướng dẫn áp dụng điều 65 bộ luật Hình sự về án treo)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.